Thủ tướng trao đổi với các đại biểu bên hành lang hội nghị - Ảnh: VIỆT DŨNG
“Nghiêm túc thực hiện tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Doanh nghiệp nào do khách quan không thể cổ phần hóa được phải báo cáo Thủ tướng, nói rõ khó khăn, vướng mắc để Chính phủ xem xét xử lý, không thể vô chính phủ”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, sáng 21-11 tại Hà Nội.
Sẽ xử lý cá nhân chậm cổ phần hóa
Kết luận hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan phải đẩy nhanh lộ trình thoái vốn tại DNNN, rà soát doanh nghiệp chưa thoái được vốn trong giai đoạn 2016-2018 để chuyển về SCIC tiếp tục thoái vốn.
Đồng thời, các doanh nghiệp cổ phần hóa phải nghiêm túc thực hiện niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán, thực hiện nộp tiền thoái vốn DNNN về ngân sách theo quy định, tiền thu từ thoái vốn sẽ được chi cho đầu tư phát triển không phải để trả lương.
Trước hơn 350 đại biểu tham dự hội nghị, Thủ tướng khẳng định sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm cổ phần hóa, thoái vốn DNNN và đăng ký giao dịch công khai trên sàn chứng khoán, không chấp hành các quy định về cổ phần hóa, có doanh nghiệp 7-8 năm sau cổ phần hóa vẫn không báo cáo, quyết toán vốn về ngân sách.
Theo Thủ tướng, tài sản DNNN rất lớn, hơn 3 triệu tỉ, vốn nhà nước 1,5 triệu tỉ đồng, trong khi GDP hơn 5,5 triệu tỉ đồng, nên các DNNN có vị trí rất lớn.
Thủ tướng cho biết bên cạnh các lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ như sân bay, bến cảng, điện lực, truyền tải, 4 ngân hàng lớn, cao su, dầu khí, doanh nghiệp an ninh…, Chính phủ cổ phần hóa ngay các DNNN đang hoạt động hiệu quả để huy động vốn xã hội, nâng cao năng lực quản trị, và góp phần chống tham nhũng.
Về nguyên tắc, Thủ tướng nói rằng cổ phần hóa gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán, vì quá trình cổ phần hóa dễ thất thoát tài sản nhà nước, dễ tham nhũng, làm sao để tránh được tình trạng này, chống “đi đêm”.
Trong lúc bàn giao 19 tập đoàn, tổng công ty, vốn cực lớn về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thì vai trò ủy ban, các bộ, ngành chuyên môn thế nào cũng phải làm rõ, nếu không thất thoát có thể xảy ra. Ủy ban Quản lý vốn không phải là cơ quan trung gian gây ách tắc.
"Vừa rồi có một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải thu hồi, như xưởng phim truyện Việt Nam, cảng Quy Nhơn, làm sai quá trời, ăn bớt một cảng lớn, bán như cho không thì phải thu lại để bảo đảm tài sản nhà nước, nên phải xử lý để lập kỷ cương trong cổ phần hóa DNNN", Thủ tướng nhấn mạnh.
"Có anh mười mấy sân sau"
Về các tồn tại trong hoạt động của DNNN, Thủ tướng nêu rõ hiệu quả đóng góp của DNNN còn thấp, nếu quản trị tốt hơn, đầu tư khoa học công nghệ đóng góp sẽ lớn hơn rất nhiều. Hơn nữa, nợ xấu, thua lỗ nhiều tập đoàn, tổng công ty rất lớn.
"Nguyên nhân quản trị DNNN còn yếu kém do không chịu đổi mới, bổn cũ soạn lại, sân trước sân sau, có những anh mười mấy sân sau, đừng tưởng Thủ tướng không biết. Không phải các cơ quan chức năng không biết, đây là yếu kém trong quản trị", Thủ tướng nói.
"Cổ phần hóa giai đoạn 2016-2017 rất chậm, đặc biệt tại TP.HCM, đang trong lộ trình cổ phần hóa nên các địa phương không thể không làm. Còn tỉ lệ Nhà nước nắm bao nhiêu % vốn đã quy định rồi, không thể bán sân bay, bến cảng ở những vị trí trọng yếu cho tư nhân được, các nước họ cũng vậy", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng "tư tưởng yên vị đang kìm hãm đổi mới, nếu cổ phần đúng lộ trình nhiều ông không ngồi được vị trí chủ tịch hội đồng thành viên tại các doanh nghiệp".
Nhắc lại tâm lý sợ mất vị trí đã kìm hãm quá trình cổ phần hóa và phát triển DNNN, Thủ tướng cho rằng những người đứng đầu doanh nghiệp phải chấn chỉnh hoạt động, phải tập trung cho sản xuất kinh doanh vì "có tình trạng sau thanh tra không ai làm việc gì cả, bàng quan với chuyện cũ, đối phó, lo lắng, sợ trách nhiệm".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh các mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu DNNN nhằm phân bổ lại nguồn lực một cách hiệu quả, bảo toàn phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đến hết tháng 11-2018, mới có 35 trong tổng số 526 DNNN được phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, trong khi theo chỉ đạo của Thủ tướng, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa 127 doanh nghiệp, trong đó nhiều công ty có giá trị lớn.
Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, tuy nhiên đến ngày 18-11-2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp.
Trước đó, trong năm 2017, chỉ có 31 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn, trong khi theo kế hoạch năm phải hoàn thành thoái vốn tại 135 doanh nghiệp.
Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận