Koo Yong-hyun, một nhân viên văn phòng 35 tuổi ở Seoul cho biết, anh chưa bao giờ phải đối mặt một kẻ sát nhân đeo mặt nạ, hoặc những kẻ cạnh tranh đến mức nhẫn tâm làm anh đau, giống như các nhân vật trong "Squid game". Dù vậy, anh vẫn không thể không dành ra cả đêm để "ăn trọn" 9 tập phim, để đồng cảm với các nhân vật trong cuộc chiến sinh tồn của họ.
Trước đó, Koo đã nhận được trợ cấp thất nghiệp sau khi mất đi công việc full-time ổn định. Anh tiết lộ, mức lương của công việc trước đó thực sự không đủ để sống thoải mái ở thành phố, khi giá nhà cao ngất ngưởng. Giống như mọi người trẻ Hàn Quốc, anh buộc phải cạnh tranh, để giành được một công việc trong thị trường quá ít các việc làm mới. Koo nhận định điều này cũng chẳng khác gì một phiên bản "Squid game" đời thực.
Shin Yeeun (27 tuổi) chỉ vừa tốt nghiệp đại học vào tháng 01-2020, trước khi COVID-19 bất ngờ ập đến. Suốt hơn 1 năm qua, Shin Yeeun cố gắng tìm kiếm việc nhưng không thể, vì tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Cô nói: "Bố mẹ Hàn Quốc luôn mong con mình có được môi trường học tập tốt nhất. Để được như thế, bạn phải sống ở nơi tốt nhất. Nhưng ngay cả với mong muốn có được một căn nhà của chính mình, tôi còn chẳng thể nào tính đến, huống gì dám mơ đến những điều xa vời".
Có lẽ vì có những sự đồng cảm ấy, "Squid game" không chỉ trở thành một hiện tượng ở Hàn Quốc, mà còn lan nhanh ra toàn thế giới. Hiện tại, tác phẩm này đang trên đà trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trong lịch sử trên nền tảng giải trí này, theo Ted Sarandos, đồng giám đốc điều hành của Netflix nhận định.
Khi nhắc đến "Squid game" ở thời điểm này, nhiều người thường nói đến "thế hệ thìa đất", vốn là những người có những khát khao tưởng như chẳng có thật ở người trẻ Hàn Quốc. Họ khát khao vươn lên trên, giàu có nhanh chóng, và rồi dùng tiền đó để chuyển hướng đầu tư vào xổ số và tiền ảo - là những mảng tài chính đình đám tại đất nước củ sâm.
Tuy nhiên, bùng nổ kinh tế đã kéo theo nhiều hệ lụy đi cùng sự cường thịnh mà nó đem lại. Mặc dù được gọi là "kỳ tích sông Hàn" nhưng sự chênh lệch giàu nghèo đã khiến mọi thứ trở nên căng thẳng hơn ở thực tế, khiến không ít người chẳng thể tin được bản thân có thể làm được điều mong muốn.
Như Koo hiện tại, anh chẳng thể nào thay đổi cuộc sống hiện tại, khi tình hình dịch bệnh và câu chuyện làm giàu nhanh chóng cứ ám ảnh. Anh cho biết thêm "tiền ảo có thể là cơ hội để bản thân có thể sống một cuộc đời thứ hai". Nhưng nếu "Squid game" có thực sự tồn tại trên đời, anh cũng thắc mắc rằng có bao người sẽ mạnh dạn tham gia?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận