Ngày xưa, khi nhỏ, tôi được gia đình bảo vệ khỏi những thông tin không phù hợp lứa tuổi. Thì bây giờ, tôi cũng phải bảo vệ gia đình trước mớ bòng bong thông tin trên mạng, không chắc phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Má tôi đã tốt nghiệp đại học, má chưa đủ già để "không màng thế sự", nhưng không đủ trẻ để hiểu về thế giới mạng nhưng vẫn đủ thanh xuân để lướt Facebook mỗi ngày. Má tôi không có "hàng rào" đề kháng với tin giả và thiếu kỹ năng đọc và lọc thông tin báo mạng.
Giữa mớ bòng bong tin giả
Có một dạo, bà hay chia sẻ những thông tin về bắt cóc, về những chuyện cực kỳ thương tâm, những kiến thức y khoa kiểu lang băm... mà một người trẻ sẽ hiểu ngay rằng đó là dạng câu view của những người bán hàng online.
Vậy là nhà tôi phải "tổ chức" một buổi phổ cập kiến thức cơ bản về tin giả, giải thích nôm na về những tin giật gân, đăng hình ảnh thương tâm... để có nhiều người bấm vào trang.
Bà chấp nhận điều đó nhưng hoàn toàn không hiểu tại sao người ta lại cần được "like" được "share" nhiều để làm gì và tại sao phải giật gân, thậm chí dối trá để đạt được điều đó. Bà không hiểu rằng chính mình đã tiếp tay cho bọn xấu.
Từ đó, chúng tôi đề ra "cẩm nang định hướng" chơi Facebook trong nhà bao gồm: không chia sẻ bất cứ thông tin gì trên mạng, không chia sẻ lại ý kiến của người khác, chỉ post hình đi ăn, đi chơi, tự viết những status về cuộc sống, thiên nhiên, con người, phim ảnh, sách...
Thứ duy nhất được chia sẻ là các công thức nấu ăn; thông tin chỉ được cập nhật qua những kênh chính thống từ các tờ báo lớn, đài truyền hình tỉnh, quốc gia...
Tôi đã từng thử lấy Facebook của má để lướt news feed (nội dung trong cột chính trên trang) và thấy một điều rất kinh khủng rằng bạn bè trên Facebook của má tôi hầu hết cũng đều không có "đề kháng" với tin giả.
Đa phần những chia sẻ trên đó đều là tin giả, tin giật gân, không đủ cơ sở tin cậy hoặc... tin của vài năm trước. Mà càng đọc nhiều tin kiểu đó thì thuật toán của Facebook càng có xu hướng giới thiệu kiểu tin như vậy. Như cái ao tù, tin giả cứ luẩn quẩn trên news feed của nhiều người.
"Cẩm nang" lên mạng
Có "cẩm nang định hướng", Facebook của má tôi bắt đầu "sạch" hơn. Và mọi chuyện yên ắng cho tới khi dịch virus corona bùng phát. Sự sợ hãi, hoang mang, thông tin chính thống nhiều khi chậm vì chờ thời gian kiểm chứng... đã tạo ra môi trường thuận lợi cho tin giả bùng phát và lây lan.
Thông tin thật về dịch virus corona hằng ngày có thể đếm trên hai bàn tay còn tin giả thì hàng ngàn. Đã vậy, tin giả lại còn được phát tán từ trang Facebook của những người có vị trí xã hội, có ảnh hưởng đến số đông.
Chính sự áp đảo về số lượng của tin giả khiến tin thật bị trôi trên news feed. Và nhiều lúc tin chính thống chưa kịp đăng nên người đọc không có gì để kiểm chứng lại những thông tin trôi nổi trên mạng.
Má tôi mỗi ngày chỉ lên mạng khoảng một tiếng, khi đó trên news feed có gì, má tôi sẽ đọc tin đó. Nếu tin chính thống chưa kịp đăng thì bà hoàn toàn không có nguồn để kiểm chứng. Và bà sẽ off máy với một núi thông tin giả thật lẫn lộn chưa kiểm chứng.
Vậy nên mới có chuyện tôi đang đi ra ngoài, và nhận được cuộc điện thoại của má hỏi rằng "Cái tin một bệnh nhân ở Chợ Rẫy hết bệnh là đúng phải không?".
Nhà chúng tôi đã phải "ban bố tình trạng khẩn cấp", hơi cực đoan: tạm thời không tin bất cứ điều gì trên Facebook về dịch cúm. Và mỗi ngày, hai lần sáng tối, tôi lại cập nhật số liệu, tình hình của dịch cúm cho má, một cách làm của thời rất xa xưa khi thông tin khan hiếm.
Sau vài ngày, cuối cùng phương pháp hiện nay trong nhà là má tôi cứ lên mạng đọc tin rồi cuối ngày kể lại tất cả những tin gì bà đọng lại và tôi là người "kiểm duyệt", tin đó thật, tin đó giả, đôi khi giải thích tin đó giả ở chỗ nào.
Rốt cuộc, nhìn một cách tích cực, may sao giữa mớ bòng bong thông tin giả hoành hành, gia đình tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn.
Đừng nhấn chìm nhau trong hoang mang!
Đọc bài viết "Dịch bệnh nào phải chuyện đùa" của bạn đọc Khánh Hưng (Tuổi Trẻ 1-2), tôi rất đồng tình với kiến nghị về việc đưa thông tin chính thức đến với cộng đồng để tránh sa vào bẫy tin giả.
Thông tin về loại virus cúm đang làm xào xáo cả thế giới mạng hai tuần qua. Cùng với những thông tin báo chí chính thống là vô số tin giả đang khiến cộng đồng mạng quay cuồng trong hoang mang do nhiễu loạn thông tin.
Ba yếu tố quan trọng để bước qua đại dịch nào cũng phải là sự bình tĩnh, đoàn kết và niềm tin. Và tôi có cảm giác người dân chúng ta đang bị lung lay ở chính ba "chân kiềng" này!
Dạo quanh một vòng các trang mạng hiện nay, dễ dàng bắt gặp vô số "thuyết âm mưu" thêu dệt đáng sợ về con virus xổng ra từ phòng thí nghiệm, "thuyết đồn đoán" về đại dịch diệt vong.
Bên cạnh đó là hàng loạt hình ảnh, clip về những xác sống bịt kín mặt mũi nằm chờ chết hoặc là những cú co giật, bẻ khớp đáng sợ trong một bộ phim kinh dị nào đó bị gán ghép có chủ đích.
Tin giả lan nhanh và nỗi hoang mang lớn dần. Chính những tin tức giả, dối đang tước đi cơ hội tiếp cận những thông tin hữu ích, thiết thực và tích cực để bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân.
Tương tự là câu chuyện về khẩu trang. Những hình ảnh phát khẩu trang miễn phí như một lời nhắc nhau về phòng dịch cho mình, cho cộng đồng.
Vậy mà tiếc thay, nhiều người vẫn chọn cách "ăn xổi ở thì" nâng giá khẩu trang 4-5 lần. Không chỉ là chuyện lòng tham, trục lợi cá nhân, họ còn gieo rắc hoang mang cho cộng đồng đang hơn bao giờ hết cần sự chung lòng chống dịch.
Bao điều thêu dệt, bịa đặt, xuyên tạc nương theo virus làm lung lay lòng tin và cộng đồng mất bình tĩnh. Họ kêu gào đóng cửa biên giới, chỉ trích cách ứng phó dịch bệnh mà quên mất rằng nguy cơ đại dịch là nỗi lo và nỗi đau chung.
Thông tin chính thức về chủng virus corona, cách phòng ngừa, cách sử dụng khẩu trang y tế đúng... đã và đang cập nhật chi tiết trên các trang báo. Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã được thành lập ở nhiều tỉnh thành.
Những thông báo, khuyến cáo của ngành y tế đã được gửi đến người dân. Chúng ta đang chủ động phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp một cách quyết liệt và hiệu quả nhất có thể!
Chúng ta không cho phép sự lạc quan quá mức nhưng cũng đừng nhấn chìm mình trong mớ hoang mang hỗn độn của chính mình!
THANH NGUYỄN (Huế)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận