05/10/2019 09:32 GMT+7

Chuyến xe văn minh: Mong tài xế xe ôm “nâng nghề”

HẰNG NGA
HẰNG NGA

TTO - Phiên tòa xử vụ giết sinh viên chạy Grab để cướp xe máy ở TP.HCM vừa kết thúc thì lại xảy ra thêm vụ tương tự tại Hà Nội. Từ những lo âu, bất an trong giới "xe ôm", người ta lại nghĩ nhiều hơn về những chuyến xe ôm lịch sự, an toàn.

Chuyến xe văn minh: Mong tài xế xe ôm “nâng nghề” - Ảnh 1.

Những chuyến xe vui vẻ, an toàn luôn là mong muốn của hành khách và tài xế xe ôm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thời xe ôm công nghệ phát triển, thêm tiện ích, thêm cơ hội việc làm với nghề này. Số lượng thành viên tham gia dịch vụ xe ôm công nghệ ngày càng gia tăng. Yêu cầu về sự chuyên nghiệp, lịch sự và an toàn mỗi chuyến đi cũng dần cao hơn.

Không lo sao được!

Tài xế xe ôm giờ rất đông là những sinh viên nghèo, tranh thủ chạy xe ngoài giờ đến giảng đường để có tiền nuôi giấc mơ đại học. Cũng có những bạn trẻ từ nhiều miền quê lên thành phố mưu sinh bằng nghề này.

Dãy phòng trọ gần nhà tôi ở Q.9 (TP.HCM) có ba bạn đang làm công nhân trong Khu công nghệ cao TP.HCM, vẫn tận dụng ngày chủ nhật và các buổi tối để chạy xe ôm kiếm thêm nguồn thu.

Từ sau vụ anh sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải (cơ sở 2) gần nhà chúng tôi bị sát hại, ba bạn công nhân này tỏ ra lo lắng hơn trước. Buổi tối, họ ngại những cuốc xe có cự ly xa và những tuyến đường vắng vẻ.

Không lo sao được trước thông tin về những rủi ro trên đường mưu sinh. Người thân của tôi đang công tác trong cơ quan bảo vệ pháp luật tại một quận vùng ven cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, ở quận này đã có gần mười vụ cướp xe ôm công nghệ. Đó là những vụ tài xế chạy thoát được, chỉ mất xe chứ không mất mạng.

Tôi cũng hay đi xe ôm. Có lần được nghe anh tài xế là sinh viên năm 2 chia sẻ về những lần hồi hộp khi gặp khách có dáng điệu rất "đáng lo", lộ trình di chuyển qua những con đường vắng vẻ, lại khá xa. Tôi nhiều lần hỏi tài xế công nghệ về tâm tư của họ những khi chở khách. Họ luôn mong may mắn và bình an đồng hành trong từng chuyến xe, với họ và với khách hàng. Vì trách nhiệm đưa khách đi đến nơi về đến chốn, dù có "ngờ ngợ" về khách hay lo âu, họ cũng phải tận tình phục vụ và ứng xử văn minh.

Để an toàn hơn...

Những tài xế xe ôm gặp nạn, thật đáng buồn khi hầu hết nạn nhân đều là người các tỉnh lên thành phố, là sinh viên… Thông thạo đường sá, địa hình, kỹ năng giao tiếp với khách, kỹ năng ứng phó bất trắc trên đường cũng là điều cần có đối với tài xế xe ôm. Đôi khi tài xế và khách cự cãi vì không rành đường và biết cách tìm đường đi nhanh nhất, an toàn nhất. Nếu kẻ gian phát hiện hạn chế này của tài xế, mầm họa từ nhỏ có thể thành lớn.

Xe ôm công nghệ giờ đây hầu hết là xe đắt tiền, tài xế dùng điện thoại cũng đắt tiền. Tai nạn có thể xảy ra với bất cứ nghề nào. Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về nhân mạng, tài sản cho người hành nghề xe ôm thật ra không quá khó.

Tôi luôn mong các hãng xe ôm công nghệ cần tổ chức tập huấn kỹ hơn cho tài xế về kỹ năng cơ bản nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi vấn, kỹ năng xử lý tình huống nếu gặp nguy hiểm. Có thể lắp đặt hệ thống báo động cho xe, kết nối với điện thoại của tài xế nhằm gửi tín hiệu S.O.S đến tổng đài.

Điều quan trọng với tài xế không chỉ là chuyện an toàn cho bản thân và tài sản của mình. Tôi từng nghe các anh xe ôm chia sẻ về chuyện an toàn, vui vẻ và thuận lợi cho cả đôi bên. Chẳng hạn trên đường đi, nên khéo léo gợi chuyện làm quen để biết thêm nhiều thông tin về "thượng đế".

Những câu chuyện thân tình, vui vẻ với nhau cũng là cách tốt xoa dịu mọi căng thẳng, lo âu, giữ an toàn trên đường. Trường hợp khách bất ngờ thay đổi lộ trình nhưng không rõ lý do, cần có cách thông báo về tổng đài hoặc cho đồng nghiệp khác. Và qua đó, khách nếu có ý xấu cũng hiểu có thêm nhiều người biết chuyện.

Có lần tôi được nghe kinh nghiệm ứng xử khi khách yêu cầu dừng xe để… giải quyết nhu cầu cá nhân, khi đó tài xế không nên đứng chờ, nên tế nhị hẹn vài phút quay lại đón, tránh đi chỗ khác sẽ giảm thiểu nguy cơ rủi ro.

Nhưng hơn tất cả kinh nghiệm tôi cho là hợp lý, cũng là điều tôi luôn mong là các anh xe ôm có đủ kỹ năng tạo thêm sự thân thiện, vui vẻ trên đường, chia sẻ cùng khách và khách chia sẻ cùng tài xế. Tài xế lái xe đúng luật, cẩn thận, giao tiếp tốt cũng luôn tạo thiện cảm, cũng có thể xoa dịu được cả bực dọc (thậm chí sự hung hăng) của khách.

Hãy cùng "Chuyến xe văn minh" xây dựng văn hóa giao thôngChương trình "Chuyến xe văn minh" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các sở ngành TP.HCM phát động và sự đồng hành của Grab Việt Nam với mong muốn chia sẻ, lan truyền rộng rãi những câu chuyện đẹp góp phần xây dựng văn hóa giao thông.

Để lan tỏa các hành động đẹp, ứng xử văn minh trong giao thông, chương trình "Chuyến xe văn minh" mời bạn truy cập website: http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn hoặc gửi bài vở qua email: [email protected].

Ban tổ chức sẽ có những phần quà ý nghĩa dành cho những tác giả có câu chuyện thú vị, xúc động, góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn minh khi tham gia giao thông.

Tôi chạy Grab, tham gia bảo hiểm xã hội như thế nào? Tôi chạy Grab, tham gia bảo hiểm xã hội như thế nào?

TTO - Đóng bảo hiểm có... mất tiền không, đóng bảo hiểm xã hội được lợi gì, đóng xong khi nào được nhận trợ cấp... Những băn khoăn này sẽ được chuyên gia giải đáp trên tuoitre.vn sáng 4-10.


HẰNG NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên