Từ ngày 9-12 người dân có thể thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến ở mọi lúc mọi nơi - Ảnh: N.A.
Sáng 7-12, Văn phòng Chính phủ họp báo thông tin về việc khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia với sự chủ trì của ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) - cho biết Cổng Dịch vụ công quốc gia có vai trò trong xây dựng Chính phủ điện tử, là hệ thống kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp qua phương thức điện tử.
Truy cập một tài khoản, giao dịch ở mọi nơi
Khi chính thức khai trương vào ngày 9-12 tới, cổng sẽ cung cấp các dịch vụ công bao gồm 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 địa phương như đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.
Ngoài ra, 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ như cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công, ví dụ tại TP.HCM là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là đăng ký khai sinh…
"Chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính" - ông Phan nêu.
Trên cơ sở giả định với số lượng giao dịch như năm 2018, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia, theo ông Phan, sẽ tiết kiệm được 4.222 tỉ đồng/năm, trong đó, tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia mang lại khoảng 1.736 tỉ đồng.
Trước băn khoăn về vấn đề bảo mật, an toàn an ninh thông tin và đồng bộ kết nối dữ liệu, ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT, đơn vị thực hiện triển khai Đề án) - cho biết với kinh nghiệm quản lý trên 30 triệu khách hàng, VNPT đã tập trung nguồn lực đáp ứng yêu cầu về băng thông kết nối, an toàn an ninh mạng, với trung tâm dữ liệu được thiết kế vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể đó là hệ thống hạ tầng Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trên hạ tầng VNPT-IDC: Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3 kết nối 63/63 tỉnh thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.
Trong thời gian triển khai cũng có sự phối hợp các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu, Cục An toàn an ninh thông tin… thực hiện kiểm thử, đảm bảo tính thận trọng và vận hành an toàn.
Bảo mật cao, chặn nhũng nhiễu tiêu cực
Ông Mai Tiến Dũng cho rằng việc xây dựng và ứng dụng Chính phủ điện tử, công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước là rất quan trọng, nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.
Đây cũng là yêu cầu đặt ra để đáp ứng đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp khi việc làm các hồ sơ trực tiếp phải nộp nhiều lần, nhiều hồ sơ, làm tăng chi phí thời gian và công sức, tham nhũng vặt, tiêu cực, gây khó khăn trong thực hiện...
"Việc xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia là quyết tâm, là chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thể hiện Chính phủ kiến tạo, phục vụ và trách nhiệm, hướng tới người dân và doanh nghiệp" - ông Dũng nêu.
Việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia cũng giúp cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục còn chồng chéo. Bộ trưởng dẫn chứng khi triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia đã giúp sàng lọc và cắt bỏ những thủ tục không cần thiết, tái cấu trúc quy trình thủ tục. Đơn cử với 7.400 thủ tục thì đã rà soát còn 6.907 thủ tục, liên tục có tái cấu trúc lại quy trình thủ tục, thời gian, các giấy tờ kèm theo...
Khẳng định việc thực hiện sẽ còn vô vàn khó khăn, nên ông Dũng cho biết đây là sản phẩm ban đầu, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện, tích hợp dữ liệu.
Dự kiến trong quý I năm 2020 sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận