Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị như vậy trong phần phát biểu tại hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, chiều 8-6.
Có cơ chế phân quyền luôn cho HĐND TP
Nhìn nhận các chính sách đề xuất kế thừa và phát triển hơn nhiều so với nghị quyết 54, nhưng nữ đại biểu thẳng thắn chia sẻ: "Để nói thực sự là những chính sách mang tính đột phá mạnh mẽ hay vượt trội về chính sách theo đúng tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị hay chưa, quả thực là chưa như mong muốn và kỳ vọng của cá nhân tôi, cũng như của nhiều đại biểu và cử tri".
Theo đại biểu, dự thảo nghị quyết có đề xuất thí điểm một số chính sách như việc quản lý liên thông đối với cán bộ, công chức xã, thị trấn; bổ sung một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND, HĐND TP và UBND TP Thủ Đức...
Tuy nhiên, những nội dung này còn khá lẻ tẻ, quá cụ thể, có những nội dung không cần thiết phải do Quốc hội quyết định. Trong khi các nội dung phân quyền cho UBND TP Thủ Đức lại chưa thật rõ ràng.
Do đó, đại biểu đề nghị thay vì trình Quốc hội hay Chính phủ quy định cho phép, ngay tại nghị quyết có thể phân quyền cho HĐND TP được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quyết định việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP và cấp quận, huyện, TP trực thuộc.
Phân định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy định về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP và UBND cấp dưới. Quy định về tiêu chuẩn, định mức tối thiểu về số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn và quyết định tổng biên chế đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.
"Cần phân quyền cho UBND TP được chủ động điều chỉnh, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc tùy theo quy mô dân số, yêu cầu quản lý và đặc điểm địa bàn bảo đảm không vượt mức tổng biên chế đã được HĐND quyết định, hay gọi là khoán biên chế", đại biểu Thủy đề xuất.
Cơ chế "không chỉ đặc thù, mà phải đặc biệt"
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhất trí việc có nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP để phát huy mạnh mẽ nội lực, khơi dậy tiềm năng lợi thế, tạo động lực mới cho TP, vùng kinh tế trong vùng và của cả nước.
"Cơ chế cho TP.HCM không chỉ đặc thù mà phải đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần cơ chế đi trước để TP.HCM thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới. Cơ chế đó phải đủ để TP trở thành trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa đủ chín", đại biểu nhấn mạnh.
Phân tích một số cơ chế trong dự thảo nghị quyết, ông Mai tán thành cho TP.HCM thí điểm thực hiện dự án BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
Đồng thời, ông đồng tình cần có cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư. Ông đề nghị cần quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi, đặc biệt liên quan đến việc hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, dù là ngân sách TP.
Cơ chế PPP cho y tế nhưng không áp dụng hạn mức
Ở góc độ y tế, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có quy định quy mô dự án PPP thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo nhưng không thấp hơn 100 tỉ.
Dù vậy, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, thủ tục mua sắm khó khăn, nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở y tế công lập không nhiều.
Mặt khác, việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư quy mô dự án PPP lĩnh vực y tế là cần thiết nhằm giúp thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho các cơ sở y tế có thêm máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện công tác y tế dự phòng tại TP.
Đại biểu đề xuất bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư (PPP) cho cả lĩnh vực y tế, không áp dụng hạn mức. "Nếu được Quốc hội chấp thuận, kiến nghị giao HĐND TP quyết định danh mục các dự án và sẽ giám sát việc thực hiện", bà Thu kiến nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận