TTCT - Hàng loạt sản phẩm gắn mác detox, không kê đơn được bán tại các spa, cửa hàng bán lẻ, trên mạng xã hội với những lời quảng cáo chưa được kiểm chứng nhưng nhiều người vẫn dễ bị thu hút và sẵn sàng mua sử dụng. Ảnh: Getty ImagesHằng ngày, những thông tin xuất hiện liên tục như nhiễm độc thức ăn, dư lượng thuốc trong thực phẩm, ô nhiễm nước sông hồ… cùng với sự gia tăng nhiều căn bệnh nguy hiểm (ung thư, bệnh tự miễn…) được cho là do tiếp xúc với độc chất khiến nhiều người lo lắng, bất an. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều sản phẩm gắn mác "thải độc" được quảng bá rộng rãi, nhưng liệu chúng có thực sự hiệu quả?Vài tháng trước, chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân nữ, mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, thường xuyên tê bì hai chân khiến bà mất ngủ và đi lại khó khăn.Bà được người quen mách ngâm chân bằng nước thảo dược và dán miếng dán vào bàn chân, để thải độc chất và giảm tê bì. Sau 5 ngày áp dụng, hai chân của bà xuất hiện vài nốt phỏng nhỏ, có chỗ trợt da và tấy đỏ xung quanh. Sau khi nhập viện, bà đã được xử lý tích cực vết thương ngoài da và dùng kháng sinh.Thật may, vết thương đã hồi phục nhưng phải mất thời gian dài hơn bình thường và tránh được nguy cơ cắt cụt chân. Nguyên nhân là do bệnh tiểu đường gây tổn thương dây thần kinh, khiến hai chân tê bì, giảm cảm giác. Khi ngâm chân trong nước nóng, người bệnh không cảm nhận được độ nóng, khiến da bị bỏng kèm theo dán miếng thải độc, gây tổn thương da và nhiễm trùng.Các phương pháp được cho là thải độc chân xuất hiện từ lâu, nhằm mục đích đưa chất độc ra khỏi lòng bàn chân, cải thiện các vấn đề sức khỏe do kim loại nặng, tình trạng viêm và các chất độc khác tích tụ trong cơ thể. Gần đây, chúng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, tạo thành các "trend" chăm sóc sức khỏe. Nhưng chúng có thực sự hiệu quả?Quảng cáo và thực tế về "thải độc"Trên TikTok có hơn 21.000 video gắn hashtag #footdetox, liên quan đến thải độc chân, với nhiều loại sản phẩm (miếng dán chân thải độc, miếng dán chân thảo dược, miếng dán chân ion, miếng dán chân hương liệu…) kèm cách sử dụng.Một video chỉ kéo dài 32 giây nhưng thu hút hơn 5 triệu lượt xem, cho thấy sau một đêm dán miếng thải độc vào lòng bàn chân, lúc gỡ ra miếng dán chuyển từ màu nâu sang màu đen và được cho là đã hấp thụ chất độc trong cơ thể.Hiệu ứng thị giác rành rành như thế khiến người xem nhanh chóng bị thu hút, tò mò và muốn được trải nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, sự đổi màu thực chất là gì?Trên trang U.S Pharmacist từ năm 2010 đã có bài phân tích về dòng sản phẩm này (tiếng Anh gọi là detox foot pad). Chúng chứa bột gỗ hoặc giấm tre (axit pyroligneous), germanium và tourmaline. Các nhà tiếp thị sản phẩm quảng bá rằng miếng lót chân thải độc giúp cơ thể đào thải tạp chất và loại bỏ độc tố dựa trên tuyến mồ hôi ở lòng bàn chân, tiết ra nước, muối và các chất thải chuyển hóa dưới dạng urê, axit uric và amoniac. Tuy nhiên, quá trình này vẫn diễn ra bất kể có sử dụng miếng lót chân thải độc hay không. Mặt khác, thành phần hoạt tính là axit pyroligneous kết tinh, một sản phẩm của quá trình oxy hóa etanol và chưng cất phá hủy gỗ, không được chứng minh "thải độc" tại chỗ. Một vài nghiên cứu nhỏ cho thấy tourmaline, một nguồn bức xạ hồng ngoại, có thể mang lại lợi ích cho tuần hoàn nhưng chưa có thử nghiệm nào được thực hiện để đánh giá dạng hoặc số lượng tourmaline cần thiết để đạt được hiệu quả.Việc thay đổi màu sắc, thực chất là phản ứng hóa học khi thành phần giấm gỗ tiếp xúc với mồ hôi từ bàn chân tiết ra (và ngay cả khi miếng dán được phun nước máy). Cho đến nay, sản phẩm này vẫn không được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận.Các video "thải độc lòng bàn chân" trên TikTok. Ảnh chụp màn hìnhMiếng dán thải độc phần lớn là vô hại, tuy nhiên trong một vài trường hợp thành phần axit pyroligneous có thể gây kích ứng da, viêm da dị ứng, bỏng cục bộ, thậm chí gây chóng mặt, khó thở nếu hít phải.Một sản phẩm khác là thải độc bằng bồn ngâm chân ion - việc ngâm chân trong một máy phát ra dòng điện áp thấp qua nước. Điều này tạo ra các hạt tích điện dương, được gọi là ion, được cho là có khả năng thu hút các độc tố tích điện âm trong cơ thể. Hiệu ứng này được cho là kéo các độc tố ra khỏi chân vào trong nước và làm thay đổi màu của bồn, chuyển sang màu vàng hoặc nâu.Để kiểm chứng điều này, các nhà khoa học đã đo lượng giải phóng các nguyên tố có khả năng gây độc từ các mẫu nước thu thập sau các buổi ngâm chân ion; phân tích mẫu nước tiểu và mẫu tóc trước và sau khi ngâm chân.Kết quả công bố trên tập san Journal of Environmental and Public Health tháng 11-2011 cho thấy không có bất kỳ tác động cụ thể nào gây ra việc giải phóng nguyên tố độc hại qua chân khi vận hành máy theo thông số kỹ thuật. Sự thay đổi màu sắc có thể là do tạp chất trong nước, bụi bẩn từ chân hoặc muối thêm vào bồn ngâm chân. Điện từ bồn ngâm chân ion cũng có thể ăn mòn kim loại từ từ, gây ra sự đổi màu nước.Do vậy, người tiêu dùng cần hiểu đúng về sản phẩm để không bị "cuốn" theo lời quảng bá của các nhà tiếp thị.Hiểu đúng về thải độcDetox, tức thải độc, vốn là một thủ thuật y khoa giúp cơ thể loại bỏ chất độc, ma túy hoặc rượu nguy hiểm, thường đe dọa tính mạng. Cách dùng từ detox trong các trào lưu sức khỏe hiện nay mang hàm ý khác - loại bỏ chất độc trong cơ thể, được cho là nguyên nhân gây đau đầu, đầy hơi, đau khớp, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm.Có hai loại độc tố được tìm thấy trong cơ thể gồm nội độc tố, là những chất được tạo ra trong quá trình hoạt động bình thường của cơ thể, như acid lactic sau tập thể dục; ngoại độc tố là những chất độc mà cơ thể hấp thụ từ môi trường bên ngoài.Các sản phẩm này, được đưa về gan - được coi là nhà máy, giúp chuyển đổi chất độc thành chất thải đưa ra ngoài cơ thể. Do vậy, ngay cả khi không có sản phẩm trên, cơ thể vẫn thải độc tự nhiên. Điều cần làm là sử dụng các thực phẩm có lợi cho gan, thận, hạn chế tiêu thụ rượu và các sản phẩm gây tổn thương gan.Hàng loạt sản phẩm gắn mác detox, không kê đơn được bán tại các spa, cửa hàng bán lẻ, trên mạng xã hội với những lời quảng cáo chưa được kiểm chứng nhưng nhiều người vẫn dễ bị thu hút và sẵn sàng mua sử dụng. Nguyên nhân có thể do hầu hết các mẹo thải độc đều có vẻ logic, khiến chúng trở nên hấp dẫn ngay cả khi không đúng sự thật. Mặt khác, lối sống hiện đại với mức độ căng thẳng cao, ít vận động khiến nhiều người tìm kiếm các sản phẩm mang lại sự thư giãn và giải tỏa.Ngoài ra, nhiều người ngày càng ưa thích sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, thúc đẩy nhu cầu về miếng dán chân thảo dược, sử dụng các thành phần có nguồn gốc thực vật như giấm tre, gừng và chiết xuất thảo dược. Quan niệm về các sản phẩm thảo dược an toàn hơn với ít tác dụng phụ hơn so với các sản phẩm thay thế tổng hợp thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm này. Do vậy, các sản phẩm này sẽ tiếp tục được mở rộng và quảng bá. Điều quan trọng là người dùng hiểu đúng và sử dụng đúng để đạt được mục đích của mình.Để khỏe từ lòng bàn chânMột phần tư xương của cơ thể nằm ở bàn chân và bộ phận này cũng chứa hơn 72.000 đầu dây thần kinh, kết nối với thần kinh trung ương. Các bệnh lý ở bàn chân không chỉ ảnh hưởng đến vận động, thăng bằng cơ thể mà còn thể hiện sự rối loạn của các tạng trong cơ thể. Ví dụ, khi suy tim hoặc suy thận, chân sẽ phù to. Theo quan điểm đông y, sáu kinh mạch châm cứu (gan, túi mật, thận, bàng quang, lá lách và dạ dày) chạy qua bàn chân, nơi chứa hơn 70 huyệt đạo. Do vậy, chăm sóc bàn chân đúng cách giúp cải thiện chức năng nhiều cơ quan.Ảnh minh họaQuay trở lại với các xu hướng chăm sóc sức khỏe trên, mặc dù không chứng minh được tác dụng thải độc, song chúng có thể hiệu quả trong giảm đau, sưng nề và giảm căng thẳng.Trong một nghiên cứu có đối chứng, hơn 130 người tham gia ngâm chân 20 phút ở nhiệt độ 40 độ mỗi tối để đánh giá tác dụng của ngâm chân bằng nước ấm và tinh dầu hoa oải hương với việc giảm đau sau phẫu thuật vùng bụng và chất lượng giấc ngủ. Theo kết quả công bố trên ScienceDirect tháng 6-2024, ngâm chân bằng nước ấm có hoặc không có tinh dầu hoa oải hương giúp giảm đau sau phẫu thuật và cải thiện chất lượng giấc ngủ rõ rệt.Hiệu quả ngâm chân cho người bệnh tiểu đường biến chứng thần kinh cũng đã được nghiên cứu. Nghiên cứu với hơn 630 bệnh nhân tại 8 bệnh viện tại Trung Quốc, ngâm chân với thảo dược trong 12 tuần cho thấy vận tốc dẫn truyền dây thần kinh mác và thần kinh giữa tăng đáng kể, theo kết quả công bố trên trang Springer Link tháng 2-2024. Tuy nhiên, để tránh biến chứng như bệnh nhân đã nêu trên, người bệnh cần đảm bảo nước ấm khoảng 37 độ trước khi ngâm và không ngâm chân lâu. Khi có vết thương da thì không ngâm chân bằng thảo dược.Sức khỏe được cải thiện không dựa vào một phương pháp thải độc. Những tác động về lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc, không hút thuốc, sử dụng rượu và chất kích thích là cách "thải độc" tự nhiên, an toàn và hiệu quả. Năm 2010, Kinoki, một nhà sản xuất miếng dán thải độc chân, đã bị Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) phạt 14,5 triệu USD vì tuyên bố sai sự thật rằng sản phẩm của họ có thể giải độc cơ thể, điều trị các tình trạng bệnh lý và đã bị cấm bán hoặc quảng cáo các miếng dán này. Tags: Thải độcSức khỏeDetoxMiếng dán thải độc
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.