30/08/2019 10:27 GMT+7

Có cầu Vàm Cống, cả trăm công nhân vẫn ngóng... phà

SONG ANH
SONG ANH

TTO - Đã có cầu Vàm Cống nhưng không ít người dân hai bờ sông Hậu vẫn ngóng chờ những chuyến phà. Không vì lưu luyến phà xưa, mà đó là nhu cầu đi lại giao thương chưa thể thay đổi ở miền Tây sông nước.

Có cầu Vàm Cống, cả trăm công nhân vẫn ngóng... phà - Ảnh 1.

Phà tải trọng 60 tấn tại bến Cồn Khương (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đưa rước hành khách qua sông giữa Vĩnh Long - Cần Thơ - Ảnh: SONG ANH

Cầu Vàm Cống nối liền quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) thông xe ba tháng qua. Bến phà Vàm Cống chính thức ngưng hoạt động vào cuối tháng 6-2019.

Qua cầu, quá xa!

Một tháng qua, khá đông người dân vẫn chọn cách qua sông Hậu trên những chiếc đò nhỏ thay vì đi trên cầu mới. Không phải vì lưu luyến những chuyến phà xưa đã lui vào dĩ vãng mà vì đường lên cầu bất tiện do di chuyển quá xa.

Đó là hàng trăm công nhân ngụ tại các phường, xã nội ô của TP Long Xuyên (An Giang) và xã Thới Thuận, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) sang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Họ chọn cách đi làm vào buổi sáng và trở về sau khi tan ca bằng đường sông.

Chỉ cách nhau con sông Hậu, giao thương ở huyện Lấp Vò và chợ Long Xuyên rất lớn. Tiểu thương mua nông sản ở huyện Lấp Vò sang TP Long Xuyên và mua hàng hóa nhu yếu phẩm trở về.

Nhiều sinh viên, học sinh từ huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) sang TP Long Xuyên để theo học các trường ĐH, CĐ...

Từ khi cầu Vàm Cống thông xe rồi bến phà Vàm Cống ngưng hoạt động, nếu chọn cách qua cầu Vàm Cống phải đi đường vòng, xa thêm trên 12km đường nội ô, xe đông. Người đi xe máy có thể mất thêm nửa giờ (hoặc lâu hơn) mới qua bên kia sông.

Với người đi xe đạp càng khó khăn hơn do dốc cầu Vàm Cống rất cao. Phà ngưng, nhiều người chọn cách chấp nhận qua sông trên những chiếc đò ngang, tuy chỉ mất từ 10-15 phút nhưng kèm theo đó là những phập phồng lo lắng.

Có cầu vẫn... lụy đò

Vào thời điểm cầu đã thông xe, phà chưa ngưng hoạt động, mỗi ngày có khoảng 6.000 lượt xe máy và 100 lượt ôtô qua phà (theo khảo sát của Công ty TNHH MTV Phà An Giang). Phà ngưng, một phần chuyển sang đi đường cầu nhưng nhu cầu đi lại đường sông vẫn còn không ít.

Có cầu mới là điều đáng mừng, nhưng các ngành hữu quan cũng cần tính đến nhu cầu dân sinh thực tế của người dân.

Việc đi lại đôi bờ Vàm Cống rồi sẽ dần thay đổi. Tuy nhiên, giữa vùng sông nước, thói quen đi lại và giao thương bằng đường sông sẽ chưa thể thay đổi một sớm một chiều, thậm chí nhiều năm sau người dân vẫn có nhu cầu đi đường sông.

Vì vậy, bên cạnh cầu Vàm Cống, người dân vẫn mong có những chuyến phà qua sông an toàn hơn những chuyến đò ngang.

Cũng có thể khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phà nhỏ đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tránh lãng phí thời gian, hạn chế rủi ro. Việc còn lại là chuyện quản lý bến bãi và các phương tiện phải đảm bảo an toàn để hành khách an lòng qua sông.

Thực tế này gợi nhớ chuyện tương tự khi cầu Cần Thơ đi vào hoạt động năm 2009, người xe qua lại đôi bờ Cần Thơ - Vĩnh Long phải đi vòng hàng chục kilômet, trong khi nếu đi đò, phà chỉ mất mươi phút qua sông Hậu.

Bến đò Cồn Khương, Thành Lợi và Cô Bắc gần bến phà Cần Thơ xưa cũ vẫn duy trì hoạt động đến nay với lượng khách không nhỏ. Hiện nay bà con yên tâm qua sông trên những chiếc phà tải trọng 60 tấn, cứ mươi phút có một chuyến đi về Vĩnh Long - Cần Thơ.

Đảo lộn cuộc sống

Nhiều công nhân bày tỏ: "Nếu chọn cách qua cầu, chúng tôi phải đi làm sớm hơn lúc trước cả tiếng mới đến công ty đúng giờ và về nhà trễ hơn trước. Việc này gây đảo lộn sinh hoạt gia đình rất lớn.

Chọn đò ngang cũng sợ nguy hiểm vì đò nhỏ, người đông vào giờ cao điểm phải chen nhau xuống đò".

An Giang đề nghị chuyển 4 phà Vàm Cống về An Hòa, Trà Ôn An Giang đề nghị chuyển 4 phà Vàm Cống về An Hòa, Trà Ôn

TTO - Tỉnh An Giang đề nghị Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất điều chuyển 4 phà về tỉnh An Giang quản lý, khai thác để bổ sung cho bến phà An Hòa, Trà Ôn phục vụ nhu cầu qua lại của người dân và đảm bảo giao thông thông suốt.


SONG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên