Có bằng cử nhân và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, mở lớp dạy thêm ở nhà được không?

Tôi không phải là giáo viên dạy trong trường. Tôi có bằng cử nhân ngôn ngữ Anh, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, muốn mở lớp dạy thêm tại nhà thì cần thủ tục gì?

- Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:

Có bằng cử nhân và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, có mở lớp dạy thêm ở nhà được không? - Ảnh 1.

Luật sư Võ Đan Mạch - Ảnh: T.L

Khoản 1, khoản 3, điều 2 thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30-12-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (có hiệu lực vào ngày 14-2-2025) (sau đây gọi tắt là "Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT") quy định:

Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm không do nhà trường quy định tại khoản 2, điều 2 thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.

Căn cứ quy định tại điều 6 thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác liên quan, người tổ chức dạy thêm không bắt buộc phải là giáo viên đang tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, để có thể mở lớp dạy thêm tiếng Anh tại nhà, bạn cần thực hiện đầy đủ các thủ tục sau:

1. Phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin bạn cung cấp, chưa rõ về quy mô tổ chức lớp học, số lượng người tham gia học, địa điểm tổ chức hoạt động dạy thêm... cho nên tùy vào từng điều kiện cụ thể mà bạn cân nhắc thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần) phù hợp.

Khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, bạn lưu ý các điều kiện cụ thể theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Trong trường hợp thành lập doanh nghiệp: tùy theo loại hình doanh nghiệp muốn thành lập mà sẽ có hồ sơ, thủ tục tương ứng.

Các hồ sơ chủ yếu bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân; Điều lệ công ty; Danh sách thành viên/cổ đông; Bản sao giấy tờ pháp lý của thành viên...

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh là phòng đăng ký kinh doanh tại các tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp muốn đặt trụ sở kinh doanh.

Trong trường hợp thành lập hộ kinh doanh: Căn cứ quy định tại điều 87 nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc thành lập hộ kinh doanh được pháp luật quy định phải có giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.

2. Phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các thông tin theo quy định của pháp luật.

Các thông tin bắt buộc bao gồm: môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo mẫu số 02 tại phụ lục kèm theo thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT).

3. Người dạy thêm phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

4. Ngoài ra, để đáp ứng điều kiện tổ chức hoạt động dạy thêm, bạn cần lưu ý về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm (điều 4 thông tư 29/2024/TT-BGDĐT):

- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Có bằng cử nhân và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, mở lớp dạy thêm ở nhà được không? - Ảnh 2.

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].

Có bằng cử nhân và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, mở lớp dạy thêm ở nhà được không? - Ảnh 3.Quản lý dạy thêm, phải trị bệnh tại căn

Thông tư số 29/2024 tập trung các biện pháp hành chính như kiểm soát số lượng giờ dạy thêm, yêu cầu giáo viên đăng ký lớp học thêm với cơ quan chức năng, cấm việc dạy thêm trong một số trường hợp...


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên