Bà Gina Haspel - Ảnh: Reuters
Năm nay 61 tuổi, bà Gina Haspel tham gia cơ quan tình báo liên bang từ năm 1985 và phần lớn thời gian làm điệp viên hoạt động ở nước ngoài.
Gây tranh cãi
Ông Trump đã đưa ra một loạt thay đổi nhân sự những ngày gần đây: sa thải ngoại trưởng Rex Tillerson, bổ nhiệm giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế cựu ngoại trưởng và đôn bà Gina Haspel từ phó giám đốc lên làm giám đốc CIA.
Bà Gina Haspel rất được tôn trọng trong nội bộ CIA và giới tình báo Mỹ, nhưng nhiều nghị sĩ quốc hội không thân thiện với bà vì bà là người đóng vai chính viết nên "một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ", theo lời Thượng nghị sĩ John McCain - chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện.
"Bí mật" bị "bật mí" trên tờ New York Times năm ngoái. Theo đó, năm 2002, bà Haspel thực hiện điệp vụ ở một căn cứ mật của CIA tại Thái Lan mật danh là "Cat’s Eye" (Mắt mèo). Tại đây, bà giám sát việc tra tấn hai tù nhân nghi là người của Al Qaeda bằng cách trấn nước và các kỹ thuật thẩm vấn dã man mà không có hành động ngăn cản.
Một trong hai tù nhân là Abu Zubaida bị trấn nước 83 lần trong một tháng, liên tục bị đập đầu vào tường và chịu những hình thức tra tấn khủng bố khác. Người còn lại tên Abd al-Rahim al-Nashiri cũng bị thẩm vấn bằng các hình thức khắc nghiệt...
Theo BBC, bà Haspel rất giàu kinh nghiệm với các hoạt động tình báo ở nước ngoài và đã chỉ huy ở nhiều căn cứ mật. Ngoài Thái Lan, bà từng chỉ huy căn cứ CIA ở London (Anh) và New York. Khả năng lãnh đạo ở Washington của bà thể hiện ở vai trò phó giám đốc Sở Mật vụ quốc gia và chánh văn phòng sở này.
Có thể bị bắt nếu đến châu Âu
Bà Gina Haspel tiếp tục thăng tiến với vị trí phó giám đốc CIA vào năm ngoái, bất chấp các ý kiến phản đối. Giám đốc CIA Mike Pompeo từng mô tả bà là "sĩ quan tình báo gương mẫu" với "khả năng hoàn thành công việc và thúc đẩy mọi người xung quanh kỳ lạ".
Edward Snowden, người đã trộm hàng triệu tài liệu tình báo của Mỹ, bình luận: "Thật thú vị. Tân giám đốc CIA, bà Haspel, người tra tấn vài "tên", khó có thể công cán đến châu Âu mà không bị đối diện với lệnh bắt theo đơn khiếu nại của Trung tâm Hiến pháp và nhân quyền châu Âu (ECCHR)".
Với bình luận này, Snowden ngụ ý vụ hành hạ tù nhân của bà Haspel chưa thể "chìm xuồng" trước công luận quốc tế. ECCHR đã lên tiếng và tiếp tục đưa vấn đề về bà Haspel lên trang đầu trên trang web của tổ chức, với khẳng định mạnh mẽ sẽ theo đuổi việc ban hành lệnh bắt với bà Gina Haspel.
Nước Mỹ dưới thời tân Ngoại trưởng Mike Pompeo
Dưới thời tân Ngoại trưởng Mike Pompeo, chính sách đối ngoại của Mỹ được dự báo sẽ thống nhất với quan điểm "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, từ thỏa thuận hạt nhân Iran tới vấn đề Triều Tiên. Nhưng liệu quyết định "thay ngựa giữa dòng" có gây hỗn loạn cho ngoại giao của Mỹ?
Nhà cựu lãnh đạo CIA "diều hâu" được đánh giá là một nhân vật luôn ủng hộ các chính sách của ông Trump. Tân ngoại trưởng Mỹ từng chỉ trích kịch liệt thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, mới đây ca ngợi ông Trump đã giúp kiềm chế Bình Nhưỡng hơn bất cứ tổng thống Mỹ nào và từng thậm chí nói về việc lật đổ ông Kim Jong Un.
Cũng giống như ông Tillerson khi mới nhậm chức, ông Pompeo không có kinh nghiệm làm ngoại giao. Giới phân tích cũng lo ngại ông Pompeo sẽ không thể hiện sự kiềm chế như người tiền nhiệm trong các vấn đề về Nga, Trung Đông, thương mại hay môi trường.
Ông Pompeo xuất thân từ sĩ quan quân đội, từng là nghị sĩ đại diện một khu vực ở Kansas trong Hạ viện Mỹ trước khi đảm nhận vị trí trong CIA.
"Sau cùng tổng thống vẫn chỉ đạo chính sách ngoại giao... Nhưng nếu trước đây chỉ là giai đoạn mở đầu, ông Pompeo có vẻ sẽ sẵn sàng đẩy đường hướng của ông Trump đến một viễn cảnh rất nguy hiểm" - chuyên gia Michael H. Fuchs nói đầy lo ngại trên tờ Guardian của Anh. (NGÔ HẠNH)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận