Một buổi học ngoại ngữ qua giao tiếp tại một quán cà phê ở TP.HCM - Ảnh: BÌNH MINH
Ở thời đại này, có tấm bằng đại học chưa chắc có được một công việc chuyên nghiệp, ổn định, được trả lương cao, có bằng trung học chưa chắc đã được tuyển vào làm trong dây chuyền lắp ráp ở nhà máy.
Thất nghiệp đã và đang là vấn nạn khiến nhiều người trẻ đau đầu, thậm chí sợ hãi kể cả khi đã tốt nghiệp đại học. Nhưng thực tế là không thể tránh khỏi: tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến đang là mối nguy tiềm tàng đe dọa cơ hội việc làm của người lao động.
Vậy phải làm sao? Dĩ nhiên là cần lên kế hoạch, liên tục học hỏi, đổi mới bản thân, trau dồi kiến thức và một số kỹ năng cần thiết. Nhưng trong một biển kỹ năng, đâu là những kỹ năng cần nhất?
Theo Báo cáo nhân lực năm 2017 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) phối hợp với LinkedIn thực hiện, thực ra chỉ có 2 kỹ năng thôi. Chỉ 2 là đủ để làm nền tảng cho bạn xây dựng sự nghiệp.
Thứ nhất là kỹ năng giao tiếp ứng xử, ví dụ như năng lực lãnh đạo và phục vụ khách hàng. Và thứ hai là kỹ năng công nghệ căn bản, ví dụ như biết cách sử dụng phần mềm xử lý văn bản và thao tác với các bảng tính.
Dù làm công việc gì hay ở vị trí nào, có những kỹ năng này là điều đảm bảo cho phép bạn tìm kiếm những cơ hội tốt hơn trong công việc ở thời điểm phù hợp.
Với những kỹ năng cơ bản này, việc học những kỹ năng mới chuyên biệt hơn cho từng loại công việc cũng trở nên dễ dàng hơn.
Và đó cũng là những kỹ năng bạn có thể dùng cả đời. Kỹ năng giao tiếp ứng xử sẽ chẳng bao giờ lỗi thời dù công nghệ có phát triển cách mấy hay nền kinh tế có bị đảo lộn.
Trong khi đó, nếu bạn đã đầu tư vào các kỹ năng công nghệ căn bản, cốt lõi mà tất cả mọi người đều cần phải có, việc nắm bắt các kỹ năng công nghệ mới nhất sẽ không làm bạn lúng túng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận