26/12/2018 09:36 GMT+7

Có chữ để đời con bớt khổ

H.THANH - M.PHƯỢNG - NG.HIỀN
H.THANH - M.PHƯỢNG - NG.HIỀN

TTO - Đó là tâm sự của những phụ huynh trong 20 gia đình sẽ nhận vốn của chương trình 'Tiếp sức nhà nông cho con đến trường' tỉnh Sơn La khi 'đối chiếu' từ chính cuộc đời họ.

Có chữ để đời con bớt khổ - Ảnh 1.

Từ ngôi nhà này, anh Thào A Hờ tin con có chữ đời sẽ bớt khổ hơn mình - Ảnh: HÀ THANH

Ông Thào A Hờ (41 tuổi) còn khẳng định: "Mong muốn lớn nhất là các con được đi học. Đông con, đường sá đi lại khó khăn, muốn phát triển kinh tế cũng không được. Nếu được vay vốn mình sẽ chăn nuôi con bò, con dê, trồng xoài quanh nhà... Mình sẽ làm để cho các con được đi học vì không có chữ như mình làm cái gì cũng khổ".

Niềm tin vào "cái chữ"

Đường lên bản Nà Hén, xã Hát Lót (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) dốc thẳng đứng. Suốt mấy chục năm qua, bản người Mông xa xôi này vẫn chưa có điện, chưa có đường, đời sống bà con còn nhiều khổ cực. Học sinh "còn sức" đi học chỉ còn cách thuê ở trọ để bám trường, bám lớp học lấy con chữ.

Cũng vì khó khăn vậy mà cả đời bà Vừ Thị Mua (40 tuổi, vợ ông Hờ) chưa một lần được xuống thị trấn Hát Lót, chỉ quẩn quanh trong bản làng, lên nương trồng ngô, trồng sắn. Đẻ 5 đứa con, hai vợ chồng bà Mua đầu tắt mặt tối cả ngày cũng không kiếm đủ tiền, đến bữa cơm còn bữa đói bữa no.

Bà Mua không biết chữ, thậm chí đến cái tên mình cũng không biết viết, cũng không biết nói tiếng phổ thông. 

"Không biết chữ, khổ lắm. Mẹ đông con, vất vả lắm. Năm đứa con, khổ quá, muốn cho đi học cũng không có tiền. Muốn khóc lắm, gia đình vất vả, điện đường không có, muốn trồng cái gì, nuôi con gì cũng không có, bán cũng không bán được", người phụ nữ dân tộc Mông kể bằng tiếng Mông rồi bật khóc nức nở khi nhắc đến những đứa con.

Ngồi bên bếp lửa, ông Hờ động viên vợ đừng khóc. Người đàn ông hiền lành cả đời bám lấy nương ngô, nương sắn để nuôi vợ, nuôi 5 đứa con lắc đầu khi nghĩ đến cung đường đi khủng khiếp từ trung tâm xã dẫn lên bản. Ông chỉ vào hai cái răng cửa trống huơ là hậu quả của một lần ngã xe. 

Cũng chỉ vì đường sá đi lại quá khó khăn mà dù có trồng được ngô, được sắn thì khi thương lái đến thu mua, giá cả cũng tụt xuống hẳn một nửa. Mỗi năm, gia đình thu được nhiều nhất chỉ 20 - 30 triệu đồng, chưa kể chi phí tiền phân, tiền mua giống.

"10kg ngô chỉ bán được 30.000 đồng, chưa kể tiền công chở ra mất 15.000 đồng/bao ngô. Khó lắm, có khi cả tháng không kiếm nổi 100.000 - 200.000 đồng đóng tiền học cho con. Riêng tiền ăn, tiền trọ của các con mất cả chục triệu đồng/năm", ông Hờ tâm sự.

Rồi cũng vì nhà quá khổ mà ba đứa con đầu của ông Hờ đều xin nghỉ học từ rất sớm. Nhưng hai đứa con sau cùng, một đứa đang học lớp 6, một đứa đang học lớp 8 thì vợ chồng ông Hờ gắng động viên con đi học tiếp. 

"Mình gắng cho hai đứa con ở trọ, mỗi tháng mất 300.000 đồng tiền thuê trọ cho hai đứa, chưa kể tiền ăn. Mình cũng không biết chữ, nay thấy các con biết cái chữ thì phải cố gắng thôi", ông Hờ giãi bày. 

Như để chứng minh cho niềm vui khi con biết chữ, ông Hờ khoe, tin tưởng: "Có chữ, con bảo mình: giấy này có người mời đi đám cưới này, con chỉ cho mình vào ngày thứ mấy thì mình mới biết".

Những ngày này vợ chồng ông Hờ vừa thu xong mấy bao ngô, vợ chồng ở nhà dù chỉ ăn tạm qua ngày, lúc có gạo thì có bữa cơm, không có gạo thì đi làm thuê làm mướn để kiếm lấy cái ăn, kiếm thêm ít đồng gửi cho hai đứa con đang đi học ở trung tâm xã.

Có học thì đời con mới tiến bộ

Cách trung tâm xã Hát Lót chừng 12km, ngôi nhà của anh Hoàng Văn Sết (34 tuổi, ở bản Co Trai, dân tộc Khơ Mú) trống huơ trống hoác, ngôi nhà dù đóng kín cửa cũng dễ dàng nhận ra những lỗ thủng trên tường, trên mái nhà. 

Vợ đi làm ăn xa cùng đứa con gái, một mình anh Sết ở nhà chăm hai đứa con còn nhỏ dại, có người ngỏ ý giúp anh Sết về Hà Nội làm thuê nhưng anh lắc đầu vì sợ con cái xa bố, xa mẹ không ai chăm sóc.

Trong căn nhà xập xệ, có lẽ thứ đáng giá nhất là những bức vẽ, những câu thơ hay phép tính đơn giản được viết ở trên vách. Nhà không có tiền mua giấy bút cho con đi học, mấy đứa nhỏ xin phép bố được viết, vẽ trên những bức vách quanh nhà.

Đứa con gái đầu chỉ học xong lớp 5 theo mẹ về Hà Nội làm thuê làm mướn để trả nợ trong nhà, một mình anh ở nhà chăm hai đứa con. 

Có những ngày chặt mía thuê, bốc vác đến tận nửa đêm nhưng ngày hôm sau anh vẫn gắng dậy từ 5h sáng chuẩn bị bữa cơm cho hai đứa nhỏ đến trường. Có những hôm không kiếm ra tiền, anh bấm bụng mua cho các con mấy gói mì ăn qua bữa, còn anh nhịn bữa đói bữa no.

"Cứ trồng ngô trồng sắn mãi đời không khá lên được. Mình đi làm thuê trong bản, nhà trồng thêm cây dong, cây sắn chỉ đủ được đồng tiền mua phân mua giống cho vụ sau. Bố con bữa đói bữa no, may thằng Thiện (con trai anh Sết - PV) ngoan ngoãn, học buổi sáng xong thì chiều đến, cuối tuần đi chăn bò, chăn dê thuê phụ giúp bố", anh Sết mắt đỏ hoe. 

Anh nói mấy ngày nay làm vất vả quá nên thằng Thiện bị ốm nặng, anh phải gửi con về cho bà ngoại chăm sóc.

Biết hoàn cảnh của gia đình, cô giáo của Thiện luôn động viên em đến trường, còn cho anh Sết nợ đóng tiền học. Anh nói đợi làm thuê xong đợt này mới có đủ tiền nộp cô giáo, cũng may cô giáo biết gia đình hoàn cảnh nên cũng hỗ trợ tiền nong, động viên cho các con anh Sết đi học. 

"Con có học thì đời con không khổ như đời bố. Nếu được hỗ trợ, mình sẽ mua bò mua dê để cho con đi học, mình sẽ đi làm thuê nữa", anh Sết quả quyết.

"Tiếp sức nhà nông" Đắk Nông, Bình Thuận, Vĩnh Long, Sơn La

Ngày 27-12 tại huyện Mai Sơn (Sơn La), báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn Sơn La sẽ tổ chức lễ trao vốn chương trình "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" cho 20 hộ nông dân tỉnh Sơn La.

Chương trình sẽ hỗ trợ vốn vay không lãi suất trong thời gian 2 năm với tổng kinh phí 460 triệu đồng (bao gồm 400 triệu đồng tiền mặt, phiếu thức ăn chăn nuôi trị giá 60 triệu đồng). Bên cạnh đó, chương trình cũng tuyên dương và trao phần thưởng cho 20 học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi là con của các hộ nông dân tham gia chương trình với tổng giá trị 20 triệu đồng.

Trong năm 2018, chương trình trợ vốn cho tổng cộng 80 hộ dân của 4 tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận, Vĩnh Long, Sơn La.

Ông Lò Văn Mường, trưởng bản Nà Hén, cho biết từ năm 2006 đến nay gia đình ông Thào A Hờ vẫn đặc biệt khó khăn, chưa thoát nghèo được. Gia đình chỉ có một ít nương rẫy, nay hai vợ chồng còn chăm nom thêm mấy đứa cháu nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Còn anh Mè Văn Quang, trưởng bản Co Trai, xác nhận hộ gia đình anh Hoàng Văn Sết đặc biệt khó khăn nhất trong bản, vợ chồng anh Sết đang tạm thời ly thân nên một mình anh chăm hai đứa con nhỏ.

"Nếu gia đình anh Sết được hỗ trợ vay vốn, chúng tôi sẽ sát sao cùng gia đình giúp gia đình phát triển, đảm bảo sau khi hết đợt hỗ trợ này sẽ đủ số vốn trả lại cho chương trình", anh Quang nói.

Tròng trành con chữ trên bè tre

TTO - Nước sông Rin cuộn chảy, cả chục học trò đứng trên chiếc ghe, bè tre bám vào sợi dây cáp cột ở đôi bờ, đu mình vượt sông tìm con chữ.

H.THANH - M.PHƯỢNG - NG.HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên