Đàn voi châu Phi tại công viên quốc gia Addo Elephant, cách ngoại ô Port Elizabeth khoảng 60km - Ảnh: TTXVN
Tại Hội nghị Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), đại diện các nước đã nhất trí với lệnh cấm gần như hoàn toàn việc đưa loài voi châu Phi sống hoang dã tới các cơ sở nuôi nhốt như vườn bách thú.
Các nhà bảo vệ các loài động vật hoang dã hoan nghênh bước đi quan trọng trong việc bảo tồn loài voi này.
Trải qua phiên thảo luận gay cấn, với 87 phiếu thuận, 29 phiếu chống và 25 phiếu trắng, các nước thành viên CITES đã thông qua lệnh cấm trên sau khi đã được Liên minh châu Âu (EU) xem xét. Zimbabwe là nước phản đối mạnh mẽ lệnh cấm, song văn bản này đã nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết để được thông qua.
Trong lần bỏ phiếu đầu tiên diễn ra ngày 18-8, các nước thành viên đã bỏ phiếu về việc hạn chế mua bán voi châu Phi hoang dã tại các môi trường sống tự nhiên của chúng trong khuôn khổ các chương trình bảo tồn tại chỗ.
Điều này sẽ chấm dứt việc buôn bán voi hoang dã cho các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trên toàn thế giới như vườn thú, hoặc các cơ sở nuôi nhằm mục đích giải trí. Sau đó, EU đã đưa ra một bản dự thảo sửa đổi khác, bao gồm một số điều khoản miễn trừ.
Theo đó, EU cho rằng loài voi cần sống theo đàn và trong môi trường tự nhiên tại châu Phi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, voi hoang dã sẽ được chuyển tới các khu bảo tồn bên ngoài môi trường tự nhiên, với điều kiện những nơi này phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường sống tự nhiên của loài voi.
Những trường hợp như vậy cần sự tham vấn của Ủy ban động vật của CITES và nhóm chuyên gia về voi của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Voi hoang dã tại miền Tây, Trung và Đông châu Phi đã được vào danh sách các loài cần được bảo vệ của CITES. Song dù đã có lệnh cấm toàn diện, việc mua bán voi hoang dã ở phía nam châu Phi vẫn diễn ra do loài voi tại đây khỏe mạnh hơn. Zimbabwe cùng với Botswana là hai nước cung cấp voi châu Phi hoang dã cho các sở thú trên thế giới. Theo Tổ chức Nhân đạo quốc tế, kể từ năm 2012 Zimbabwe đã bắt và chuyển hơn 100 voi con sang các sở thú ở Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận