Chuột bán vé số, 'nhân vật nổi tiếng' ở Bến Tre
Đến huyện Mỏ Cày Nam, hầu như ai cũng biết chuyện chú chuột Lắc lanh lợi đến kỳ lạ, khó tin cùng một phụ nữ rong ruổi bán vé số.
Chú chuột lí lắc bán vé số
Hình ảnh chú chuột lí lắc thoăn thoắt trên vai chị Lê Thị Kim Ngân mỗi ngày cùng xuôi ngược bán vé số đã trở nên quen thuộc với dân vùng này. Họ còn ví von Lắc là chú chuột nổi tiếng nhất Bến Tre, thậm chí cả Việt Nam.
Tôi gặp chị trên đường trở về nhà khi đã bán hết đợt vé số sáng. Chị vừa xuống xe cũng là lúc chú chuột không biết từ đâu thoăn thoắt chạy quanh vai, rồi lí lắc chui vào túi, hí mắt nhìn tinh nghịch thăm dò người lạ.
Chị cười thủ thỉ: "Ra đi con, khách mua số nè. Ra lấy tiền thối cho mẹ nhanh lên". Những tưởng lời vu vơ, nhưng chú chuột dường như hiểu những gì người phụ nữ 36 tuổi này nói. Lập tức, chú phóng khỏi túi, víu vào áo đứng trên vai chị Ngân đảo mắt lia lịa.
Theo chia sẻ của chị, nhiệm vụ chính của chú chuột dừa này là nhận tiền khách và tha vào túi. "Nhiều người không tin nhưng đó là sự thật. Nó theo tôi đi bán, ai đưa tiền là chui ra ngậm cất vào túi liền. Nó dạn lắm, không sợ người lạ gì ráo. Có điều là nó chê tiền giấy lẻ, chỉ nhận mấy tờ polymer nhiều màu sắc thôi", chị Ngân cười nói.
Tôi đưa thử tờ mệnh giá 20.000 đồng, chú chuột kháu khỉnh lập tức chồm sang, hai chân trước víu lấy tiền, miệng thì ngậm chặt để cất vào giỏ.
Đặc biệt, chú chuột dừa này chỉ ngậm với lực vừa phải, không bao giờ làm tờ tiền bị rách. Kể từ khi có Lắc đồng hành, chị Ngân bán vé số đắt hàng hơn hẳn.
"Ban đầu thì hổng ai biết tui, từ khi đi bán có Lắc người ta thấy ngồ ngộ, truyền miệng nhau riết thành người bán vé số nổi tiếng nhất khu này luôn", chị Ngân cười phì. Ai cũng khoái Lắc, nhưng chị vẫn phải ngó nghiêng để... phòng mèo. Nếu chẳng may mèo thấy, chú Lắc tí hon sẽ gặp nguy.
Có lần, khách mua số thấy chú chuột trên người chị Ngân nghĩ từ cây rơi xuống nên lấy tay phủi, giẫm đạp không thương tiếc...
Chị nhớ lại, lúc không kịp cản, Lắc bị khách đạp nằm bất động. "Ban đầu nó còn kêu éc éc, sau cú đạp nó im re như chết, nhưng may là đem về chăm sóc tới chiều là gượng dậy được. Tui xót vô cùng, tính là không dẫn nó theo nữa", chị Ngân kể.
Dù rất dạn nhưng không phải ai chú chuột này cũng chịu tương tác. Theo chị Ngân, Lắc chủ yếu nhận biết qua mùi, người nào có mùi "lạ" là chú không chịu ra.
Ông Phạm Văn Toàn, chủ quán cà phê trên quốc lộ 57 (xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam), cho biết chị Ngân bán ở đây được nhiều người quý, mua ủng hộ rồi tranh thủ chơi đùa với chú chuột ngộ nghĩnh.
Đa số dân làm vườn ít chơi số nhưng mến Lắc nên mua ủng hộ để chị có tiền... mua sữa cho nó.
Có duyên cưu mang Lắc
Nhớ lại ngày đầu gặp Lắc trong một đêm gió mạnh, nghe tiếng chó sủa sau vườn, chị chạy ra soi đèn thì thấy chú chuột dừa non nằm co ro dưới đất. Sợ chó vật chết, chị đưa vào nhà.
"Lúc đó nhìn nó tội lắm, chắc trên cây dừa rớt xuống, chưa mở mắt, thấy vậy không đành nên nuôi luôn tới giờ này", chị Ngân kể.
Cứ thế mỗi ngày đều đặn ba cữ, chị cho Lắc uống sữa và tắm rửa sạch sẽ trước khi dẫn theo bán vé số. Nơi ở của chú chuột dừa là chiếc bình nước 21 lít cũ, lót vài tấm vải vụn. Lắc tự biết về tổ của mình dù để bất kỳ đâu trong nhà. Rồi chỉ nghe gọi là lập tức chú chuột lanh lợi phóng ra khỏi bình, thoăn thoắt chuyền trên người chị để tìm nơi chui vào đi bán vé số.
Chị Ngân tâm sự từng có người hỏi mua Lắc giá 85 triệu đồng nhưng chị từ chối. "Dù khổ thiệt, tui vẫn nuôi khi nào nó chết thì thôi, lỡ bán người ta ăn thịt hay đánh đập thì tội lắm", chị Ngân khẳng định.
"Giờ lỡ cưng Lắc rồi, bỏ thì tội lắm. Dù sao nó cũng chưa bao giờ cắn phá. Ăn ở thì sạch sẽ, không gần các con chuột khác nên khó bị lây nhiễm gì. Nên ai nói gì nói, tui vẫn cứ thương nuôi nó bên mình", chị Ngân tâm sự.
Chuột có thật sự hiểu tiếng người?
TS Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan, trưởng khoa thú y - chăn nuôi Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết chuột dừa thuộc loài động vật gặm nhấm, có kích thước nhỏ và đặc biệt sinh sống nhiều ở Bến Tre.
Đến nay chưa có nghiên cứu để có thể so sánh trí thông minh của chuột dừa so với các loài chuột khác. Nhưng chuột được các nhà khoa học xếp vào nhóm 10 con vật thông minh nhất hành tinh.
Thậm chí nhiều nhà khoa học Pháp từng khẳng định chuột là loài thông minh thứ 3 chỉ sau con người và tinh tinh, bởi chúng có hệ gene giống người đến 85%. Nhờ sự theo dõi quá trình di chuyển của chuột nhắt, các nhà sử học còn có thể vẽ sơ đồ di dân của loài người, bởi ở đâu có người là sẽ có chuột.
Theo lý giải của TS Hồng Loan, cách mà chuột Lắc nhận tiền của khách cũng như có thể hiểu được ý của chị Ngân là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Việc chuột thân thiết với người có thể là do đã được nuôi từ nhỏ, cho đi làm việc cùng nên nó dạn dĩ hơn. Tất cả điều đó đều là phản xạ có điều kiện nhân tạo của con người khi nuôi động vật", TS Hồng Loan giải thích thêm.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của TS Hồng Loan, những người khi tiếp xúc gần với chuột cũng cần lưu ý bởi loài động vật này được biết đến là vật trung gian của gần 40 mầm bệnh. Đồng thời là vật chủ ưa thích của nhiều ký sinh, trong đó có loài mang mầm bệnh truyền nhiễm cho người và gia súc.
"Cần thận trọng khi chăm sóc, tránh để bị chuột cắn, tránh tiếp xúc với chất bài tiết của chuột như nước tiểu, phân vào các vùng da bị tổn thương, văng vào mắt, mũi, miệng để phòng bị nhiễm một số vi rút, xoắn khuẩn...", TS Hồng Loan khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận