Dù được đánh giá là vùng xanh nhưng tại huyện Củ Chi (TP.HCM) người dân ra đường vẫn còn dè dặt - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cười người hôm trước, hôm sau mình thế nào?
Trong cuộc trò chuyện hằng ngày giữa những người thân đang ở xa nhau vài tháng trời ròng rã, em trai tôi hỏi: "Người Hội An đã đi tắm biển trở lại chưa?". Bên kia đáp: "Biển giã gì tầm này, từ chỗ ở nhà liên tục, giờ được đi làm, đi học trở lại thì phải cẩn trọng mà giữ gìn sự tự do quý giá này!".
Người Sài Gòn đã thấm thía cái giá đắt phải trả bằng 4 - 5 tháng trời ở yên trong nhà, bằng hàng chục ngàn mạng sống bị tước đoạt. Những F0 từ người xa lạ đến là thân nhân, bạn bè mình. Có lẽ khả năng dự đoán, dự báo của con người luôn đi sau con biến thể của virus nên không thể mạo hiểm để rồi lại tiếp tục cảnh ngồi yên trong thấp thỏm, lo sợ.
Ai cũng có bao nhiêu là nhu cầu cần ra khỏi nhà, như thăm gặp ai đó hay tới một chỗ nào đó, sau hàng trăm ngày quanh quẩn trong nhà. Người người rủ nhau đi tập thể dục ở công viên, phấn khởi hân hoan đi cắt tóc, người trẻ rủ nhau cưỡi xe máy đi ngắm trăng, đón gió tẩy trần...? Bạn cầm lòng được không? Sự thực là hình ảnh ngày hội này không chỉ có ở mỗi dịp Tết Trung thu tại Hà Nội vừa qua. Có thể thấy khung cảnh tương tự ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Chuyện ào ra đường như đêm Trung thu ở Hà Nội có thể xảy ra bất cứ nơi đâu (như đã từng diễn ra ở Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Ấn Độ), sau những ngày tháng giãn cách. Có không ít người trách chính quyền mở cửa, nhưng nói vậy là đổ thừa, là phủi trách nhiệm từ chính mình.
Nước mình khác nước bạn, chuyện này không cần phải thảo luận thêm. Đừng bảo vì sao người ta được phép mà mình thì chưa! Người Việt mình có thể bán cả gia sản để cứu một người thân mắc bệnh hiểm nghèo, không dễ để ai phải ra đi khi còn có thể cứu nhau.
Bạn từng rưng rưng khi xem những clip đeo khăn tang và vái lạy tro cốt người thân? Đâu rồi cảm xúc thổn thức, đau lòng khi xem phim tài liệu Sống còn mấy tuần trước? Câu chuyện Hà Nội đêm Trung thu sẽ có giá trị nhất khi mỗi người xem đó là lời nhắc nhở cho chính mình.
Bao người bỏ việc nhà để lo việc giữ an toàn cho cuộc sống của những người khác. Bao con người đang đi làm, tuân thủ 5K nghiêm ngặt, tuân thủ quy định "1 cung đường, 2 điểm đến" và cả "3 tại chỗ" mấy tháng trời. Với họ, việc đi ngắm trăng hưởng Trung thu là điều xa xỉ.
Nếu ai đó có người thân đang mặc đồ bảo hộ, gồng mình bằng 300% sức lực của mình để chống dịch thì chắc chắn họ sẽ không đổ ra đường chơi Trung thu như thế này.
Đi chơi, hay rồng rắn mua bánh trung thu, hoàn toàn không phải là việc cần thiết nếu so với những người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám, những người có việc giấy tờ cần xử lý gấp nhưng vẫn mòn mỏi đợi ở nhà.
Sự ảnh hưởng của một ca dương tính không phải là truy vết F0 hay nguy cơ bị lây nhiễm không thôi mà còn những hệ lụy khác từ kinh tế đến an ninh, sức khỏe thể chất tới đời sống tinh thần.
Việc tương tự như ở Hà Nội rồi sẽ còn thấy ở nhiều nơi khác. Thay vì lên án, cần giữ an toàn hơn cho chính bản thân mình. Đừng cười cợt rồi vẫn chủ quan khi tất cả chúng ta đều còn phải đeo khẩu trang!
Nhường quyền ra đường
Ai cũng đang khát khao được đi sau giãn cách, nhưng nên ưu tiên cho ai đi và đi đâu? Hẳn nhiên là ưu tiên đi làm để sống, đi chữa bệnh, đi mua nhu yếu phẩm... và đi chơi là lý do sau cùng. Không tham gia vào đám đông để giảm nguy cơ cho bản thân, giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng. Để hạn chế đám đông, người đi chơi nên nhường quyền cho người đi làm.
Không có lực lượng nào đủ sức để ra đường kiểm tra giấy thông hành của bạn! Y bác sĩ không có sức vô biên khi nhiều người bỏ quên ý thức phòng dịch cho chính mình và người già, trẻ nhỏ ở nhà khi ai trong chúng ta cũng có thể thành F0 từ đám đông.
Đừng vin lý do không cấm, không kiểm thì vô tư đi! Xin nhường quyền ra đường cho những ai có việc quan trọng. Đi chơi thôi thì có cần ào ào ra đường không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận