Phần móng cho cửa tràn xả lũ là hạng mục khó nhất của hồ Kẻ Gỗ đã được các thợ đào giếng trợ giúp thành công - Ảnh: Tấn Vũ |
“Thời đó chúng tôi làm tất cả chỉ với một nguyện vọng, một ý chí trong sáng là vì người dân. Phải lấy dân làm mục tiêu chứ không thể lấy GDP làm mục tiêu được. Nếu chúng ta chạy theo các chỉ số thì chưa hẳn các chỉ số đó đã quay lại phục vụ cho người dân. Người dân ủng hộ chúng tôi vì họ cũng thấy được tương lai tươi sáng của mình |
Ông Nguyễn Hoàng Trạch |
Sau hai năm khởi công, nước Kẻ Gỗ đã về đồng... Chỉ có sức người là chính mà họ vẫn thành công!
Đồng lòng
Ở tuổi gần 80, ông Nguyễn Hoàng Trạch, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, vẫn hồ hởi nói chuyện với chúng tôi về hồ Kẻ Gỗ và những ngày trai trẻ của mình. Ông nói đã 40 năm qua đi nhưng trong ký ức của ông vẫn rổn rảng tiếng cuốc xẻng, tiếng hò hát tựa hôm qua.
Năm 1976, ông Trạch là một kỹ sư vừa tốt nghiệp khóa 1 Trường đại học Thủy lợi Hà Nội. Ra trường ông được điều động ngay về Kẻ Gỗ tham gia thiết kế và trực tiếp phụ trách một đơn vị thi công.
Để đảm bảo công trình đạt tiến độ trong ba năm như quyết tâm của chính quyền Nghệ Tĩnh lúc bây giờ, hàng vạn người dân trong tỉnh đã được huy động. Mỗi thanh niên huy động 30 ngày công trong một năm, huy động đầu người tính theo từng địa phương, từng hợp tác xã.
Những thanh niên ở các huyện xa như Chương Dương, Quế Phong cũng lũ lượt về Kẻ Gỗ. Từng đoàn xe tải chở người đổ bộ xuống dọc các cánh rừng, con sông.
“Họ chia nhau từng đại đội, trung đội và sinh hoạt giống như quân đội để thi công. Chỉ cần giao công việc cụ thể, vì đoàn người đến đây đã chuẩn bị tỉ mỉ từ cái cuốc, xẻng đến quang gánh. Họ dựng lều hoặc ở nhà dân. Những đoạn khó nhất người địa phương tại chỗ thi công, đoạn dễ hơn dành cho các thanh niên từ xa đến” - ông Trạch nhớ lại.
Chuyện đào đất đắp đê không khó, nhưng hạng mục đau đầu nhất của những người thi công lúc bây giờ là đập tràn. Bởi đập tràn khi vận hành xả nước sẽ rung lắc mạnh nên đòi hỏi hệ thống cọc chống phải đảm bảo.
“Với công nghệ bây giờ thì có thể khoan bêtông cọc nhồi một cách rất dễ dàng, nhưng lúc đó làm gì có máy khoan. Máy nổ, máy ủi có vài chiếc nhưng không có đủ dầu để chạy. Và tất cả phải dùng sức người” - ông Trạch kể lại.
Giải pháp táo bạo đưa ra là huy động toàn bộ các thợ đào giếng trong toàn tỉnh để thi công gần 300 giếng để đổ cọc.
Ông Trạch nhẩm tính: “Cứ 10 thợ đào giếng một hố cọc, 100 người được 10 hố, 1.000 người được 100 hố... Họ vui vẻ nhận lời và đào ngày đêm, đào rất nhanh bằng dụng cụ chuyên dùng, búa và ròng rọc.
Chẳng bao lâu mọi thứ hoàn thành, tiến độ công trình vượt dự kiến. Từ đó mới thấy được sức mạnh của lòng dân”.
Sau phần hố cọc cho trụ ở cửa tràn, việc đổ bêtông cũng cần đến một lượng lớn nhân lực bởi hàng ngàn khối bêtông mỗi ngày cần phải đổ xuống khi không có băng chuyền. Trước khi đổ bêtông, hàng ngàn thợ rèn được huy động để làm sắt.
Các thợ rèn mang theo dụng cụ của gia đình đến để cắt sắt, uốn, ép và đan thành các tấm lưới rất nhanh. Trong khi các thợ rèn cắt sắt thì hàng ngàn thợ mộc khác dùng cưa, rìu rựa, búa... để chặt cây, cưa gỗ, đóng côppha.
Ngồi trong căn nhà bên ven con kênh xanh rờn nước mát, cụ Nguyễn Thành Tấn, 78 tuổi, một thợ mộc kỳ cựu ở Cẩm Xuyên, nhớ lại rằng đó là những tháng ngày vui tươi và đầy hào hứng nhất của đời mình.
“Thức ăn không nhiều, cơm độn bo bo, nhưng chúng tôi vẫn miệt mài làm trong vui vẻ. Ngày bụi mịt mù, nắng như nung, đêm xuống lợi dụng trăng sáng chúng tôi xẻ gỗ, đóng côppha. Nghĩ đến ngày mai nước về đồng là hăng say lắm!” - cụ Tấn kể lại.
Chỉ sau hai năm khởi công, nước Kẻ Gỗ đã về đồng - Ảnh: Hữu Khá |
Món quà... 10kg gạo
Người Hà Tĩnh ví von hồ Kẻ Gỗ là “biển tây” của tỉnh này. Nhưng dưới mắt các chuyên gia thủy lợi như ông Nguyễn Hoàng Trạch thì Kẻ Gỗ chính là chiếc phao cứu sinh cho hàng vạn người dân nghèo, đồng khô, cỏ cháy.
Được người Pháp khảo sát, thiết kế và thi công, rồi các bộ, ngành trung ương để mắt đến, chứng tỏ Kẻ Gỗ có một vị thế độc đáo nhất định của mình.
“Người dân mình thời đó vừa bước ra khỏi chiến tranh, vốn quen với việc dân công, hỏa tuyến nên việc mỗi người dân bỏ ra vài chục ngày trong năm để đắp đập thì chẳng ăn thua gì. Nhưng điều quan trọng hơn, theo tôi, là việc người dân thấy được tương lai của mình ở công trình này” - ông Trạch trầm ngâm nói.
Hình thức tổ chức và phương pháp thi công mới đã nâng cao năng suất lao động dù tất cả chỉ là thủ công. Chỉ riêng một tháng Công ty thủy lợi 3 đã đổ 2.500m3 bêtông, Công ty thủy lợi 4 đã đưa 350.000m3 đất lên mặt đập chính, bằng lao động trong một quý trước đó.
Cũng trong vòng một tháng Công ty Xây dựng thủy lợi 2 đã làm xong máng Rào Cái, cầu máng lớn nhất, dài nhất từ trước đến nay của ngành thủy lợi Việt Nam.
Vị trí Hồ Kẻ Gỗ |
Để có đủ vật tư, thiết bị phục vụ cho công trình trọng điểm quốc gia này, các cán bộ cung ứng của tỉnh phải rải khắp từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... tổ chức từng đợt tiếp nhận khẩn trương và vận chuyển thẳng vào công trường.
Ngành ngoại thương của tỉnh Hà Tĩnh phải mở chiến dịch thu mua nông sản để đổi sắt thép cho công trường.
Sau hai năm thi công, hàng vạn người dân của 400 đội, 19 tổng đội đã hoàn thành được đập tràn, kênh chính và dòng nước mát lành chính thức chảy qua các làng mạc.
Ông Trạch nhớ lại rằng từ năm 1975 - 1976 không có một hạt thóc để ăn, đến năm 1980 vẫn còn đói. Vì trước năm 1975 tất cả đều rót về để lo cho miền Nam, năm 1976 hạn hán rồi đói kém diễn ra người dân phải ăn củ chuối, lấy gốc chuối chẻ ra luộc ăn thay cơm.
“Trong dân còn lưu truyền các câu kiểu “Năm tám mươi gạo cũng tám mươi. Dân xứ Nghệ mắt vàng như nghệ” hoặc “Ta nghe trong đó ăn cơm là chuyện lạ”... chứng tỏ hạt thóc lúc đó quý hơn vàng” - ông Trạch kể.
Ngày dòng nước về đồng người dân đứng quanh các con kênh reo hò vui sướng. Nước chảy qua các làng mạc khô cằn làm thay đổi đời sống người dân thấy rõ.
Ba tháng sau khi dòng nước mát từ Kẻ Gỗ chảy về, những cánh đồng bắt đầu trở mình, màu non xanh của lúa tràn ngập hi vọng trên các cánh đồng.
Ông Trạch cho biết không thể nào quên được món quà ấn tượng của một bí thư huyện ủy trong chuyến công tác ra Hà Nội biếu trung ương là 10kg gạo chứa trong túi vải (ruột tượng) quấn quanh người.
Bí thư huyện ủy lý giải đó là sản phẩm từ hồ Kẻ Gỗ mang lại cơm gạo cho người dân.
Nhìn tổng thể hồ Kẻ Gỗ và lợi ích của nó, ông Trạch tự hào nói rằng: “Thời đó chúng tôi làm tất cả chỉ với một nguyện vọng, một ý chí trong sáng là vì người dân. Phải lấy dân làm mục tiêu chứ không thể lấy GDP làm mục tiêu được"
"Nếu chúng ta chạy theo các chỉ số thì chưa hẳn các chỉ số đó đã quay lại phục vụ cho người dân. Người dân ủng hộ chúng tôi vì họ cũng thấy được tương lai tươi sáng của mình”.
Dòng nước mát từ Kẻ Gỗ chảy về - Ảnh: Hữu Khá |
Hồ Kẻ Gỗ là công trình đầu tay của ngành thủy lợi Việt Nam nên sau khi khởi công, hàng loạt địa phương khác đều cử cán bộ đến đây học hỏi kinh nghiệm. Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng học về làm hồ Phú Ninh, tỉnh Tây Ninh cử cán bộ đi học về xây dựng hồ Dầu Tiếng, tỉnh Phú Khánh học làm hồ Đá Bàn... |
--------
Kỳ tới: Cái giá của giọt nước
>> Kỳ 1: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận