Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: REUTERS
Đó là nhận định của kênh CNBC ngày 21-12, sau khi căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung leo thang thêm một nấc mới.
Bộ Tư pháp Mỹ đêm 20-12 công bố cáo trạng chống lại hai người Trung Quốc, cáo buộc họ tiến hành tấn công mạng và đánh cắp bí mật kinh tế của công ty Mỹ.
Hiện tượng đặc biệt thời ông Trump
Gần như cùng lúc, cả Anh, Úc, Canada và New Zealand cũng lên án Trung Quốc về việc tung gián điệp đánh cắp bí mật kinh doanh của họ thông qua một chiến dịch kéo dài 12 năm nay.
Nếu nói về các cáo buộc Trung Quốc sử dụng gián điệp hay tấn công mạng, đe dọa an ninh quốc gia, thì lâu nay giới quan sát chính trị quốc tế đã nghe nhắc tới nhiều.
Tuy nhiên điểm khác biệt là, lần đầu tiên nhiều người nhìn thấy một "mặt trận đoàn kết" lên tiếng buộc tội Trung Quốc mạnh mẽ như vậy, theo ông Abigail Grace, nhà nghiên cứu trong chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới.
Cụ thể, trong khi cả ông Trump lẫn người tiền nhiệm Barack Obama đều công khai chỉ trích hành động của chính quyền Trung Quốc trên thế giới mạng, thì cho tới gần đây người ta cũng chưa thấy các nước khác cùng lên tiếng mạnh mẽ như thế.
Những quốc gia như Úc đã cảnh báo về mối đe dọa từ một số công ty cụ thể của Trung Quốc vài năm nay, nhưng tuyệt nhiên không nhắc tới vai trò của chính quyền Bắc Kinh như hôm 20-12.
Sự phối hợp của Mỹ, Úc, Anh, New Zealand và Canada là một phần trong liên minh tình báo có tên gọi "Five Eyes" (tạm dịch: 5 ánh mắt), vốn đang chia sẻ thông tin được phân loại về các hoạt động của Trung Quốc ở nước ngoài.
Việc Canada gia nhập nhóm trên và chỉ trích Trung Quốc lần này cũng là chi tiết khá nhạy cảm, vì bản thân Ottawa cũng đang ngụp lặn giữa cuộc khủng hoảng ngoại giao với Trung Quốc.
Đã có 3 công dân Canada bị Trung Quốc bắt kể từ khi cảnh sát Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu – giám đốc tài chính của công ty Trung Quốc Huawei.
Khơi dậy sự phản đối
Trong khi CNBC khen ông Trump về việc lôi kéo được các đồng minh tham gia công kích Trung Quốc, chiến lược tiếp cận này có vẻ sẽ còn "đơm hoa kết trái" hơn nữa.
Sau những cáo buộc của nhóm Five Eyes, tới lượt các thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch đứng ra kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quy tắc quốc tế về vấn đề kỹ thuật số.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christiopher Wray đọc cáo trạng chống lại hai công dân Trung Quốc, cho rằng họ đánh cắp bí mật kinh doanh của các công ty Mỹ - Ảnh: REUTERS
Ông Chong Ja Ian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét rằng có khả năng chính quyền ông Trump sẽ hưởng lợi từ "phong trào đả kích Trung Quốc" này, khi ông đang tiếp diễn cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Ông Chong nói: "Đã tới thời điểm thích hợp cho ông Trump để thu được lợi ích chính trị từ việc này".
Ngoài ra, theo CNBC, cuộc "tổng tấn công" trên phản ánh rõ nét hơn một sự thất vọng trên toàn cầu về thái độ thiếu thiện chí của Trung Quốc, xét về các vấn đề như tấn công mạng hoặc tình báo. Ông Chong cũng nói thêm rằng bản thân từng nước trong nhóm Five Eyes cũng thực sự có mối lo riêng về việc Trung Quốc do thám (chứ không phải liên kết với nhau chỉ vì chính trị).
Nhóm này gần đây đã loại đại gia công nghệ Trung Quốc khỏi những dự án phát triển hạ tầng mạng không dây thế hệ thứ 5 (mạng 5G), đồng thời nêu bật mối lo an ninh quốc gia. Trong số đó, công ty Huawei bị "chỉ mặt đặt tên" nhiều nhất, dù gã khổng lồ công nghệ này luôn bác bỏ chuyện họ bị chính quyền Bắc Kinh chi phối hoạt động.
Rộng hơn, toàn bộ các dự án hạ tầng thuộc sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc cũng chứng kiến truyền thông phương Tây lo ngại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận