Ông Võ Trọng Việt - Ảnh: Cổng TTQH |
Phải tập trung vào vấn đề xã hội bức xúc
“Chúng ta nhớ là trước đây Vinashin từng có 11 đoàn thanh tra, kiểm toán vào mà không phát hiện vấn đề, sau này vỡ ra mới biết. Cơ chế đất nước mình tồn tại hai loại sổ sách” - ông Việt nói.
Theo ông Võ Trọng Việt, hiện nay “vẫn tồn tại hai khoản chi tiêu, thu nhập và người ta cứ bảo lương với lậu, lương thì ít mà lậu là chính. Rồi luật với lệ, ngoài luật ra còn có lệ mà lệ thì nó lại chi phối luật. Kiểm tra, kiểm toán với tham nhũng là hai đường thẳng song song, nên không bao giờ phát hiện được”.
Ông Việt cho rằng phải sửa cơ chế mới làm được, đặc biệt là bỏ cơ chế xin - cho. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh đề nghị: “Các chương trình, dự án gây thất thoát lớn tài sản nhà nước, chúng ta đã nghe như dự án gang thép Thái Nguyên, rồi đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn quá nhiều, rồi các dự án … Nhân dân đang nói về những cái đó rất nhiều. Kiểm toán cần tập trung vào những vấn đề xã hội bức xúc”.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị bổ sung vào kế hoạch kiểm toán chuyên đề về vấn đề nợ công và quản lý vốn . Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Tôi cũng đồng ý là phải kiểm toán sử dụng ODA. Cái này liên quan trực tiếp đến nợ công, thực tế thì thấy các dự án đội vốn cũng nhiều, tiêu cực cũng có trong đó đã xử lý một số vụ án”.
Sẽ kiểm toán nhiều dự án
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định năm 2017 sẽ tập trung kiểm toán để đánh giá việc thực hiện Luật Đầu tư công, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
Trong đó chú trọng kiểm toán các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, đô thị, khu công nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tập trung xem xét hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư, nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, trong đó, tập trung lựa chọn một số dự án có sử dụng vốn vay nước ngoài chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận