Người dân Cụm 2, Thông Phú Sơn Nam hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho nghĩa trang ở Gò Bá Xứ -Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Câu chuyện về nghĩa trang tình người với bà con quanh Gò Bá Xứ bắt đầu từ ông Phan Công Hạnh.
"Trước đây tôi đã cùng bà con huy động xây được hơn 160 ngôi mộ. Thời đó bà con còn nghèo lắm, mỗi hộ đóng góp nhiều lắm cũng chừng 20 ngàn. Nay nhìn các phần mộ vô chủ được nằm tươm tất trong nghĩa trang này tôi thực sự rất xúc động".
Ông Đặng Ánh
Thư ngỏ đến gõ cửa từng nhà
Thời Pháp thuộc, ông Phan Công Hạnh dân làng thường gọi là ông Hương Ba đã vận động dân làng đi tìm những hài cốt khắp các bờ sông hẻm đồng về quy tập ở Lồi Ý Thượng cách nghĩa trang hiện tại gần 1 cây số.
Cuối năm 1964, Mỹ san ủi Lồi Ý Thượng thành đồng trắng. Ông Hương Ba lại tiếp tục cùng bà con bới tìm hài cốt các chiến sĩ vô danh đưa về gò Bá Xứ bấy giờ.
Khi ấy bà con còn khó khăn lắm nên dù đã quy tập những hài cốt vô danh nhưng vẫn chỉ là những nấm mồ đất với một ngôi miếu đơn sơ. Sau nhiều đời, đến khi ông Lê Văn Định (51 tuổi) làm trưởng xóm thì có được một nghĩa trang khang trang như bây giờ.
Vài tháng trước, ông Định đưa ra ý tưởng về việc kêu gọi xây mới, tu sửa lại nghĩa trang cho những ngôi mộ vô chủ. Nhưng bà con còn khó khăn quá, lo chuyện miếng ăn từng bữa chưa nên sao có hàng chục triệu để xây nghĩa trang được. "Rồi tôi thoáng nghĩ, mình phải làm, làm cho dân họ thấy thiết thực rồi họ sẽ theo" - ông Định nói.
Việc đầu tiên ông Định nghĩ đến cho hành trình xây nghĩa trang từ tay trắng là làm sao để chạm vào được trái tim, chạm vào được suy nghĩ của bà con từ đó mới kêu gọi họ đóng góp được. Rồi ông Định viết một lá thư ngỏ, cùng với ban cán sự xóm gửi đến từng nhà, từng người.
Bức thư có đoạn viết: "Các anh hùng đã anh dũng chiến đấu vì độc lập dân tộc, để bà con ta có cuộc sống bình yên như hôm nay. Nay bà con yên bề ổn định cuộc sống nhưng họ vẫn nằm vất vơ với nấm mồ đất giữa nắng mưa. Xưa các bậc tiền bối đã có công đưa hài cốt các chiến sĩ về đây thì chúng ta, phận làm con cháu cũng nên hoàn thành tốt phần việc còn đang dang dở. Tôi mong bà con cùng chung tay lại. Ai có tiền góp tiền, ai không có mình góp đôi ba ngày công để những nấm mộ vô danh được xây kiên cố".
Những dòng thư đã gửi đến tận tay bà con dân làng. Những đóng góp đầu tiên được gửi về. Ông Định lại tiếp tục cầm thư đi kêu gọi các doanh nghiệp, các mạnh thường quân gần xa. Và bắt tay ngay vào việc xây dựng khi số tiền chỉ mới nằm ở con số vài trăm ngàn.
Thấy những người tiên phong bắt tay vào xây dựng nghĩa trang, bà con Phú Sơn Nam từng hộ thay phiên nhau góp sức. Và chưa đầy một tháng, những nấm mồ đất ở Gò Bá Xứ thay áo thành một nghĩa trang thơm mùi sơn mới.
Chung tay, góp sức
Dưới tán cây rợp mát cạnh nghĩa trang, ông Định cùng một số lão làng ngồi nhìn ra xa nơi các mộ phần mới xây xếp ngay hàng vàng ươm trong nắng với ánh mắt mãn nguyện. Một trong số những trưởng xóm đời trước có ông Đặng Ánh (70 tuổi).
Ông Ánh kể: "Trước đây tôi đã cùng bà con huy động xây được hơn 160 ngôi mộ. Thời đó bà con còn nghèo lắm, mỗi hộ đóng góp nhiều lắm cũng chừng 20 ngàn. Nay nhìn các phần mộ vô chủ được nằm tươm tất trong nghĩa trang này tôi thực sự rất xúc động".
Trong những ngày bà con đóng góp xây dựng nghĩa trang, có những trường hợp khiến ông Định và các chức trách của làng nhớ mãi. Có những nhà rất khó khăn, những người đang nằm bệnh viện, dù ông Định đã tránh gửi thư ngỏ đến nhà, nhưng nghe tin họ vẫn đến góp.
Bà Trần Thị Thanh sống một mình lại sắp sửa bước qua tuổi cửu tuần vẫn đến nghĩa trang xin đóng góp. Khi mọi người từ chối nhận, bà Thanh cười móm mèm: "Tôi không có nhiều nhưng góp được chút tấm lòng cho việc này là vui, là cái tâm tôi gửi gắm phụ cùng bà con làm việc nên làm".
Ông Định chia sẻ: "Từ con số 0 ngày chúng tôi lên ý định xây và tu sửa lại nghĩa trang, không ai nghĩ là có thể làm được. Nhưng được như bây giờ tất cả là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của bà con".
Giờ đây, nghĩa trang với hơn 350 ngôi mộ thẳng hàng nằm san sát. Cạnh miếu Âm Linh từ thời ông Hương Ba xây lên đã được tu sửa lại. Những bức họa hình rồng phượng, cỏ cây được vẽ lên.
Một tấm bia đá to chừng hai mét đề rõ lịch sử xây nên nghĩa trang này như lời nhắc nhở các thế hệ con cháu mai sau luôn ghi nhớ hành trình dựng xây nghĩa trang bằng tinh thần đoàn kết xóm giềng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận