26/02/2023 06:50 GMT+7

Chuyến xe thiếu có một người…

Nhiều khi nhìn mẹ, tôi cứ xót xa mãi cho gia đình, cho bố. Ví như ngày ấy, khi cánh cửa xe chưa khép lại, bố trèo lên xe.

Chuyến xe thiếu có một người… - Ảnh 1.

Ký ức xếp vào một góc nhỏ của tuổi thơ tôi

Hoặc khi cánh cửa xe có khép lại, bố chạy theo, vì lúc đó tôi bảo tài xế chạy thiệt chậm, để tôi cài dây bảo hiểm, để tôi chỉnh lại chiếc ghế, để tôi nhặt chiếc điện thoại mà tôi vờ đánh rơi xuống sàn xe. Tôi nhìn vào gương chiếu hậu, sau đó tôi chỉ gặp lại bố trong những giấc mơ.

Dịch bệnh bùng phát, nhiều gia đình thất lạc nhau. Có khi thất lạc nhau qua hai thế giới. Tôi ôm đứa em nhỏ vào lòng, nó mới bảy tuổi. Nhìn cảnh ly tán của biết bao gia đình, tôi chỉ có ước mơ duy nhất, chúng tôi được ở cạnh nhau và được sống.

Gia đình tôi có bốn người, bố mẹ, tôi và em gái. Lúc đầu vào thành phố, mẹ chỉ mong gia đình đủ ăn, sau dư dả chút mẹ mong khấm khá. Bố tôi chăm chỉ, tích cóp để gia đình được ấm no, ông ấy yêu thương mẹ và hai chị em tôi, ông ấy sống có tình yêu và trách nhiệm.

Chuyến xe thiếu có một người… - Ảnh 2.

Bếp lửa gia đình, nơi tôi nghĩ về bố nhiều nhất

Nhưng qua rất nhiều thời gian, tôi vẫn không sao lý giải nổi. Sao lúc đó bố không đi cùng chúng tôi, xe còn một chỗ, nước mắt mẹ chảy, hai chị em tôi ngơ ngác. Cả lái xe cũng ngạc nhiên, sao bố mấy đứa nhỏ không đi cùng, dọc đường có chuyện gì ai lo…

Hơn ngàn cây số tôi và em gái không hề chợp mắt, mẹ nhìn ra ngoài, nơi có những hàng cây, con người, xe cộ luôn chạy về phía sau, cong vẹo. Chợt em tôi thốt lên khi đi được một đoạn đường, sao mẹ con mình bỏ rơi bố vậy? Mẹ khóc lớn, tôi ôm em vào lòng, đừng nói bậy, không ai bỏ rơi ai cả, biết chưa?

Mà kỳ thực tôi thấy nó có lý, có thể chúng tôi đã bỏ rơi bố. Chúng tôi đi, bố ở, chúng tôi về, bố đi đâu? Để khi tận cùng cơn dịch, người chết đến hàng ngàn, tôi lục lọi lại mọi kênh để liên lạc với bố nhưng không hồi đáp.

Có hôm bực mình ngoại nói vu vơ, đàn ông bỏ gia đình trong lúc khốn đốn chết cũng đáng. Tôi hờn ngoại, trong dịch bệnh người xa lạ còn cầu cho nhau sống huống gì là tình thân. Tôi vẫn hy vọng vào điều nhiệm màu, bố tôi được sống để trở về với gia đình. Mẹ dường như vẫn liên lạc với bố, nhưng mẹ chẳng nói gì. Tôi hỏi thì mẹ bảo lặng im, quên đi và ngủ…

Chuyến xe thiếu có một người… - Ảnh 3.

Tình yêu cũng như mồi lửa, sẽ không bao giờ tắt với tuổi thơ tôi

Trong rất nhiều giấc mơ, tôi nhìn thấy bố gầy nhom, mắt trũng sâu. Sáng tôi kể với em gái, nó thì thầm, hay là mình đi tìm bố đi chị hai. Tôi quẹt mắt, tiền đâu mà đi, một đứa mười tuổi dắt díu đứa bảy tuổi, giả dụ có tiền chắc gì nhà xe đã cho đi.

Khoảng thời gian sau đó chúng tôi vẫn trò chuyện với nhau về bố. Kỷ niệm về bố là khoảng trời riêng của chị em tôi. Có hôm em gái lại hỏi chuyện cũ, sao mình bỏ rơi bố chị hai? Tôi ngước mắt nhìn trời, câu hỏi quá khó với trẻ con vậy mà con nhỏ vẫn hỏi được.

Tôi đánh trống lảng khi dẫn nó vào nền trời xanh có đàn ngựa trắng bay qua, có con voi to choán nửa bầu trời, có tấm chăn trắng phau trên nền trời đẹp hết cỡ… nó vẫn không chịu, nó lôi tôi trở lại câu chuyện bỏ rơi bố.

Chuyến xe thiếu có một người… - Ảnh 4.

Tình yêu cũng như mồi lửa, sẽ không bao giờ tắt với tuổi thơ tôi

Xe chạy, bố đứng lặng im, rõ ràng mình bỏ rơi bố mà mẹ và ngoại bảo là không phải, còn bảo bố bỏ rơi gia đình trong lúc nguy nan. Chính chúng ta đã tháo chạy và bỏ rơi bố.

Suốt thời gian dài, câu hỏi của con nhỏ cứ đeo đẳng tôi. Chẳng tìm được đúng sai, chỉ biết gia đình đi về hai hướng. Mà bên kia chỉ có bố nên tôi mới bầm lòng. Hết những mùa xuân, chị em tôi đặt trong giường mình một vài thứ.

Bánh kẹo và mứt, có khi hạt dưa và bánh in. Tấm ảnh của bố chúng tôi bỏ vào trong gối, từ khi ngoại phát hiện được bức ảnh treo đầu giường và nhìn chúng tôi, tôi đã cho bố vào chiếc gối, vừa ấm vừa an toàn, ở đó bố được chúng tôi bảo vệ, chẳng nắng mưa.

Có hôm ngộ trời ngoại đem gối ra giặt, bắt gặp tấm ảnh ngoại đặt ngay ngắn lên đầu giường. Tôi và em gái mình đứng nhìn muốn bật khóc, ngoại đã chấp nhận cho góc của chị em mình. Con nhỏ vậy mà cứ chạy theo lung lay, ngoại thương bố con lại rồi phải không ngoại.

Tôi nhận tin bố còn sống khi giấy báo lĩnh tiền. Ngoại tôi chậc chậc, mấy năm mà gởi có được bao nhiêu, không đủ tiền mua quần áo cho mấy đứa nhỏ…

Tôi vội vàng lôi em gái vào giường, tới chỗ đặt ảnh bố: này, bố mình còn sống đấy, qua dịch bệnh rồi, bố đã đi làm và gởi tiền mua áo quần cho chúng ta… Con nhỏ la toáng lên chẳng rõ kiểu âm thanh gì, nó khóc, nó nhảy choi choi giữa nền gạch trong nắng mới.

Ngoại ngồi ríu mắt, coi mấy đứa đổ điên chưa, có chuyện chi mà lung quầy đến mức.

Mẹ đưa chiếc điện thoại bảo tôi đọc tin nhắn của bố. "Các con thân yêu! Bố nhắn những dòng này và bố muốn gửi lời xin lỗi các con, trong lúc nào đó bố đã không làm tròn bổn phận. Có khi bố nghĩ rằng hôm ấy bố đã bỏ rơi mẹ và các con.

Bố thật tệ, khi ngày đó đã hành động như thế. Nhưng bố chẳng quay về được ngày đó để chuộc lỗi, chỉ mong các con và mẹ tha thứ cho bố…". 

Tôi đọc chưa xong, mẹ đã mỉm cười, con nhỏ ngồi bên cứ nằng nặc đòi mẹ tha thứ cho bố. Nhưng mẹ đồng ý hay không? Tôi không biết.

Nhà là gì, đó là nơi có tình thân. Như bố trong lòng tôi, mỗi lúc nghĩ về ông tôi thấy mình thật ấm áp. Tôi đã lót tổ yêu thương trong lòng mình. Và chuyến về nhà thiếu bố năm xưa không còn gánh nặng trong ký ức của mình.

Nhưng có khi, nó lại nổi lăn tăn như những con sóng nhỏ, có khi chậc lưỡi một cách bâng quơ, có khi bố sẽ về nhà…

Cảm ơn 870 bạn đã gửi bài Về nhà

Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.

Cuộc thi Về nhà dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút... và gửi về địa chỉ email [email protected].

Giải thưởng: 1 giải nhất - 20 triệu đồng, 1 giải nhì - 15 triệu đồng, 1 giải ba - 10 triệu đồng, 10 giải khuyến khích - 5 triệu đồng/giải.

Tính đến ngày 26-2, cuộc thi đã nhận được hơn 870 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.

BAN TỔ CHỨC

Chuyến xe thiếu có một người… - Ảnh 6.
Về nhà thương nhớ rau langVề nhà thương nhớ rau lang

Hương vị khiến tôi hoài nhớ nhất, kỳ lạ thay, là rau lang. Cũng bởi, món rau tưởng chừng đơn thuần, giản dị, với những người từng trải qua khoảng đời tuổi thơ nhiều khó khăn như tôi, lại vô cùng đậm đà, thấm đẫm nỗi nhớ quê nhà.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên