9 năm trước, Trần Thị Ngọc Thanh bước vào giảng đường đại học với khó khăn bủa vây. Cô đã trải qua hành trình đầy nỗ lực để trở thành giáo viên. Thanh nói: "Hãy tin vào lòng tốt, nếu bản thân không chùn bước sẽ nhận sự sẻ chia của cộng đồng".
"Chỉ cần các em nỗ lực học tập, bước vào đại học có học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ đồng hành. Ngày xưa cô cũng vậy", cô giáo Thanh nói với học trò.
Đứa trẻ mồ côi cả cha mẹ, nỗ lực tột cùng
Năm 1997, lúc Thanh 2 tháng tuổi, người ba đi biển qua đời trong cơn bão số 7. Cô lên 5 tuổi, mẹ cũng bỏ Thanh đi vì bạo bệnh. Đứa bé năm ấy sống trong tình yêu thương của dì dượng ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi. Dì dượng thương cháu, nhưng vì nghèo khó, nhiều lần dượng động viên Thanh nghỉ học đi làm.
Nhưng Thanh không gục ngã, cô quyết tâm theo đuổi con chữ. Hình ảnh cô bé ốm nhom, đứng ngoài lớp ôn thi cố nghe bài giảng vì không có tiền vẫn còn trong tâm trí giáo viên Trường Đức Phổ 2 như thầy Khanh, thầy An, cô Nhạn. Và thầy cô đã đưa Thanh vào lớp ôn mà không lấy tiền.
"Những ân tình ấy suốt đời tôi không quên. Thậm chí lúc tôi đi thi đại học, cô Nhạn cũng rút tiền cho", Thanh rơm rớm.
Nỗ lực tột cùng, năm 2015 Ngọc Thanh là thủ khoa đầu vào ngành sư phạm ngữ văn, Đại học Phạm Văn Đồng. Ngày nhận giấy báo nhập học, Thanh ngơ ngác trước những khoản chi phí đầu vào. Thế là các thầy cô liên hệ đến học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.
"Hồi đó tôi nhận 5 triệu đồng học bổng, cực kỳ quý giá. Dù học sư phạm không tốn học phí, nhưng những chi phí cho năm đầu cũng khá tốn. Nhờ học bổng mà tôi nhập học. Ổn định xong, tôi lao vào làm gia sư, phụ shop hoa, phục vụ quán cà phê...", Thanh kể lại.
Nghe Thanh kể, thật sự nể phục trước nỗ lực tuyệt vời. Cô không có "thời gian chết", lịch luôn kín. Cô phân bổ thời gian lên thư viện, tới giảng đường và làm thêm. Nhờ thế bốn năm đại học, Thanh đều đứng đầu khóa và nhận học bổng liên tục.
Những năm tháng đại học, Thanh liên tục là sinh viên 5 tốt của trường, của tỉnh. Cô là sinh viên đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi nhận Giải thưởng Sao Tháng Giêng của Ban chấp hành Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam (nhận năm 2016).
Năm 2017, Thanh cùng những sinh viên xuất sắc nhất vào đội tuyển, đại diện cho sinh viên Quảng Ngãi tham gia cuộc thi Olympic "Ánh sáng soi đường" và đội đoạt giải ba toàn quốc.
Tốt nghiệp thủ khoa, chọn giảng dạy ở miền núi khó khăn nhất Quảng Ngãi
Năm 2019, Thanh tốt nghiệp đại học với vị trí thủ khoa ngành sư phạm ngữ văn. Cô ngược núi lên Trường THPT Phạm Kiệt (huyện Sơn Hà) dạy hợp đồng. Ngôi trường nằm sâu trong núi, cách điểm có xe buýt tận 23km. Không có xe máy nên xuống xe buýt, Thanh phải bắt xe ôm vào trường.
"May mắn nhất của tôi là đi đâu cũng nhận yêu thương. Tôi cũng luôn nhận thức mình phải nỗ lực, lắng nghe thầy cô, đồng nghiệp và những người lớn quanh mình để rèn luyện", Thanh tâm sự.
Nhớ nhất là lúc dạy, dịch COVID-19 bùng phát, thương cô đồng nghiệp trẻ, thầy Lê Đức Quỳnh - phó hiệu trưởng Trường THPT Phạm Kiệt - đã liên hệ nhờ bà Đinh Thị Trà - chủ tịch UBND huyện Sơn Hà - cho Thanh ở nhờ. Sự ngoan ngoãn, lễ phép và nỗ lực của Thanh chiếm trọn yêu thương của gia đình bà Trà.
"Thanh là một bạn trẻ biết sống, biết nghĩ. Tôi lấy câu chuyện của bạn ấy để dạy con. Với tôi, những gì Thanh trải qua là một cảm hứng học tập rất lớn cho tất cả mọi người. Tôi vẫn luôn dõi theo hành trình của Thanh, cô gái khó nghèo nhưng không phải ai cho gì cũng nhận", bà Trà nói.
Tôi rất bất ngờ khi Thanh nhớ những chuyện rất nhỏ tôi và gia đình dành cho em.
Cuối năm 2022 Thanh đậu cuộc thi tuyển dụng công chức, viên chức tỉnh Quảng Ngãi và chuyển công tác đến Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây) từ đầu năm 2023, bắt đầu sự nghiệp trồng người ở huyện miền núi khó khăn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Cô giáo Thanh luôn kể câu chuyện của mình cho học trò nghe, Thanh muốn tiếp thêm động lực cho những đứa trẻ Ca Dong còn lắm khó khăn.
Thầy Phạm Văn Nam, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nói rằng ban giám hiệu biết nỗ lực vươn lên của cô Thanh và tình yêu cô đang dành cho trò. Mới đây, trường cử cô Thanh đi học lớp tư vấn tâm lý cho học sinh để giúp cô có thêm kỹ năng truyền cảm hứng cho trò.
"Cô Thanh có năng lực chuyên môn tốt, yêu thương học trò khó khăn. Mới đây Thanh nói đã thi đậu, cuối năm sẽ học thạc sĩ, ban giám hiệu cũng động viên Thanh tiếp tục học lên. Những gì Thanh trải qua thật sự là câu chuyện truyền cảm hứng học tập cho tất cả", thầy Nam nói.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nói: "Cô Thanh là một người đồng nghiệp tuyệt vời. Tôi ở cùng phòng nên rất hiểu cô giáo trẻ này, không có điểm gì để chê. Thanh rất có ý chí và lắng nghe mọi người".
Còn với tôi, Thanh hiện tại không khác gì cô tân sinh viên ốm nhom, khó nghèo tôi từng dẫn đi xin việc làm thêm. Chỉ khác là Thanh đang ở cương vị khác. Cô nuối tiếc cho một số học sinh Trường Đinh Tiên Hoàng học rất tốt nhưng vì khó khăn, tự ti sớm từ bỏ con chữ.
Thanh buồn vì điều ấy, vậy nên sau khi học lớp tư vấn tâm lý học sinh, Thanh muốn truyền cảm hứng học tập cho những học sinh khó khăn ở miền núi. Cô không muốn thấy học sinh nào khó khăn phải dừng lại.
Trần Thị Ngọc Thanh
Ngày xưa, cô Nhạn là người truyền cảm hứng cho tôi trở thành giáo viên, cho tôi thấy giáo viên là nghề cao quý. Vậy nên tôi phải là tấm gương cho học sinh noi theo. Cuộc sống khó khăn nhưng phải luôn tin mình làm được. Khi mình nỗ lực, lòng tốt sẽ luôn bên cạnh đồng hành. Như ngày xưa, nhờ không từ bỏ mà tôi nhận được học bổng Tiếp sức đến trường, nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người mới có ngày hôm nay.
Người cho không nhớ, nhưng người nhận luôn nhớ và biết ơn
Thanh kể đến giờ cô vẫn nhận được rất nhiều yêu thương của mọi người. Những cái tên được kể bằng sự biết ơn. Thậm chí Thanh kể năm 2017, khi ra Hà Nội tham dự cuộc thi Olympic "Ánh sáng soi đường" đã gặp phóng viên của Tuổi Trẻ, lúc đó phóng viên cho Thanh 500.000 đồng. Cô cố nhắc lại kỷ niệm ấy.
Tôi đáp: "Anh không nhớ đâu". Nhưng Thanh nói: "Người cho không nhớ, nhưng người nhận luôn nhớ và biết ơn". Lời ấy khiến tôi càng trân quý con người cô giáo trẻ này và hiểu vì sao Thanh có thể kể chi tiết những sự giúp đỡ của mọi người 20 năm qua.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Giới thiệu Tiếp sức đến trường 2024: Tân sinh viên khó khăn, có báo Tuổi Trẻ. Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận