10/07/2020 12:01 GMT+7

Có âm tính giả trong sinh thiết ung thư tuyến tiền liệt

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Có người bệnh sinh thiết lần hai xác định ung thư tuyến tiền liệt dù kết quả lần đầu chưa phát hiện ra.

Có âm tính giả trong sinh thiết ung thư tuyến tiền liệt - Ảnh 1.

Thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn của siêu âm kết hợp với hình ảnh MRI - Ảnh: Bệnh viện Bình Dân cung cấp

Ngày 10-7, bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng - phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP.HCM - cho biết đơn vị vừa tổng kết 3 tháng triển khai kỹ thuật sinh thiết kết hợp MRI trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt nhằm phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm hoặc người bệnh có kết quả sinh thiết tiêu chuẩn không phát hiện tế bào ác tính trước đó.

Theo bác sĩ Hoàng, trong số 35 trường hợp được thực hiện kỹ thuật mới sinh thiết kết hợp MRI, có 21 trường hợp được sinh thiết lần đầu, 14 trường hợp được sinh thiết lại sau khi có kết quả sinh thiết tiêu chuẩn cũ là không phát hiện tế bào ác tính trong mẫu thử. Trong đó đặc biệt có 5 trong 14 người bệnh sinh thiết lần 2 xác định ung thư tuyến tiền liệt dù kết quả lần đầu chưa phát hiện ra.

Về các trường hợp âm tính giả trong lần đầu bằng kỹ thuật sinh thiết hệ thống tiêu chuẩn, bác sĩ Đỗ Anh Toàn - trưởng đơn vị can thiệp tiết niệu - sinh dục (Bệnh viện Bình Dân) - cho biết với phương pháp sinh thiết tuyến tiền liệt tiêu chuẩn, người bệnh nghi ngờ có ung thư tuyến tiền liệt sẽ được nội soi lấy ngẫu nhiên 12 mẫu mô bất kỳ tại vùng ngoại biên để chẩn đoán ung thư.

Thực tế, 80% ung thư tuyến tiền liệt xuất hiện ở vùng ngoại biên nên với việc lấy 12 mẫu mô, xác suất tìm thấy tế bào ác tính ở người bệnh là cao. Tuy nhiên vẫn có tỉ lệ nhỏ bỏ sót các tổn thương nghi ngờ ung thư ở các vị trí khó tiếp cận đối với các ung thư ở giai đoạn sớm.

"Với kỹ thuật mới, cho phép hòa ảnh phim chụp MRI trong lúc siêu âm, từ đó các bác sĩ có thể lấy đúng mẫu mô nghi ngờ để tránh bỏ sót các nhân ung thư tuyến tiền liệt", bác sĩ Toàn nói.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính thường gặp nhất của hệ tiết niệu - sinh dục ở nam giới sau tuổi 50. Việc chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt rất quan trọng trong chiến lược điều trị bởi nếu được phát hiện sớm, có tới 85% người bệnh ung thư tuyến tiền liệt sống đến 10 năm.

Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ đa thông số (Multiparametric MRI) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho phép xác định và đánh giá các nhân ung thư trong tuyến tiền liệt, nhất là loại có nguy cơ cao, từ đó gia tăng khả năng phát hiện ung thư giai đoạn sớm hoặc những trường hợp ung thư phát triển nằm sâu bên trong tuyến tiền liệt.

Đặc biệt, kỹ thuật này còn mang đến lợi ích là người bệnh không phải lấy nhiều mẫu mô tuyến tiền liệt hơn so với sinh thiết hệ thống theo tiêu chuẩn trước đây.

Phát hiện ung thư khi mang thai: Đừng quá lo lắng Phát hiện ung thư khi mang thai: Đừng quá lo lắng

TTO - Nghiên cứu cho thấy khi mắc ung thư trong thai kỳ, thai nhi không ảnh hưởng tới bệnh ung thư của người mẹ.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên