Rất nhiều biến chứng có thể xảy ra khi ngoáy tai
Chị N.T.L., 36 tuổi, có thói quen thích ngoáy tai. Một hôm chị quên có tăm bông đang ngoáy trong tai để làm việc khác, lát sau chị vô tình chạm vào tai, đẩy tăm bông thụt sâu gây ảnh hưởng màng nhĩ.
Kết quả nội soi chị bị thủng màng nhĩ rộng gần toàn bộ vùng góc sau, ống tai trái trầy xước, đọng máu. Đo thính lực đồ cho thấy bệnh nhân nghe kém dẫn truyền độ 3, chụp CT nghi ngờ gãy trụ trước xương bàn đạp trái (một trong những xương nhỏ của tai giữa, tham gia dẫn truyền các rung động âm thanh vào tai trong).
Theo PGS.TS Lê Công Định - trưởng khoa tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ngoáy tai là hành động nguy hiểm, đã có rất nhiều bệnh nhân bị viêm, nấm ống tai và đối mặt với nguy cơ điếc vì thói quen này.
Có những bệnh nhân phải nhập viện sau nhiều ngày bị ù tai. Càng bị ù, bệnh nhân càng dùng tăm bông để ngoáy, hậu quả tai càng ngày càng bị ù thêm. Khi vào viện thì ống tai đã bị chảy máu, rách màng nhĩ, điếc...
Bác sĩ Vũ Thị Thanh Bình, chuyên khoa tai mũi họng, Tập đoàn Y tế Việt - Nga, cho biết ống tai cũng như da, có tiết chất nhờn, mồ hôi và ráy tai hình thành trong ống tai để bảo vệ màng nhĩ, bụi bẩn, côn trùng và vi khuẩn.
"Nhiều người có thói quen ngoáy tai khi không có việc gì làm, cho rằng hành động này khiến tai sạch hơn. Nhưng thực tế hành vi này rất không tốt, không cần phải ngoáy tai thường xuyên và ráy tai cũng không bẩn như chúng ta nghĩ, sự tồn tại của nó có ý nghĩa nhất định" - bác sĩ Bình cho biết.
Bác sĩ Bình nói thêm ráy tai đóng vai trò như một lớp màng bảo vệ có thể ngăn chặn một số vật lạ, bụi hoặc một số côn trùng nhỏ trong không khí xâm nhập ống tai, do đó giảm nguy cơ tổn thương tai.
Hơn nữa, một số thành phần trong ráy tai còn có thể ức chế và tiêu diệt một số vi khuẩn, giúp tai luôn hoạt động bình thường. Ngoài ra, ráy tai còn có tác dụng dưỡng ẩm, có thể ngăn ngừa tình trạng ngứa do khô tai.
Tai có khả năng tự thanh lọc, khi chúng ta nói chuyện, đi lại hay cử động đầu, hai tai cũng chuyển động cùng. Trong quá trình này, ráy tai sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể, vì thế không cần phải ngoáy tai thường xuyên. Ngoáy tai thường xuyên có thể gây 3 hậu quả xấu như sau:
- Kích thích ống tai: Da ở ống tai rất mỏng manh, thường xuyên dùng dụng cụ sắc nhọn để ngoáy tai sẽ dễ gây kích ứng, tổn thương cho phần da nhạy cảm này. Khi tai bị thương, ráy tai sẽ tiết ra nhiều hơn để bảo vệ tai, dẫn đến tích tụ ráy. Đây là lý do tại sao một số người lại lấy ráy tai nhiều hơn.
- Gây viêm nhiễm: Khi ráy tai cứng và nhiều, nhiều người có xu hướng muốn lấy nó ra thật mạnh, thậm chí không bỏ cuộc cho đến khi thấy đau. Trên thực tế, việc ngoáy tai theo cách này rất dễ làm xước da ống tai.
Khi vết thương xuất hiện trên da, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng. Cũng có một số trường hợp da bị trầy xước, tổn thương nang lông, nếu vi khuẩn xâm nhập vào nang lông sẽ gây viêm nhiễm.
- Ảnh hưởng đến thính giác: Thói quen thường xuyên ngoáy tai có thể vô tình làm thủng màng nhĩ, từ đó gây mất thính lực. Một số trường hợp nặng còn có thể gây viêm tai giữa, chỉ phục hồi được bằng phẫu thuật.
Ráy tai không hình thành ở phần sâu trong ống tai, mà nằm ở ống tai ngoài. Khi nhai, các cử động hàm giúp đẩy ráy ra khỏi ống tai. Về cơ chế chức năng, tai có khả năng tự làm sạch mà không cần lấy ráy tai thường xuyên. Dùng tăm bông hoặc các vật dụng vệ sinh tai thụt sâu, dễ đẩy ráy vào sâu bên trong, nguy cơ thủng màng nhĩ, nhiễm trùng cao.
- Thủng màng nhĩ gây giảm thính lực, điếc, viêm xương chũm (khối xương nhỏ, lồi nằm ngay ở phía sau vành tai)...
Làm sạch tai thế nào cho đúng?
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, cho biết: "Ráy tai là hiện tượng sinh ra của các tuyến bã liên quan phần da ống tai. Ai cũng đều có lượng ráy tai sản sinh ra hằng ngày. Đây là hoạt động bài tiết bình thường của da. Ráy tai chỉ bất thường trong hai trường hợp:
Thứ nhất, đây là trường hợp khi ráy tai nhiều vì lý do nào đấy, nó tích tụ trong tai có thể gây ra ống tai vận chuyển âm thanh từ bên ngoài vào màng nhĩ khó hơn, nghe kém.
Thứ hai là khi ráy tai để lâu, khi bơi lội, tắm biển nước biển vào trong tai làm ráy tai trương lên gây viêm ống tai ngoài, ráy tai ngoài.
Việc làm vệ sinh lấy ráy tai ra khỏi tai là thói quen tốt chứ không phải có tác hại, nhưng phải biết cách làm sạch ống tai để bảo vệ tai ngoài tốt sẽ bảo vệ sự dẫn truyền âm thanh tốt.
Theo bác sĩ Bình, các bác sĩ không khuyến khích lấy ráy tai hằng ngày. Khi tắm gội nếu nước không may vào tai thì chỉ cần nghiêng tai để nước ra ngoài, dùng tăm bông thấm cửa tai để sạch nước, không khí ra vào tai nước đọng sẽ tự khô.
Tuyệt đối tránh dùng những vật sắc nhọn để lấy ráy tai. Cực kỳ nguy hiểm nếu làm tổn thương da ống tai, thủng màng nhĩ. Khi lấy ráy tai, chúng ta phải chọn thời điểm, tư thế để những người trong gia đình, trẻ em không chạm vào tay khi ngoáy tai.
Thực tế rất nhiều bệnh nhân khi đang lấy ráy tai có người chạm khuỷu tay vào tăm bông xuyên sâu ống tai gây biến chứng nặng.
PGS Hoài An khuyến cáo nên dùng bông gòn, khăn giấy lau nhẹ nhàng bên ngoài ống tai. Trường hợp ráy tai nhiều, hình thành nút ráy tai nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ xử trí. Khi có dấu hiệu nghi ngờ thủng màng nhĩ, người bệnh nên đến các cơ sở có chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra và điều trị.
Để giải quyết ngứa tai, theo bác sĩ Bình, khi cảm thấy ngứa, bạn có thể nhỏ vài giọt nước muối vào ống tai, lắc nhẹ vài lần để ống tai được làm ẩm hoàn toàn bằng nước muối, sau đó dùng tăm bông lau nhẹ quanh tai. Lặp lại vài lần ráy tai sẽ sạch và hết cảm giác ngứa.
Nhiều người có thói quen lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc, bởi thợ cắt tóc lấy khéo, nhưng do thợ cắt tóc không hiểu biết dụng cụ lấy ráy tai người này sang người khác nó có thể gây lây nhiễm bệnh ở da ống tai... Việc dùng chung dụng cụ như thế nhiều trường hợp bị lây nhiễm nấm ống tai rất khó khăn để trị khỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận