'Cơ chế đặc biệt' cho giáo viên giỏi, được không?

LÊ ĐỨC BẢO
LÊ ĐỨC BẢO

TTO - Nhiều người cho rằng, giáo viên giỏi muốn rời trường công sang trường tư chỉ vì mức thu nhập hậu hĩnh. Nếu thế thì họ đã vô tình hạ thấp danh dự của nghề cao quý này.

Tiết học môn giáo dục công dân của học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo dõi vấn đề "vì sao giáo viên giỏi rời trường công?" và "giải pháp nào giữ chân giáo viên giỏi ở lại trường công", có nhiều ý kiến tôi tán thành nhưng cũng có không ít đề xuất tôi hoàn toàn không đồng ý.

Bản thân là một giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn, là một "người trong cuộc", tôi xin được góp tiếng nói của mình vào vấn đề này.

Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm với tấm bằng thủ khoa, tôi may mắn thi đậu trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục và được đi dạy tại một trường THCS gần trung tâm thành phố Nha Trang.

Sau 5 năm công tác tại trường, năm nào tôi cũng có học sinh giỏi văn cấp thành phố, cấp tỉnh và mới đây nhất là hai học sinh của tôi đạt giải trong Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 46.

Với những thành tích trên, đã có nhiều trường tư "ngỏ lời" với tôi, nhưng tôi vẫn tin tưởng và gắn bó với ngôi trường giảng dạy hiện tại, thỉnh thoảng chỉ nhận "thỉnh giảng" một số tiết, chứ không chuyển hẳn hay bỏ biên chế nhà nước như nhiều giáo viên khác đã làm.

Tôi kiên định như vậy là nhờ ban giám hiệu trường tôi luôn xây dựng thương hiệu cho trường "người mới luôn muốn đến, người cũ không muốn đi". Và bằng chứng là trong 3 năm học trở lại đây, giáo viên mới thuyên chuyển về trường chỉ 1 chỉ tiêu.

Điều này là nhờ khả năng nắm bắt tâm lý và năng lực quản lý rất tốt của những người đứng đầu nhà trường, họ thật sự là những người trân trọng và biết đào tạo những "tướng" giỏi trong tay mình.

Nhiều người cho rằng, giáo viên giỏi muốn rời trường công sang trường tư vì mức thu nhập hậu hĩnh. Nếu thế thì họ đã vô tình hạ thấp danh dự của nghề cao quý này.

Đồng ý là các giáo viên vẫn có những lo toan về "cơm, áo, gạo, tiền" như bao người lao động khác. Thế nhưng công việc của giáo viên là "trồng người", gieo hạt giống tri thức và tâm hồn lên bao thế hệ học sinh thì không thể để yếu tố này lên hàng đầu được.

Nguyên nhân khiến giáo viên giỏi muốn rời trường công, có thể là do môi trường làm việc, quan hệ giữa đồng nghiệp, cách thức quản lý của ban giám hiệu... Rõ ràng, muốn giữ chân giáo viên giỏi, các trường công cần có một công cuộc thay đổi mang tính đột phá.

Đừng hiểu nhầm sự thay đổi đột phá ở đây là vượt quyền như: tăng lương cho giáo viên giỏi trước thời hạn 3 năm; được chọn trường thuộc tốp đầu thành phố khi thuyên chuyển; được trong diện quy hoạch cán bộ nguồn không thông qua quyết định của phòng, sở giáo dục và đào tạo... Mà ở đây là thay đổi về cách thức quản lý, điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của mỗi trường.

Bản thân những người "cầm cân nảy mực" của trường tôi luôn tâm niệm: nếu các đặc khu kinh tế của cả nước cần những cơ chế đặc biệt để làm nổi bật được tiềm năng, thu hút nguồn lực đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế thì giáo viên giỏi của trường cũng cần có những cơ chế ưu đãi để tương xứng với năng lực và thành tích của họ.

Và dưới đây là những "cơ chế" (xin được để trong dấu ngoặc kép) mà trường của tôi đang áp dụng tương đối hiệu quả.

"Cơ chế" về chuyên môn

Giáo viên giỏi được tạo điều kiện tối đa về chuyên môn. Nếu năm học này giáo viên có học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia hay giải sáng tạo khoa học kỹ thuật thì sẽ được tiếp tục theo giảng dạy, bồi dưỡng cho các em học sinh này ở năm học tiếp theo, hạn chế sự xáo trộn chuyên môn ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Còn nếu giáo viên đó vì lí do cá nhân không thể tiếp tục theo các em thì giáo viên khác có nhu cầu thay thế sẽ phải trải qua 2 tiết dạy đánh giá (1 tiết lớp chọn, 1 tiết lớp thường) có sự tham gia dự giờ của các giáo viên khác, kết hợp với bài kiểm tra năng lực liên quan đến chuyên môn giảng dạy.

Giáo viên nào có điểm số cao nhất ở các phần thi sẽ được ưu tiên dạy ở lớp chọn. Làm như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng, công khai và thuyết phục.

"Cơ chế" bồi dưỡng, nâng cao trình độ

Bản thân giáo viên giỏi cần tự ý thức về chuyên môn của mình. Họ phải luôn đặt mục tiêu cao hơn và luôn trau dồi nghiệp vụ tốt hơn nữa.

Nhà trường chúng tôi luôn đặt giáo viên giỏi ở vị trí ưu tiên cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hay những khóa học đào tạo bậc đại học, cao học. Để sau khóa học trở về, những giáo viên giỏi này lại tiếp tục cống hiến cho trường.

"Cơ chế" liên kết

Giáo viên giỏi luôn được tạo điều kiện liên kết với các trường khác, có nghĩa là những trường học nằm trong cụm thi đua/cùng khu vực nếu có nhu cầu "mời" giáo viên giỏi của trường về tham gia công tác bồi dưỡng cho học sinh giỏi của trường bạn thì trường chúng tôi luôn hoan nghênh và tạo điều kiện.

Toàn bộ chi phí di chuyển, chi phí đứng lớp sẽ được trường bạn chi trả hoàn toàn. Nó cũng là một hình thức giống như dạy hợp đồng ở các trường tư, chỉ khác là sự di chuyển này nằm trong phạm vi giữa các trường công cùng khu vực.

"Cơ chế" thời gian ngoài giờ lên lớp

Đây là "cơ chế" không chỉ dành cho giáo viên giỏi mà còn dành cho tập thể giáo viên nhà trường. Những giáo viên dạy các môn dạy thêm thì được đăng ký dạy thêm tại trường và do nhà trường quản lý chặt chẽ.

Những giáo viên không thể dạy thêm thì có thể làm những nghề tay trái, kiếm thêm thu nhập mà lại phù hợp với năng lực của mình như: mở cửa hàng bánh ngọt; mở trang trại chăn nuôi; tham gia làm hướng dẫn viên tour nội địa... miễn làm sao họ cân đối và sắp xếp thời gian phù hợp giữa công việc ở trường và công việc cá nhân.

Suy cho cùng, người giáo viên giỏi dù giảng dạy tại trường công hay trường tư thì cũng không nên "tuyệt đối hóa" vị trí và vai trò của mình so với những giáo viên còn lại. Bởi vì họ là bộ phận không thể tách rời với hội đồng sư phạm nhà trường.

Song song với những "cơ chế đặc biệt", giáo viên giỏi còn có nghĩa vụ với chức năng chung của trường và phải biết san sẻ khó khăn với đồng nghiệp.

Làm được như thế, tôi nghĩ họ không chỉ là những người giáo viên "giỏi" trong con mắt đầy ngưỡng mộ của học sinh khi đứng trên lớp, mà còn là giáo viên "giỏi" trong cách ứng xử và tình cảm giữa những người đồng nghiệp dành cho nhau.

Xem thêm: 

*  

*  

*  

Vì sao giáo viên giỏi rời trường công? Liệu tăng lương có giữ chân được giáo viên giỏi? Các trường có nên có "cơ chế đặc biệt" cho giáo viên giỏi?... Mời bạn đóng góp ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài, hoặc gửi email đến [email protected]. Xin cảm ơn!
LÊ ĐỨC BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên