PGS-TS Lê Văn Quảng - Ảnh: NVCC
Khói thuốc lá và ung thư
Quá trình đốt cháy điếu thuốc lá được diễn ra ở nhiệt độ cao (từ 600 - 900 độ C) dẫn đến sự đốt cháy hoàn toàn lá thuốc bao gồm cả đốt cháy các hợp chất dễ bay hơi và đốt cháy tạp chất từ than, tạo ra làn khói thuốc.
Khói thuốc lá có hơn 5.700 chất, trong đó có hơn 70 chất được xem là chất sinh ung thư (carcinogen), các chất này đã được chứng minh trong các nghiên cứu trong ống nghiệm (in vitro) và nghiên cứu trên động vật là có khả năng gây ung thư.
Khi đi vào cơ thể, các chất gây ung thư có trong khói thuốc lá hầu hết sẽ được chuyển hóa và gây ung thư theo nhiều cơ chế khác nhau như gắn với bộ gen gây nên các đột biến gen; gắn với màng tế bào làm rối loạn quá trình phát triển của tế bào; hoặc kích thích quá trình viêm dẫn đến tăng sinh mạch máu bất thường và phát triển ung thư.
Cơ chế gây đột biến gen và rối loạn quá trình phát triển của tế bào
Các nghiên cứu hoá sinh cho thấy: các chất sinh ung thư trong khói thuốc lá đều là cơ chất bị các enzym P450, Glutathione S-transferase và UDP-glucuronosy transferase chuyển hoá thành các sản phẩm trung gian.
Chính các sản phẩm trung gian này là những chất ái điện tử, có khả năng gắn vào các nucleotid của phân tử AND, gây ra các lỗi trong quá trình nhân lên của phân tử ADN trong lần phân bào tiếp theo, hình thành nên các đột biến gen.
Mối liên quan giữa chất sinh ung thư trong khói thuốc lá với ung thư ở người:
Các nghiên cứu gần đây, sử dụng kỹ thuật giải trình tự gen đã cho thấy có hàng ngàn đột biến của người hút thuốc, trong đó hai loại đột biến thường gặp nhất là KRAS và TP53. Chúng tôi xin điểm danh 2 nghiên cứu nổi bật nhất:
Nghiên cứu của Greenman, năm 2007, trên 200 bệnh nhân hút thuốc với các loại ung thư khác nhau. Kết quả: có 500 gen đột biến ở vùng mã hoá. Các loại ung thư khác nhau thì có các loại đột biến khác nhau. Riêng các bệnh nhân ung thư phổi có số lượng đột biến cao nhất.
Nghiên cứu của Ding, năm 2008, trên 188 bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá. Kết quả cho thấy có 915 đột biến điểm, 12 đột biến ở cả hai nucleotid, 29 đột biến thêm đoạn và 57 đột biến mất đoạn. Các đột biến này chủ yếu liên quan đến gen: TP53, KRAS và CDKN2A, STK11.
Cơ chế gây viêm của khói thuốc lá
+ Với bệnh ung thư: Một nghiên cứu trước đây cho thấy có 4 chất được sản sinh từ khói thuốc lá tham gia đắc lực vào quá trình gây viêm, bao gồm carbon monoxide, acrolein (gây viêm bàng quang), nicotine và ROS (gây phản ứng oxi hoá).
Khi hút thuốc, tình trạng viêm mạn tính xuất hiện ở toàn bộ niêm mạc khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, phế quản và một số cơ quan khác. Trong đó các chất ROS có vai trò rất quan trọng.
Cụ thể, ROS kích hoạt con đường truyền tín hiệu nội bào, dẫn đến kích hoạt các gen gây viêm. Các chất này còn kích hoạt các con đường truyền tín hiệu nội bào của các tế bào miễn dịch, làm ức chế khả năng miễn dịch của các tế bào này. Dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, kể cả lao của những người hút thuốc.
Các chất gây viêm của khói thuốc lá ức chế các tế bào niêm mạc đường hô hấp và tiêu hoá làm chúng kém sản sinh ra các chất diệt khuẩn ngoại bào (ví dụ chất diệt khuẩn human beta-defensin-2, sinh ra bởi niêm mạc lợi), làm giảm khả năng đề kháng của niêm mạc. Các chất gây viêm của khói thuốc còn làm tăng các bệnh tự miễn. Một phân tích gộp năm 2010 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cao gấp đôi.
+ Với bệnh tim mạch: Cơ chế chính gây bệnh tim mạch của các chất trong khói thuốc lá là đẩy nhanh quá trình xơ vữa của nội mạc mạch máu và tăng khả năng đông máu. Hai quá trình này làm hẹp lòng mạch và tăng khả năng hình thành các cục huyết khối.
Nicotine không phải là chất sinh ung thư Carcinogen mà là chất gây nghiện
Mặc dù một giai đoạn nicotine được xem là chất có đặc tính sinh ung thư, nhưng hai nghiên cứu gần đây trên chuột của Murphy và Maier năm 2011 đã "minh oan" cho nicotine. Trong đó, những chỉ số của đặc tính sinh ung thư (ví dụ: số lượng u phổi) ở những con chuột được sử dụng nicotine với những con chuột trong nhóm chứng là không khác biệt có ý nghĩa thống kê.
Tuy không phải là carcinogen, nicotine có khả năng gây nghiện. Nicotine vượt qua hàng rào máu não chỉ sau 8-10 giây sau khi hút, nicotine vào não kích hoạt tiết ra dopamine, một chất gây sảng khoái, hưng phấn, an tâm. Và sau khi nồng độ dopamine trong cơ thể cạn kiệt, nó đòi hỏi được cung cấp, gây ra cảm giác thèm hút thuốc. Đó là sự phụ thuộc về mặt thể chất. Chính vì vậy mà người hút thuốc khó bỏ thuốc.
Ngoài ra, người hút thuốc còn có sự phụ thuộc về mặt tâm lý. Hút thuốc là một thói quen trong ngày. Người hút thuốc thường hút vào những thời điểm giống nhau trong ngày, khi uống nước chè, cà phê hay khi căng thẳng, mệt mỏi.
Khi hút, người hút thường thả lỏng tối đa cơ thể, tập trung vào động tác hút thuốc. Đó là một hoạt động thư giãn mà khó có hoạt động nào thay thế được. Thậm chí, một số nhà thiền học cho rằng, động tác hút thuốc là một động tác hít vào rất sâu, và cũng gây ra một tác động tích cực tương tự như thì thở vào của thiền.
Bên cạnh đó, người hút thuốc cũng có sự phụ thuộc về xã hội, những người hút thuốc thường tụ họp thành từng nhóm, có những sinh hoạt chung với nhau. Đây là một lý do khiến việc bỏ thuốc trở nên khó khăn khi bạn bè trong nhóm vẫn còn hút thuốc.
Ngược lại, những người bỏ thuốc thành công cũng thừa nhận rằng việc bỏ thuốc sẽ trở nên dễ dàng rất nhiều nếu được sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè trong nhóm nếu các bạn từng cùng hút thuốc không mời thuốc.
Nghiên cứu của Viện Y tế và Chăm sóc Sức khoẻ Quốc gia Anh Quốc, các độc tố và chất gây ung thư trong khói thuốc lá - chứ không phải nicotine - mới là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong.
Các chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đồng ý rằng, những hợp chất độc hại được tạo ra trong quá trình đốt cháy thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đễn các bệnh liên quan đến hút thuốc như ung thư phổi cùng các bệnh về tim mạch, chứ không phải nicotine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận