TTCT - Với việc TP.HCM đã và đang triển khai hàng loạt cống kiểm soát mực nước triều, nhiều ý kiến cho rằng TP không cần thiết quy hoạch cốt nền tối thiểu 2m hay nâng đường chống ngập, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân như thời gian qua. Các chuyên gia nói gì về vấn đề này? Việc nâng đường Phạm Văn Chí (Q.6, TP.HCM) khiến nền nhà dân thấp hơn mặt đường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại-Q.Khải Bà Phạm Thị Thanh Hải (nguyên phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM): Phải có cốt nền để tạo độ dốc thoát nước Bất kỳ quy hoạch đô thị nào cũng phải quy hoạch cốt nền. Nó thiết thực như chuyện làm một cái nhà thì phải xem địa chất chỗ miếng đất làm nhà ra sao, phải đổ đất cao, thấp cỡ nào cho nhà khỏi bị ngập. Cốt nền có hai mục đích: một là phải chuẩn bị đất để phát triển, xây dựng; hai là để cho đô thị thoát nước được. Mục đích sau quan trọng hơn. Trước năm 1975, ở miền Nam có cốt địa hình và bản đồ địa hình. Cốt địa hình ở miền Nam lấy độ cao trung bình của mực nước biển ở Mũi Nai (Kiên Giang) làm chuẩn. Đến năm 2000 mới thống nhất sử dụng độ cao trung bình của mực nước biển ở Hòn Dấu (0.0), thuộc Hải Phòng là chuẩn quốc gia. Do đặc điểm địa hình nên các công trình tại TP.HCM đều phải làm cốt nền cao từ 2m trở lên so với độ cao mực nước biển. Tuy nhiên thực tế vẫn có rất nhiều công trình, khu dân cư cốt nền thấp hơn 2m. Ở các dự án mới, chủ đầu tư quy hoạch cốt nền cao hơn 2m nhưng khi thực hiện thì làm thấp hơn để... tiết kiệm chi phí đầu tư. Khi bị phát hiện thì họ dùng nhiều lý do để bao biện, trong đó có lý do đất nền lún. Đến nay chưa thấy cơ quan nào kiểm tra và xử phạt vấn đề này. Có trường hợp Nhà nước chưa làm quy hoạch thì người dân đã xây nhà. Trước năm 1975, các nhà quy hoạch Mỹ khuyến cáo không nên phát triển ở những khu vực thấp như khu vực Q.Bình Thạnh. Nhưng sau đó khu vực này đã phát triển đô thị trước khi Nhà nước làm cốt nền. Giờ rất khó nâng cốt nền cho cả khu vực, nên mỗi khi triều lên hay mưa lớn là khu vực này bị ngập trước. Nhà nước phải xây dựng các trạm bơm để bơm nước ở đây ra sông. Dự án làm đê bao bờ tả và bờ hữu sông Sài Gòn được Chính phủ phê duyệt để điều tiết nước cho cả vùng, trong đó có TP.HCM. Trước tiên là làm đê bao dọc sông Sài Gòn, sau đó sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Đây là quy hoạch thủy lợi, không phải là quy hoạch cho đô thị. Về lý thuyết thì đúng là sau khi xây dựng xong hệ thống đê bao như trên thì những công trình trong phạm vi đê sẽ được bảo vệ. Đê dự kiến cao từ 2,5-3,1m so với mực nước biển, sẽ bảo vệ cho TP.HCM và một số tỉnh miền Nam khỏi ngập do triều cường. Do vậy các công trình không cần phải nâng cốt nền cao trên 2m như hiện nay. Nhưng theo tôi, dự án đê bao không phục vụ cho việc thoát nước của riêng TP mà để khống chế lượng nước, là quy hoạch thủy lợi cho cả một khu vực. Quy hoạch thủy lợi này chỉ tính toán về mực nước thủy triều, chưa tính đến nước mưa. Địa hình TP là địa hình nghiêng về một bên nên nước mưa sẽ chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Mưa tại TP rất đặc biệt: mưa rất lớn vào sáu tháng cuối năm. Nếu Nhà nước không quản lý cốt nền thì những dự án phía thấp sẽ san lấp, làm nền cao hơn dự án phía trên và ngăn việc thoát nước theo địa hình tự nhiên. Hoặc cống thoát nước của các dự án phía dưới nhỏ hơn dự án phía trên, không đủ lớn để thoát nước, gây ngập úng cục bộ khi trời mưa ở những khu vực xa sông suối, xa cống lớn. Vì vậy, nếu cho rằng đã có đê bao thì quy định về cốt nền khống chế không còn ý nghĩa nữa là hiểu sai, như vậy sẽ nguy hiểm hơn khi chưa có đê. Do đó vẫn phải quy hoạch cốt nền, đồng thời phải kiểm soát việc thực hiện quy hoạch, xây dựng công trình để bảo đảm nước thoát từ cao xuống thấp. Ông Hồ Long Phi (giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TP.HCM): Hạ thấp cao độ cốt nền còn 1,3-1,5m Hiện một phần của dự án kiểm soát triều đang tiến hành, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018, khi đó mực nước bên trong được kiểm soát ở khoảng 1m. Vì vậy, cốt nền xây dựng chỉ cần khoảng 1,3-1,5m chứ không nhất thiết tối thiểu 2m như hiện nay. Các tính toán chi tiết cho thấy nếu vùng diện tích thấp trũng nhỏ hơn 50ha thì nên áp dụng phương án nâng cao cốt nền hoặc cải tạo cục bộ. Đối với TP.HCM, do tổng diện tích các vùng trũng thấp lên đến hàng chục ngàn hecta nên giải pháp bao đê sẽ kinh tế hơn so với việc ngập tới đâu nâng tới đó. TS Tô Văn Trường: Hạn chế việc nâng đường Theo thiết kế của quy hoạch chống ngập (1547) là đảm bảo yêu cầu không ngập cho cốt nền từ 1m trở lên. Tuy nhiên, trong điều kiện quy hoạch này chưa thực hiện xong và khó khăn về vốn như hiện nay, giải pháp phù hợp với quy hoạch dài hạn là dùng bơm ở các vị trí cửa xả của hệ thống cống để hỗ trợ khả năng thoát nước, giảm ngập. Cần hạn chế việc nâng đường một cách vô lối như ở đường Kinh Dương Vương, vì việc nâng đường không giảm ngập, không tăng khả năng thoát nước mà còn rất phản cảm về mặt mỹ quan. ■ TP.HCM có địa hình tương đối thấp, vùng trung tâm TP (gồm 13 quận nội thành) có cốt nền từ 1,6m trở xuống. Trong đó một số nơi thuộc các quận như 4, 6, 8, Bình Thạnh, cốt nền chỉ từ 1,3m trở xuống, trong khi triều cường có thời điểm lên đến 1,68m, gây ngập nhiều nơi. Tags: Chống ngậpNâng đườngNâng cốt nềnKiểm soát triều
Chi tiết nhân sự được chỉ định của 4 đảng bộ trực thuộc Trung ương THÀNH CHUNG 03/02/2025 Ngày 3-2, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao quyết định của Bộ Chính trị về chỉ định nhân sự 4 đảng bộ trực thuộc Trung ương và 3 cơ quan Đảng ở Trung ương.
Thủ tướng: Không để xảy ra vụ việc tương tự Ngân hàng SCB NGỌC AN 03/02/2025 Ngành ngân hàng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, giảm chi phí để giảm lãi suất, tập trung tín dụng lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh, đã tiến sát 90 triệu đồng/lượng ÁNH HỒNG 03/02/2025 Chiều nay 3-2, sau khi giá vàng thế giới hồi phục về ngưỡng 2.800 USD/ounce, giá vàng miếng SJC được đẩy lên mức 89,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng tăng phi mã.
Vụ 1,2 triệu 3 bát bún riêu: Chủ quán trả lại tiền, khách chấp nhận lời xin lỗi NGỌC AN 03/02/2025 Thông tin cho Tuổi Trẻ, bà Hoàng Thị Tuyết Lan, chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết đã tạm thời giải quyết được vụ việc khách hàng ăn ba bát bún riêu giá 1,2 triệu đồng trên địa bàn phường.