Bộ Nội vụ vừa có tờ trình dự thảo nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tờ trình đã gửi Bộ Tư pháp để thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét.
Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội xung quanh dự thảo nghị định, cũng như vấn đề sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức có vai trò quản lý và những gì cần làm hoặc ai sẽ bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.
TS NGUYỄN TIẾN DĨNH (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ):
Phải có định nghĩa "vì lợi ích chung"
Việc không dám làm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nguyên nhân nổi lên là đa số những người này trước đây đều làm ẩu hoặc từng làm chưa đúng, tuy nhiên chưa bị xem xét xử lý.
Đến khi việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, nhiều người bị xử lý, không có vùng cấm như trong đấu thầu, đấu giá, đất đai... thì họ sợ, chùng xuống, không dám làm.
Bởi làm thì lo sợ sẽ bị xử lý, thậm chí bị đi tù. Thêm vào đó, hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, vướng mắc, chồng chéo dẫn đến làm theo luật, quy định này thì đúng nhưng khi đưa ra xử lý, thậm chí hình sự, cơ quan truy tố lại dẫn luật, quy định khác cho rằng là... sai.
Từ đó cũng khiến cán bộ dù có năng lực, làm vì cái chung song sợ sai, không dám làm. Thậm chí có tư tưởng "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".
Tuy nhiên, dù nguyên nhân nào thì việc không dám làm, sợ sai, sợ trách nhiệm đó đã làm công việc chung bị đình trệ, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Do đó, việc sớm thể chế hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị bằng nghị định là rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý, cơ chế, sự yên tâm, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Điều quan trọng, khó nhất trong nghị định cần phải nhận diện được là "Thế nào là vì lợi ích chung?". Bởi trong thực tiễn không thiếu người lợi dụng vì "lợi ích chung" nhưng lại gài những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Bên cạnh đó, tùy từng vấn đề cán bộ đề xuất mới yêu cầu xây dựng đề án chứ không phải bắt buộc việc nào cũng phải xây dựng đề án rồi phê duyệt xong mới được thực hiện.
Chẳng hạn cán bộ phát hiện vấn đề, văn bản nào đó có nút thắt, bất hợp lý và đề xuất sửa đổi, nếu cấp trên thấy được cho tiến hành sửa chữa ngay chứ không nên bắt làm đề án, phê duyệt, như vậy sẽ rất mất thời gian.
Chưa kể, với một số vấn đề mới, nóng, nếu chờ đề án, phê duyệt có thể làm mất đi thời cơ vàng. Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để phát động, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Nhưng đồng thời cũng cần cơ chế để người đứng đầu cũng phải dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng với người dám làm. Khi có được người khuyến khích, bảo vệ mình thì chắc chắn cán bộ sẽ yên tâm hơn nhiều.
Nếu Quốc hội ban hành nghị quyết về nội dung này thì tính pháp lý sẽ cao hơn nhưng không nhất thiết phải làm vậy.
Bởi khi Chính phủ ban hành nghị định này cũng là văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị và cụ thể hóa các luật như phòng, chống tham nhũng, cán bộ, công chức, viên chức...
Thêm vào đó, khi tòa án, viện kiểm sát xử lý, vẫn phải căn cứ vào các quy định pháp luật, trong đó có nghị định này nên không sợ nghị định không bảo vệ được.
Một điểm nữa là nếu ban hành nghị quyết của Quốc hội thì thời gian, quy trình sẽ lâu hơn trong khi nghị định này đang được thực hiện dưới trình tự, thủ tục rút gọn nên sẽ nhanh hơn, sớm đưa vào thực thi.
TS TRẦN ANH TUẤN (chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam):
Có những cán bộ "sếp bảo gì làm đấy"
Tôi đã chứng kiến không ít cán bộ, kể cả người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị không dám ký các văn bản, nhất là liên quan đến đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai... do lo sợ nếu chẳng may có vấn đề sai phạm sẽ phải "vào tù".
Có cán bộ rất có năng lực, trí tuệ nhưng khi tôi hỏi vì sao không dám làm đã thẳng thắn trả lời rằng "nếu làm chẳng may sau này sai dù không tư lợi, đều vì cái chung nhưng sẽ chẳng có ai bảo vệ, có thể bị kỷ luật, đi tù".
Cho nên "sếp bảo gì làm đấy, cứ đều đều, cầm chừng cho an toàn". Nếu việc có chậm trễ, bị phê bình thì cùng lắm chỉ bị nhắc nhở, phê bình hay mất thi đua...
Bên cạnh đó, còn một bộ phận cán bộ có quyền hạn quyết định phê duyệt hoặc tham mưu phê duyệt các dự án. Những công việc này dễ hay xảy ra tham nhũng, tiêu cực nhất.
Trong lúc phòng, chống tham nhũng như hiện nay, dễ xảy ra tâm lý "co lại", cầm chừng, không giải quyết, không hồi đáp. Điều này làm ùn đọng, công việc không "chạy", ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Để chấm dứt tình trạng này, cần phát huy tính tự quản của chính quyền địa phương. Nhiệm vụ đã giao cho cấp nào, người nào thì cấp đó, người đó phải thực hiện theo đúng quyền hạn được giao.
Phải tuyển chọn, bổ sung người có phẩm chất, năng lực và thu hút, trọng dụng nhân tài vào nền công vụ. Riêng với dự thảo nghị định quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, cơ bản các nội dung được xây dựng đầy đủ, bảo đảm chất lượng.
Tuy nhiên, thay vì Chính phủ ban hành nên đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành thành một nghị quyết để giải quyết những vấn đề chưa có hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Đồng thời, nghị định của Chính phủ sẽ không thể áp dụng cho cả tòa án, viện kiểm sát nên với nghị quyết của Quốc hội sẽ mang tính pháp lý cao hơn. Khi đó, các chính sách khuyến khích, các biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo mới phát huy tác dụng.
PGS.TS VŨ VĂN PHÚC (phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương):
Phải đảm bảo nguyên tắc "chớp lấy thời cơ"
Việc cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó nguyên nhân chính là từ công tác cán bộ và trách nhiệm của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, việc chậm thể chế hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng là một nguyên nhân. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang dự thảo nghị định liên quan đến nội dung này chính là cơ sở pháp lý để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Tuy nhiên, là người trực tiếp được tham gia lấy ý kiến góp ý, tôi thấy dự thảo nghị định hiện nay quy định các thủ tục còn rườm rà, nhiêu khê. Chẳng hạn, việc vẫn yêu cầu người đứng đầu phải họp tập thể lại rồi cho ý kiến cho thấy trách nhiệm cuối cùng vẫn quy về tập thể thì rất khó cho cán bộ.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cho cán bộ, công chức dám làm những việc sáng tạo mà họ báo cáo.
Đồng thời, trong trường hợp cần kíp phải làm ngay, nếu không sẽ mất thời cơ. Chúng ta cần thực hiện rõ nguyên tắc việc gì có lợi nhất, hiệu quả nhất thì giao ngay cho người đó làm, tránh mất thời cơ và mỗi việc chỉ có một người chịu trách nhiệm đến cùng.
Trong trường hợp cái mới được coi là "mầm non" mà xảy ra sự cố, rủi ro thì cần xem xét về động cơ, nếu thấy trong sáng, không tư lợi phải có cơ chế bảo vệ một cách mạnh mẽ.
Còn với những người khác, tập thể chỉ chịu trách nhiệm phối hợp, định hướng. Thực tế đã có nhiều bài học khi đưa trách nhiệm tập thể thì cuối cùng không giải quyết được công việc, do đó dứt khoát không nên đưa trách nhiệm tập thể.
Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương):
Ranh giới đột phá, sáng tạo/ vi phạm còn mong manh
Ranh giới giữa dám nghĩ, dám làm, đột phá với vi phạm pháp luật nhiều khi rất mong manh. Điều này khiến cán bộ chùn bước và mang trong mình tâm lý những gì pháp luật chưa quy định thì thôi không tham mưu, không làm.
Thậm chí có cán bộ đã phát biểu công khai "nếu làm thì sợ sai nên chỉ làm việc cầm chừng để không có sai phạm, không bị xử lý".
Vì vậy, việc sớm xây dựng cơ chế để bảo vệ cán bộ là rất tốt. Trong đó, việc quan trọng nhất cần phân biệt rõ ranh giới "như thế nào là vi phạm", "như thế nào là đột phá, sáng tạo".
Khi phân biệt được rõ ranh giới này sẽ giúp cán bộ phân định được rõ ràng và từ đó mới dám làm, dám đột phá.
Bên cạnh đó, cần quy định rất rõ ràng, cụ thể những trường hợp nào sẽ được bảo vệ và mức độ bảo vệ đến đâu. Trách nhiệm của người đứng đầu ra sao.
Cùng với cơ chế này, cần hoàn thiện thể chế, rà soát công tác xây dựng pháp luật để sao cho các quy định không còn lỗ hổng, cũng không còn chồng chéo, hạn chế tối đa những vướng mắc. Khi có thể chế vững chắc, khoa học thì sẽ không còn những vi phạm quy định pháp luật một cách khách quan.
Đồng thời, phải mạnh tay hơn trong việc đánh giá chính xác cán bộ, tránh tình trạng cào bằng, ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những cán bộ không dám nghĩ, không dám làm cần phải được đánh giá chính xác và có biện pháp xử lý mạnh tay, loại khỏi bộ máy.
Ông NGUYỄN TÚC (ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):
Đã có bài học đường dây 500KV Bắc Nam
Việc ban hành nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ là rất cần thiết nhưng chỉ một nghị định thì sẽ chưa đủ sức để làm việc này mà cần phải có nhiều biện pháp khác đi kèm.
Quan trọng hơn, cần phải có những việc làm rất cụ thể để chứng minh cho việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thay vì cứ hô hào, nói chung chung.
Thực tế, trước đây có rất nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm đã bị làm khó, thậm chí cũng bị xử lý nhưng sau đó đã có các cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu nhận ra đấy là việc có lợi cho mục tiêu chung nên có biện pháp, hành động cụ thể để bảo vệ, khuyến khích.
Như việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những hành động quyết liệt bảo vệ cán bộ khi làm đường dây 500KV Bắc Nam… Khi có những việc làm cụ thể, tất yếu sẽ tác động đến cán bộ, để họ dám nghĩ, dám làm, không lo sợ.
Ông NGUYỄN TUẤN NINH (vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ):
Rất khó, phức tạp nên cần nghiên cứu thấu đáo
Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về dự thảo nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Vừa qua, bộ đã tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến của các địa phương xung quanh dự thảo nghị định. Đồng thời, ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và chuyển sang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp rồi tiếp đó trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Thực tế, đây là nghị định rất khó, phức tạp nên cần nghiên cứu thấu đáo. Các ý kiến góp ý sẽ tổng hợp, tiếp thu trên cơ sở đảm bảo chất lượng, trong đó vừa thể chế hóa được kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, vừa làm sao để nghị định ban hành phải đi vào cuộc sống.
Về định nghĩa "vì lợi ích chung"
Trong nội dung góp ý dự thảo nghị định, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng "vì lợi ích chung" là kết quả của đề xuất đổi mới, sáng tạo đem lại cho quốc gia, dân tộc hay địa phương, cơ quan, đơn vị được khuyến khích, bảo vệ, miễn, giảm trách nhiệm.
Để tránh nhầm lẫn, lạm dụng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương góp ý cần nghiên cứu, bổ sung thêm ví dụ như lợi ích là điều có lợi, điều cần thiết, lợi ích chung là lợi ích của cơ quan, đơn vị, quốc gia, dân tộc.
Về nội dung này, Bộ Nội vụ đề nghị giữ nguyên như dự thảo vì giải thích cụm từ "vì lợi ích chung" là hướng đến cái tổng thể, chung nhất. Vì vậy, bổ sung lợi ích là điều có lợi, điều cần thiết, lợi ích chung là lợi ích của cơ quan, đơn vị, quốc gia, dân tộc là không cần thiết.
8 trường hợp được miễn xử lý trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật
(trong dự thảo nghị định)
1. Đề xuất được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thực hiện đề xuất để giải quyết vấn đề khẩn cấp, cấp bách hoặc đề xuất đang trong quá trình thực hiện gặp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự.
3. Bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất.
4. Đã báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại.
5. Khi cán bộ phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất.
6. Phải chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
7. Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt.
8. Cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.
Chúng ta từng gọi đó là "thí điểm"
Trước đây chúng ta hay gọi việc đề xuất thực hiện những việc vượt thẩm quyền, hay những việc chưa có trong luật là "thí điểm".
Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được ban hành sẽ là văn bản thể chế hóa quy trình của việc xin làm thí điểm đó.
Có thể hiểu, một cán bộ, công chức, viên chức - bằng sự vô tư, không vụ lợi có cách nghĩ, cách làm mới chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ trong luật - sẽ được bảo vệ trước pháp luật khi có sự báo cáo với người đứng đầu, với tổ chức quản lý.
Lịch sử phát triển TP.HCM đã chứng minh, nhân dân TP bằng những hoạt động năng động sáng tạo để tự cứu mình đã góp công đầu để cả nước vượt qua khủng hoảng và chuyển từ "nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp" sang "nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước", tức là "đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ngày nay.
Đổi mới càng phát huy mạnh mẽ và thúc đẩy tinh thần nhân dân TP năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm hơn nữa. Trọng trách đầu tàu kinh tế đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng giục giã TP phải sáng tạo không ngừng.
Người dân TP cùng những vị lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ đồng bào, đã làm cho truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP trở thành một thuộc tính đáng yêu, đáng quý.
Trong tình hình hiện nay, TP không ngại có những việc vượt qua quy định nhà nước hiện hành nhưng cần được cấp thẩm quyền cho phép làm thí điểm.
Khi có nghị định hướng dẫn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để lãnh đạo và tập thể cán bộ, công chức, viên chức phát huy mạnh hơn tính tiên phong, dám làm, dám nghĩ lâu nay.
Sự quyết liệt, dám chịu trách nhiệm của những người đứng đầu TP sẽ là yếu tố quan trọng, quyết định đến việc hình thành và triển khai, lan rộng các ý tưởng, cách làm mới đột phá, hiệu quả.
Lênin nói đại ý: chỉ có hai loại người không có khuyết điểm, đó là thai nhi còn trong bụng mẹ và người nằm trong quan tài.
Như vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào TP cũng cần tiếp tục phát huy "thuộc tính" năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã được cả nước tôn vinh trên mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội nhằm góp sức đổi mới xây dựng phát triển TP và đất nước.
Trong đó, xây dựng, giữ gìn, phát huy động lực cách mạng, động lực phục vụ nhân dân chính là duy trì, phát huy cội nguồn sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên, công chức, từ đó kéo cả con tàu hành động "năng động sáng tạo" của nhân dân TP không ngừng tiến lên.
Ông Phạm Chánh Trực (nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) - TIẾN LONG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận