Trẻ TP.HCM đã thắng Bắc Ninh 3-1 ở loạt sút 11m (hòa 2-2 trong 90 phút) ở vòng chung kết Giải hạng nhì 2024, diễn ra chiều 17-6 tại Hà Tĩnh.
Cả hai bàn thắng mà CLB Trẻ TP.HCM ghi được đều mang dấu giày của lão tướng nhập tịch Đỗ Merlo. Chân sút người Argentina này đem về quả 11m (Hoàng Phương ghi bàn mở tỉ số) và tự mình ghi bàn nâng tỉ số lên 2-0 sau pha bật cao đánh đầu vốn là thương hiệu của mình ở V-League.
Một lão tướng nhập tịch khác, Huỳnh Kesley dù không ghi bàn trong trận đấu này nhưng cũng đóng góp lớn giúp Trẻ TP.HCM thi đấu tốt ở lượt về, qua đó lọt vào vòng chung kết.
Nghịch lý
Bóng đá Việt Nam mơ dự World Cup, nhưng cách làm thì cho thấy toàn kiểu "ăn xổi ở thì". Một CLB muốn có bề dày lịch sử và có chuyên môn bền vững cần được thành lập, đào tạo cầu thủ và thi đấu từ giải đấu thấp nhất.
Nhưng nhìn ở Giải hạng nhì 2024 thôi cũng thấy cách làm chụp giật để làm sao có mặt ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam càng sớm càng tốt.
Cái tên mới toanh trên bản đồ bóng đá Việt Nam, CLB Bắc Ninh mua lại suất tham dự Giải hạng nhì của CLB Gia Định. Đội bóng này vung tiền mua về cầu thủ chất lượng để thăng hạng nhất, nhưng bất thành sau khi thua Trẻ TP.HCM.
Ngay cả CLB Trẻ TP.HCM cũng là một nghịch lý khác. Bóng đá TP.HCM bao năm qua là "vùng trắng" thành tích vì đào tạo kém, lẽ ra cần được chăm chút gốc rễ cho tốt nhằm có thể trở lại thời hoàng kim thì lại chạy theo kiểu làm "ngắt ngọn".
Lứa Trẻ TP.HCM đa phần là lứa cầu thủ trẻ trưởng thành từ chương trình hợp tác với CLB Lyon (Pháp). Các cầu thủ này lẽ ra cần được tạo điều kiện thi đấu ở Giải hạng nhì để trưởng thành thì lại không có nhiều cơ hội chơi bóng.
Bởi sau khi thi đấu không tốt ở lượt đi Giải hạng nhì 2024 với 1 thắng và 5 hòa, Trẻ TP.HCM đã đem về nhiều cầu thủ từng chinh chiến ở V-League. Trong đó, đáng nói là sự xuất hiện của 2 lão tướng nhập tịch Đỗ Merlo và Huỳnh Kesley.
Đỗ Merlo đến giờ vẫn là chân sút xuất sắc thứ 2 trong lịch sử V-League với 148 bàn thắng, từng hai lần vô địch V-League 2009 và 2012 cùng CLB SHB Đà Nẵng.
Anh cũng đang giữ kỷ lục 4 lần đoạt danh hiệu "Vua phá lưới" V-League 2009 (15 bàn), 2010 (19 bàn), 2011 (22 bàn) và 2016 (24 bàn).
Huỳnh Kesley cũng là một trong những tiền đạo ngoại xuất sắc nhất lịch sử V-League với 113 bàn thắng. Anh 3 lần lên ngôi vô địch V-League cùng CLB B.Bình Dương, giành Vua phá lưới V-League 2005 với 21 bàn.
Sự xuất hiện của hai lão tướng nhập tịch này khiến dư luận không khỏi mỉa mai cho chính cái tên CLB Trẻ TP.HCM. Vì đội trẻ mà có lão tướng thi đấu và làm trụ cột.
"Phút 75 trận đấu, "tài năng trẻ" Kesley được tung vào sân. Có lẽ Bắc Ninh sẽ hẹn năm sau thôi", một CĐV mỉa mai trên diễn đàn bóng đá.
Đừng chạy theo thành tích
Không đào tạo trẻ và tạo nền móng vững chắc, khó có CLB chuyên nghiệp nào có thể tồn tại. Bởi việc cứ bỏ tiền mua cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ ngôi sao sẽ khiến quỹ lương và quỹ chuyển nhượng ngày một phình to, trong khi thu lợi từ bóng đá thì không có.
CLB TP.HCM đang chơi ở V-League là đội thấm thía nhất câu chuyện này. Đội cứ phải đi mua cầu thủ vì không đào tạo được, kinh tế khó khăn càng khiến đội bóng gặp khó. Nợ lương, nợ tiền lót tay khiến cầu thủ không dưới 2 lần phải "đình công", không tập luyện.
CLB Trẻ TP.HCM đã làm được điều mình muốn là giành quyền lên chơi ở Giải hạng nhất 2024-2025 sau khi mua lão tướng nhập tịch về thi đấu. Nhưng về lâu dài, đội bóng này sẽ tồn tại thế nào khi nền móng tỏ ra thiếu vững chắc.
Đầu tư cho đào tạo trẻ chưa bao giờ là bài học cũ. Nên thay vì chạy theo thành tích, phụ thuộc vào ông bầu nào đó, hãy dành tiền đào tạo trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận