16/09/2022 11:10 GMT+7

Có 80 ổ dịch sốt xuất huyết, Hà Nội dự báo sẽ còn gia tăng

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Hiện nay tại Hà Nội có 80 ổ dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) nhận định số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Có 80 ổ dịch sốt xuất huyết, Hà Nội dự báo sẽ còn gia tăng - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYÊN BẢO

CDC Hà Nội cho biết sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp tại Hà Nội. Theo thống kê trong tuần 36, Hà Nội ghi nhận 547 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng 46,3% so với tuần trước (374).

Cộng dồn trong năm 2022, trên địa bàn đã có 2.263 ca mắc sốt xuất huyết và 3 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 3,7 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (600 ca mắc, 0 ca tử vong).

CDC Hà Nội cũng cho biết từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 240 ổ dịch tại 27 quận, huyện. Hiện tại còn 80 ổ dịch đang hoạt động, CDC Hà Nội nhận định số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, trong bối cảnh dịch COVID-19 và sốt xuất huyết gia tăng, người dân cần cẩn trọng khi có triệu chứng sốt.

Để phân biệt sốt xuất huyết, bác sĩ Cấp nêu rõ: "COVID-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, với các triệu chứng phổ biến như ho, đau họng, chảy nước mũi. Còn đối với sốt xuất huyết, đa phần bệnh nhân có triệu chứng sốt cao. Rất nhiều bệnh nhân do chủ quan không nghĩ mình bị sốt xuất huyết nên đến viện ở ngày thứ 4-5 sau khi có triệu chứng sốt, với tình trạng khá nặng như sốc, choáng, chảy máu…

Hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 40 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó nhiều ca chuyển biến nặng, kể cả đối với người trẻ, không có bệnh lý nền.

Vì vậy, khi có triệu chứng sốt, đau mỏi người, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán căn nguyên bệnh, từ đó được theo dõi và điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt như dùng kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi để không bị nhiễm bệnh".

Ngoài ra, bác sĩ Cấp cũng cảnh báo những dấu hiệu nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết như đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, mệt mỏi, bồn chồn. Khi có những biểu hiện này cần lập tức đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và chăm sóc.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi được chăm sóc y khoa đúng cách và phát hiện sớm, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết thấp dưới 1%.

Vì vậy, khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, với những bệnh nhân đã mắc sốt xuất huyết vẫn có thể mắc các chủng sốt xuất huyết khác, nên cần cẩn trọng, không chủ quan.

Không muỗi, không lăng quăng = không sốt xuất huyết! Không muỗi, không lăng quăng = không sốt xuất huyết!

TTO - Hằng năm có gần 800.000 người trên toàn cầu tử vong do các căn bệnh truyền từ muỗi.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên