27/09/2012 07:59 GMT+7

Có chỗ ở vẫn khó khăn

D.N.HÀ - S.LÂM - C.THÀNH
D.N.HÀ - S.LÂM - C.THÀNH

TT - Người dân trong các khu tái định cư có nhà cửa khang trang, sạch đẹp hơn nhưng vẫn gặp khó khăn về việc làm nên một số hộ đời sống chưa thể ổn định.

IX5Ls6YC.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Hiệp, một hộ dân tái định cư ở chung cư An Sương (Q.12, TP.HCM), đi bán xôi dạo mưu sinh - Ảnh: Chính Thành

Đầu năm 2010, gần 350 hộ dân ở rạch Ụ Cây (Q.8, TP.HCM) được tái định cư (TĐC) tại chung cư Tân Mỹ, P.Tân Phú (Q.7). Lúc mới dọn nhà đến nơi TĐC, người dân và cả chính quyền đều lạc quan vì nhà cửa khang trang, cao ráo, thoáng mát, tường sơn nước thơm tho, khác hẳn với nơi ở cũ ngập ngụa trong rác và mùi ô nhiễm của dòng nước rạch bị tắc lâu ngày. Thế nhưng người dân rạch Ụ Cây chỉ ở đây được một thời gian ngắn vì họ phải đối diện với câu hỏi: làm gì để có cái ăn?

Cần tạo việc làm

Bà Võ Thị Thu Loan (khu phố 5, P.10, Q.8) cho biết gia đình bà đã rời khỏi căn hộ TĐC ở chung cư Tân Mỹ gần một tháng nay, căn hộ đang cho thuê được 4 triệu đồng/tháng. Bà kể: gia đình bà có bốn người, trước khi bị giải tỏa, chồng chạy xe ôm ở bến xe Q.8 (quốc lộ 50), con trai dạy lái xe, con dâu bán quán nước và thẻ điện thoại ngay tại nhà.

Trẻ đăng ký đi học ít

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, phó chủ tịch UBND P. Tân Hưng Thuận (Q.12), cho biết: tháng 4-2010, 175 hộ dân TĐC từ rạch Ụ Cây (Q.8) về P. Tân Hưng Thuận, có khoảng 100 em 6-15 tuổi không đi học. Phường đã trực tiếp vận động, thông báo tới các hộ dân TĐC để các em đi học lớp phổ cập miễn phí ở hai điểm là trụ sở ban điều hành khu phố 5 và Trường tiểu học Trần Văn Ơn.

Sau khi học được hai học kỳ, tất cả 30 em đăng ký học lớp phổ cập đều bỏ học để theo ba mẹ đi làm kiếm tiền. Hằng năm, tới ngày 3-9, phường vẫn tiếp tục mở lớp phổ cập và vận động các em đi học nhưng số lượng đăng ký học rất ít. Con em của những hộ dân TĐC học trường chính quy sẽ được miễn giảm học phí 100% trong vòng ba năm, tính từ thời điểm đăng ký học tại trường. P.Tân Hưng Thuận không có nhà máy lớn nên khi UBND phường giới thiệu việc làm trong những xưởng may gia công, nhà hàng, quán ăn... thì nhiều người dân không nhận việc do thu nhập thấp. UBND phường đang xét cho những hộ TĐC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mua bảo hiểm xã hội để được hưởng trợ cấp tối thiểu từ 240.000-360.000 đồng/tháng.

Được bố trí căn hộ chung cư Tân Mỹ, gia đình bà dọn đi ngay sau khi xem nhà vì căn hộ thoáng mát, sạch sẽ, lại ở trong khu vực thuận tiện đường giao thông, gần trung tâm quận. Nhưng sau đó con dâu của bà thất nghiệp ở nhà, thu nhập của con trai giảm sút bởi ngày càng ít người học lái xe. Gia đình bà phải xoay xở dựa vào thu nhập bấp bênh từ nghề xe ôm của chồng vốn đã ít đi vì ông phải đi một đoạn đường xa gấp đôi trước kia mới đến bến xe ôm cũ. Sau đó, con dâu bà Loan xin làm ở Khu chế xuất Tân Thuận nhưng lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Thu nhập đã quá ít, mà ở chung cư cái gì cũng tốn phí: phí giữ xe, rác, vệ sinh, thang máy..., tính sơ sơ mỗi tháng gia đình bà phải đóng gần 250.000 đồng.

“Từ khi lên chung cư, tui phải bán vàng đã dành dụm trước đó để mua gạo và thức ăn hằng ngày” - bà Loan nhớ lại. Quay lại rạch Ụ Cây, gia đình bà may mắn được anh em ruột cho ở trong căn nhà của cha mẹ nên không tốn tiền thuê. Con dâu bà mở lại quán bán cà phê, nước giải khát, thu nhập đủ tiền mua gạo cho cả nhà. Hiện gia đình bà có thêm tiền cho thuê căn hộ để trang trải các chi phí khác.

Trường hợp quay lại nơi ở cũ như gia đình bà Loan không phải là cá biệt ở chung cư TĐC Tân Mỹ. Ông Trương Bá Thành, phó ban điều hành khu phố 5, P.10, Q.8, cho biết có đến bốn, năm hộ bỏ chung cư TĐC quay về khu phố này, thuê nhà ở để kiếm việc làm hoặc buôn bán kiếm sống. Theo thống kê của UBND Q.8, trong 350 hộ dân được bố trí TĐC ở chung cư Tân Mỹ, có 128 hộ không còn ở chung cư này. Trong đó 34 hộ đã bán nhà, 94 hộ cho thuê nhà TĐC rồi đi nơi khác thuê nhà ở để dễ kiếm việc làm.

Theo UBND Q.8, quận đã phối hợp với UBND P.Tân Phú, Q.7 (nơi chung cư Tân Mỹ tọa lạc) tạo điều kiện để người dân TĐC có chỗ buôn bán nhỏ nhằm ổn định cuộc sống trong thời gian đầu sau khi đến chỗ ở mới. UBND quận cũng hỗ trợ người dân học nghề cho phù hợp với điều kiện sống chung cư nhưng đa số người dân có trình độ thấp, không có khả năng học nghề.

Chưa hoàn thiện hạ tầng

Gia đình ông Đậu Hồng Khuôn được di dời từ dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm (Q.Bình Thạnh) đến lô A5 chung cư An Sương (P.Tân Hưng Thuận, Q.12) từ tháng 6-2006. Trước khi di dời, vợ ông Khuôn bán tạp hóa, cà phê, nước ngọt trước nhà (trên đường Nguyễn Hữu Cảnh) mỗi tháng lời được khoảng 8 triệu đồng.

Ông Khuôn là nhân viên vận chuyển hàng hóa ở Tân Cảng với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Hai năm đầu về khu TĐC, vợ ông Khuôn bán bánh mì dạo thu nhập khá bấp bênh bởi khu TĐC còn thưa thớt người. Ông Khuôn cũng không thể chạy về Tân Cảng tiếp tục làm việc vì quá xa. Con trai ông đang học năm 2 Trường ĐH Bách khoa phải bảo lưu kết quả, nghỉ học hai năm để phụ gia đình kiếm sống. Hiện hai vợ chồng ông đã tìm được việc làm nhưng thu nhập không bằng trước kia, con trai ông đã đi học trở lại, chậm nhiều năm so với bạn cùng trang lứa.

Khu TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh tọa lạc ở góc ngã tư tỉnh lộ 10 và đường Võ Văn Vân. Hiện con đường đi vào khu dân cư Vĩnh Lộc B chỉ là đường đất đầy ổ voi và ngập nước. Giai đoạn 1 của khu dân cư Vĩnh Lộc với 22 lô chung cư năm tầng đã được xây xong, nhưng tới nay thực ở vẫn chưa tới trăm hộ. Ông Lữ Quốc Hưng (ở lô 6C) nói: “Về đây chỉ ăn thôi chứ không có làm”. Trước đây, ông Hưng là chủ một tiệm phở lớn cạnh khu Đầm Sen lúc nào cũng tấp nập khách, về đây ông cũng từng mở một quán phở nhỏ nhưng được mấy bữa phải... dẹp vì vắng khách.

Bà Phạm Kim Thanh, một người dân TĐC thuộc dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, vừa chuyển về đây được hơn một tháng, kể: “Tui muốn đi chợ hoặc mua viên thuốc cũng phải đi xa mấy cây số vì khu dân cư này cách biệt với bên ngoài”. Trước đây, nhà cũ của bà Thanh nằm sát rạch Lò Gốm, làm bến cho ghe thuyền từ miền Tây lên đổ dừa, trái cây, và thêm bảy phòng trọ cho thuê. Sau khi giải tỏa, bà Thanh về khu dân cư này.

“Trước mắt thì ổn định mà lâu dài thì chưa biết tính ra sao vì chưa có công ăn việc làm...” - bà Thanh trầm ngâm.

Ông Đoàn Nhật, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết UBND huyện đã báo cáo với Sở Xây dựng (chủ đầu tư dự án nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, nơi người dân bị giải tỏa và TĐC về khu dân cư Vĩnh Lộc) về tình trạng hạ tầng của khu TĐC trên. Sở Xây dựng cũng đã đồng ý xây dựng con đường vào khu dân cư (đang bồi thường cho các hộ dân để lấy đất làm đường). Trước mắt, UBND huyện sẽ sửa chữa đường cho bằng phẳng để người dân đi lại dễ dàng hơn.

Tái định cư cho dân sau 8 năm tạm cư

UBND TP.HCM vừa duyệt giá đất ở tái định cư tại dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Bình Điền (chợ đầu mối Bình Điền, P.7, Q.8). Trong đó, đơn giá đất ở để bố trí tái định cư áp dụng cho dự án này giai đoạn 2 là 1,5 triệu đồng/m2 (đường 12m), 1,7 triệu đồng/m2 (đường 16m), 2 triệu đồng/m2 (đường 20m) và 2,5 triệu đồng/m2 (đường 25m).

UBND TP cũng thống nhất chủ trương tạm sử dụng vốn của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên để chuyển nhượng 400 nền đất ở bố trí tái định cư cho giai đoạn 2 của dự án nói trên. Trước đó, tổng công ty này đã đề nghị tạm ứng 30 tỉ đồng để Công ty cổ phần xây dựng thương mại Phú Mỹ Lợi hoàn thiện hạ tầng 400 nền tái định cư. Liên quan đến dự án trên, ngày 25-9 các cơ quan chức năng đã bàn giao nền đất tái định cư cho các hộ dân sau khoảng tám năm chờ đợi, sống tạm cư.

D.N.HÀ - S.LÂM - C.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: khó khăn chỗ ở