Theo nhà hóa học Allen Haddrell từ Đại học Bristol (Anh), việc mở cửa sổ có thể có những tác dụng đáng kể hơn mọi người vẫn nghĩ, đặc biệt là trong những căn phòng đông người và thông gió kém. Không khí trong lành sẽ có nồng độ CO2 thấp hơn, làm cho vi rút bị bất hoạt nhanh hơn nhiều.
Nồng độ CO2 ảnh hưởng đến vi rút
Bằng cách đo khả năng duy trì sự lây nhiễm của SARS-CoV-2 khi ở dạng khí dung trong các giọt, với các điều kiện môi trường khác nhau, Haddrell và các đồng nghiệp đã phát hiện nồng độ CO2 trong không khí ảnh hưởng trực tiếp đến độ ổn định của vi rút.
Họ đã sử dụng một kỹ thuật mới nhằm đo lường tác động của nhiệt độ, độ ẩm tương đối và nồng độ khí khác nhau lên các hạt vi rút lơ lửng. Nồng độ CO2 trong khí quyển được đo ở mức khoảng 400 phần triệu (ppm).
Tuy nhiên, khi tập trung đủ người trong phòng kín, nồng độ có thể tăng vọt lên khoảng 3.000 ppm. Nhóm nghiên cứu nhận thấy số lượng hạt vi rút có thể lây nhiễm ở nồng độ cao này có thể cao gấp 10 lần so với lượng vi rút có thể tìm thấy trong không khí ngoài trời.
"Độ pH cao của các giọt khi thở ra có chứa vi rút SARS-CoV-2 có thể là nguyên nhân chính làm mất khả năng lây nhiễm.
CO2 đóng vai trò như một axit khi tương tác với các giọt nước. Điều này khiến độ pH của các giọt nước trở nên kém kiềm hơn, kết quả là vi rút bên trong chúng bị bất hoạt với tốc độ chậm hơn", Haddrell giải thích.
Hơn nữa, những môi trường đông đúc trong không gian thông gió kém có thể vượt quá 5.000 ppm CO2. Nhà hóa học Haddrell lưu ý, mối quan hệ này làm sáng tỏ lý do tại sao các sự kiện siêu lây lan có thể xảy ra trong những điều kiện nhất định.
Biến đổi khí hậu làm gia tăng sự lây lan vi rút
Các chủng SARS-CoV-2 khác nhau có những dạng thức ổn định khác nhau trong không khí. Vì vậy, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận mối quan hệ giữa CO2 và các loại vi rút khác, nhưng các nhà nghiên cứu nghi ngờ sự khác biệt này có thể giải thích tại sao nhiều loại vi rút đường hô hấp có tính chất theo mùa.
Khi thời tiết lạnh hơn, mọi người có xu hướng dành nhiều thời gian hơn trong nhà và tiếp xúc nhiều hơn với không khí có nồng độ CO2 cao hơn. Lượng CO2 trong không khí ngoài trời cũng đang tăng lên do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Những dự báo gần đây dự đoán nồng độ có thể vượt quá 700 ppm vào cuối thế kỷ này.
"Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu net zero trên toàn cầu, khi chỉ ra rằng ngay cả với mức CO2 tăng nhẹ, và vốn đang tăng do tình trạng biến đổi khí hậu, có thể cải thiện đáng kể tỉ lệ sống sót của vi rút và tăng nguy cơ vi rút lan rộng", Haddrell cho biết thêm.
Nhà hóa học vật lý Jonathan Reid, đến từ Đại học Bristol, kết luận: "Những phát hiện này có thể đóng vai trò là cơ sở khoa học cho việc thiết kế các chiến lược giảm thiểu rủi ro, nhằm cứu sống mọi người trong bất kỳ đại dịch nào trong tương lai".
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận