Ông Thanh làm “hướng chỉ viên” trong Tuần lễ du lịch Sa Đéc - Ảnh: NVCC
Suốt 5 ngày ròng rã dãi nắng dầm mưa, hơn 8.000 chai nước suối cùng hơn 6.000 chiếc khăn lạnh đã được tiếp sức cho người đi đường. Đó cũng là năm đầu tiên mà TP Sa Đéc (Đồng Tháp) có một trạm dừng chân nghĩa tình tiếp sức cho những người tha hương về quê ăn tết.
Việc nhỏ lợi ích nhỏ, nhưng mười việc nhỏ thì thành lợi ích to, tui làm việc thiện cũng để trả ơn cho mảnh đất đã cưu mang tui những ngày gian khó.
Ông NGUYỄN VĂN THANH
Làm người phải ngay thẳng
Tất cả việc làm ý nghĩa đó xuất phát từ ý tưởng của một người đàn ông năm nay đã 67 tuổi, cùng sự chung tay góp sức của nhiều nhà hảo tâm và những người bạn đồng hành.
Từ cảm hứng do trạm dừng chân nghĩa tình này tạo ra, các trạm dừng chân khác tại các huyện Thanh Bình, Hồng Ngự được nhiều nhóm bạn mở ra để tiếp sức người dân về quê ăn tết. Người đàn ông đó là Nguyễn Văn Thanh (ngụ phường 3, TP Sa Đéc).
Trong những ngày phát nước, nhiều người dừng chân đứng lại, do cảm kích nghĩa cử cao đẹp của ông nên có ý định giúp đỡ về tài chính, tuy nhiên ông đều từ chối. Ai có lòng thì góp nước suối, khăn lạnh hay đá lạnh chứ ông không dám nhận tiền vì ông cho rằng làm từ thiện mà không minh bạch thì khó làm đến nơi đến chốn.
"Người ta cho thì tui nhận tấm lòng chứ tui không nhận tiền được. Tui không muốn nhiều người không hiểu nói ra nói vào khiến tâm mình không an yên, không thể dốc hết lòng mà làm tốt được" - ông Thanh bày tỏ.
Rồi ông tâm tư về lần người ta nói ông phát nước là nhằm quảng bá thương hiệu chai nước, vốn được ông mua từ một công ty có tiếng tại Sa Đéc, ông cũng chỉ mỉm cười và
quan niệm: "Mình ngay thẳng, không làm gì đáng xấu hổ, người ta có nói gì cũng không phải sợ, phải ngại".
Trả tình cho Sa Đéc
Đến Sa Đéc hỏi ông Nguyễn Văn Thanh chắc không nhiều người biết, thế nhưng hỏi ông Sáu "ruồi bu", Sáu "tào lao" thì lại được chỉ dẫn nhà rất chính xác. Sở dĩ vậy vì ông thường làm những chuyện bao đồng khiến người đi đường bất ngờ. Có lần ông chạy xe máy mang theo một cái bao, chiếc kẹp rồi đi từ đầu đến cuối công viên Sa Đéc để lượm rác.
Nhiều người đi ngang dị nghị, bàn tán, ông vẫn không để tâm tới. Nhớ đợt Sa Đéc tổ chức tuần lễ du lịch, ông cũng làm một chuyện lạ đời. Ông lấy tấm biển trắng, ghi vào mấy chữ "Hướng chỉ viên tham quan du lịch Đồng Tháp" rồi treo phía sau xe. Sợ khách tham quan ngại, ông lại ghi chữ "Tự nguyện" thật lớn để tạo sự thân tình.
Vậy là suốt một tuần diễn ra tuần lễ du lịch tỉnh Đồng Tháp, ngày nào người ta cũng thấy ông khi thì đậu ngay vòng xoay quốc lộ 80 dẫn vào TP Sa Đéc, lúc thì rảo quanh các tuyến đường chính để hướng dẫn
du khách. Nhiều đoàn xe lớn cũng dừng lại hỏi han, sau khi được ông đích thân chỉ dẫn và chạy trước dẫn đường thì rối rít cảm ơn.
"Mấy năm gần đây du lịch làng hoa ngày càng phát triển. Nhiều du khách lần đầu tìm đến chưa biết đường nên mình chỉ dẫn. Là người con đất Sa Đéc, giúp được cho quê hương tui cũng cảm thấy tự hào" - ông Thanh nói.
Thời gian gần đây, công việc mà người ta thấy ông cặm cụi làm là đi lấp "ổ gà" ở những tuyến đường trong nội ô TP Sa Đéc và thu gom chuột chết. Nhựa đường được ông xin từ những công trình đang thi công, cải tạo mặt đường và một vài công ty xây dựng tại địa phương.
Những ngày nắng, ông đem nhựa đường ra phơi rồi đập nhỏ, đợi khi thời tiết thuận lợi thì đi vá những "ổ gà", "ổ voi" vì sợ người dân gặp tai nạn.
Việc thu gom chuột chết, khơi thông cống rãnh cũng vậy. Dù việc lớn, việc nhỏ nhưng thấy "chướng mắt" thì ông đều không ngại. Ông tâm sự có lần đang đi thì thấy người dân vứt chuột chết thẳng ra giữa đường.
Ông tế nhị vào nhà người vứt chuột xin túi nhựa. Khi được gia chủ hỏi để làm gì thì ông mới từ tốn nói: "Không biết ai vứt con chuột chết này ra đường, vừa nguy hiểm vừa mất mỹ quan đô thị". Từ lần đó, ông không còn thấy nhà đó vứt chuột chết ra đường nữa.
"Việc nhỏ lợi ích nhỏ, nhưng mười việc nhỏ thì thành lợi ích to, tui làm việc thiện cũng để trả ơn cho mảnh đất đã cưu mang tui những ngày gian khó" - ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh phát nước và khăn lạnh cho người dân về quê ăn tết 2019 - Ảnh: T.NHƠN
Nửa chữ bẻ đôi không biết
"Nói chú đừng chê, tui từ nhỏ đến lớn không biết mặt thầy cô là gì" - ông Thanh cho biết. Thật vậy, sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc, nhà lại nghèo nên ông không được đi học. Ông kể có thời gian lưu lạc lên tận Tây Nguyên làm kiểm soát vé trong "xinê". Về quê, ông cưới vợ ở tuổi gần 40 rồi xin vào làm bốc vác cho xí nghiệp xay xát gạo.
Tích góp được chút vốn, ông mua xe chạy xe ôm, bán vé số. Dù không có học thức nhưng ông được nhiều người nể nang, thời còn làm bốc vác ông được bầu làm đội trưởng vì tính siêng năng và yêu thương anh em trong đội.
Từ năm 2011, ông đảm nhận chức trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Sa Đéc. Năm nay, do lớn tuổi sức khỏe yếu nên ông xin nghỉ nhưng do được tín nhiệm, thương yêu nên mọi người lại năn nỉ ông làm tiếp một nhiệm kỳ.
Thầy Nguyễn Hữu Thời - giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Sa Đéc - cho biết ông Thanh rất được giáo viên và phụ huynh trong trường kính mến.
"Chú rất có tiếng nói, được phụ huynh đồng thuận. Những dịp kết thúc năm học, chú cũng hay bỏ tiền túi để mua tập vở tặng học sinh khá, giỏi. Ngoài ra, những việc thiện nguyện mà chú làm như lấp ổ gà, giúp người nghèo cũng rất đáng trân quý" - thầy Thời chia sẻ.
Một công dân gương mẫu
Ông Võ Thanh Tùng, chủ tịch UBND TP Sa Đéc (Đồng Tháp), chia sẻ ông biết ông Thanh từ những ngày còn làm ở đội bốc vác kho gạo.
Ông Thanh được anh em quý mến vì tính tình ngay thẳng, thật thà. "Anh Thanh hễ thấy chuyện trái khuấy thì hay điện cho chủ tịch, công an để góp ý.
Chúng tôi rất quý mến ảnh vì những việc làm của ảnh góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Sa Đéc. Tấm lòng thiện nguyện của ảnh rất đáng hoan nghênh và là tấm gương để người khác noi theo" - ông Tùng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận