Ở trụ sở CIA - Ảnh: AFP |
“Công chúng Mỹ sẽ phải lo lắng về việc WikiLeaks công bố tài liệu nhằm làm lộ khả năng của cộng đồng tình báo trong nhiệm vụ bảo vệ nước Mỹ trước những tên khủng bố và những đối thủ khác”, bà Heather Fritz Horniak - người phát ngôn của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), lên tiếng ngày 8-3.
Theo tiết lộ của nhật báo Washington Post, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đang chuẩn bị điều tra xem nguồn nào đã rò rỉ tài liệu mật cho trang mạng WikiLeaks.
Tuy nhiên phát ngôn của phía CIA một phần nào cho thấy giới tình báo Mỹ đã xác nhận tầm quan trọng của các tài liệu đã được công bố một phần, theo đó cho thấy những công cụ của lực lượng tin tặc do tình báo Mỹ điều hành nhằm kiểm soát các thiết bị điện tử.
Vụ việc này một lần nữa có thể đặt chính quyền Mỹ vào thế đối đầu cả với giới công nghệ bởi lẽ thông tin tiết lộ cho thấy “tin tặc của CIA” tìm cách bẻ khóa các phần mềm quen thuộc của các hãng lớn.
Tình hình từng rất căng thẳng sau khi “người thổi còi” Edward Snowden tung tài liệu, hồi năm 2013, cho thấy Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) - cơ quan thu thập các tin tức tình báo được cho lớn nhất thuộc chính phủ Mỹ - đã tiếp cận các máy chủ của Apple, Google và Microsoft.
Tập đoàn Apple cũng từng đối đầu cương quyết với cơ quan FBI khi từ chối hỗ trợ các nhân viên điều tra của Mỹ bẻ khóa máy iPhone của một trong những hung thủ vụ xả súng thảm sát tại San Bernardino (bang California) vào tháng 12-2015.
Lần này, sau vụ công bố tài liệu của WikiLeaks, các hãng công nghệ đã nhanh chóng lên tiếng sửa chữa lỗ hỗng phần mềm hoặc sẽ điều tra quyết liệt vụ việc liên quan sản phẩm mình. Những tuyên bố đó được cho là nhằm chữa cháy để bảo vệ thương hiệu về góc độ bảo mật.
Nhưng các chuyên gia về an ninh cho rằng vụ việc lần này còn có tầm mức khác vụ Snowden, bởi nó chỉ ra những cách thức theo dõi cụ thể vào một đối tượng nào đó.
Ông Robert Graham, nhà nghiên cứu của hãng an ninh Errata Security, giải thích: "Snowden đã tiết lộ về chuyện cơ quan NSA theo dõi mọi công dân Mỹ. Chuyện đó không giống với tài liệu về CIA lần này. Lần này là tất cả các công cụ theo dõi hợp pháp và như thế nếu đối phương phát hiện bị theo dõi thì cũng là hợp pháp”.
Nhà nghiên cứu về an ninh cho rằng phần lớn các công cụ và phương thức “tin tặc” của CIA đơn giản chỉ là “lừa bạn cài đặt vào máy một phần mềm theo dõi của họ”.
Ông Bruce Schneier, giám đốc công nghệ của IBM Resilient, cũng nhìn nhận: "Đây là cách CIA thường làm trong không gian mạng”.
Ông Schneier là người thường chỉ trích kịch liệt việc theo dõi công dân của chính quyền Washington
Nữ phát ngôn viên của CIA trong khi đó cũng nhấn mạnh rằng cơ quan tình báo này không có quyền tiến hành các hoạt động theo dõi ở Mỹ, kể cả việc nhắm vào công dân Mỹ, và do đó CIA chưa từng làm điều đó ở Mỹ.
Nhưng bà Horniak cũng nhắc lại rằng "công việc của CIA buộc phải luôn đổi mới, đi theo tiến bộ công nghệ, để giữ vị trí ở hàng đầu phòng thủ của đất nước chống lại kẻ thù nước ngoài của chúng ta".
Nhà nghiên cứu tin học Steve Bellovin của ĐH Columbia (Mỹ), trong khi đó, lại nhận định rằng tài liệu công bố trên WikiLeaks lại có mặt tích cực của nó. Theo ông, nó là “bằng chứng cho thấy tính an toàn của kỹ thuật mã hóa hiện nay. Vì lẽ đó CIA đã phải chi tiền tốn kém để thực thi việc bẻ khóa với những mục tiêu cụ thể".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận