Văn phòng đăng ký đất đai đang làm một phần công việc của sàn giao dịch
Ngày 23-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết về nguyên tắc sàn giao dịch là dịch vụ tư, như sàn giao dịch bất động sản vẫn đang hoạt động theo Luật Kinh doanh bất động sản.
"Với đất đai, không nên thành lập thêm một sàn giao dịch vì văn phòng đăng ký đất đai ngoài làm đăng ký lần đầu cấp giấy chứng nhận thì đang làm nhiệm vụ chuyển quyền sử dụng đất, một bộ phận lâu nay vẫn làm công việc như sàn giao dịch", ông Võ nói.
Theo ông Võ, sàn giao dịch bất động sản có ý nghĩa khác so với văn phòng đăng ký đất đai. Sàn giao dịch bất động sản chỉ quan tâm đến việc người mua với người bán, chủ yếu là giữa chủ đầu tư với người mua nhà ở hình thành trong tương lai.
"Lập sàn nhưng nếu người dân không vào để giao dịch thì sẽ ứng xử ra sao? Theo tôi, để kiểm soát được thị trường cần phải minh bạch, công khai các thông tin, dữ liệu đất đai để người dân tra cứu…", ông Võ cho biết.
Ông Võ cho biết thêm, hiện nay trước khi giao dịch đất đai, ở một số quốc gia còn quy định phải có định giá tư nhân. Trước khi làm thủ tục, người mua, người bán phải mang cả hai chứng thư định giá đi theo, định giá viên phải chịu trách nhiệm trước chứng thư của mình. Thông qua định giá tư nhân giúp miếng đất đó xác định được giá trị thực sát hơn so với người bán, mua tự "chốt giá".
Sang nhượng quyền sử dụng đất mang tính tự nguyện trong giao dịch dân sự
Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho biết: "Sàn giao dịch bất động sản là cần thiết vì để chủ đầu tư giới thiệu sản phẩm, khách hàng có nơi để tìm hiểu về dự án, pháp lý cũng như giá cả.
Hay sàn giao dịch việc làm nên thành lập sớm vì là nơi nắm bắt tình hình lao động, tạo ra việc làm, từ đó điều chỉnh cung cầu trong lao động, giúp hoàn thiện tay nghề người lao động, giải quyết thất nghiệp, an sinh xã hội. Tuy nhiên sang nhượng quyền sử dụng đất lại mang tính tự nguyện trong giao dịch dân sự, chủ yếu giữa người dân với người dân".
Ông Tú cho biết thêm: "Để phòng ngừa rủi ro trong giao dịch đất đai đã có Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng… hệ thống pháp luật đã hoàn chỉnh để bảo vệ người mua, người bán. Mua bán đất là hoạt động dân sinh, giữa những người dân với nhau nên chúng ta không nên can thiệp vào.
Cần phải tích hợp, công khai các thông tin về nhà đất để người dân thuận tiện tra cứu, không phải cứ ra sàn thì mới có thông tin. Và thực tế là hiện nay sau khi công chứng xong người dân mới đến văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên. Theo tôi, về pháp lý, giao dịch đất đai nếu có sàn thì sẽ rất rối, thêm các chi phí bất hợp lý".
"Ví dụ trong trường hợp thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất thì cũng không thể bắt ép người dân đến giao dịch. Vậy có cần thiết lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất? Khi minh bạch thông tin, có đầy đủ dữ liệu đất đai để tra cứu, nguồn cung nhà đất dồi dào thì khó có chuyện sốt ảo…", ông Tú cho hay.
Còn ông Nguyễn Thế Điệp - phó chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội - cho biết: "Thực ra giá nhà đất do thị trường quyết định. Tại sao thời gian qua bất động sản, đất nền vẫn tăng do nguồn cung không đủ cầu, chu kỳ đất đai và nhiều dự án đang vướng mắc chính sách dẫn đến khan hiếm hàng…".
"Hiện nay dự án bất động sản có chủ đầu tư, thông qua sàn là rất đúng, còn đất đai là mua bán cá nhân với nhau thì sẽ không ai đến sàn giao dịch cả. Trong khi chúng ta không thể bắt ép được người mua, người bán phải đến sàn mới được giao dịch", ông Điệp nói.
Ông Điệp cho biết thêm: "Để thành lập sàn cần có thời gian, lộ trình nghiên cứu kỹ trước khi đi đến quyết định có nên thành lập.
Phải nghiên cứu rất kỹ vì giá trị tài sản của người Việt có đến khoảng 70% là đất đai, tỉ trọng bất động sản trong nền kinh tế cũng rất lớn, khi thay đổi về chính sách cần nghiên cứu kỹ, tham chiếu nhiều chiều để đưa ra giải pháp, mô hình, tổ chức công cho phù hợp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận