Cựu nữ dân công hỏa tuyến Phạm Thị Bèo, nhân chứng của sự kiện đêm 15-6-1968 tại bưng Láng Sấu, kể lại cho các bạn trẻ nghe một thời chiến đấu oanh liệt - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Con đường ở vùng ngoại thành, hướng từ Sài Gòn đi Củ Chi.
Đêm định mệnh trên bưng Láng Sấu
49 năm đã trôi qua. Đìa dứa ở bưng Láng Sấu - nơi diễn ra trận xạ kích đẫm máu ngày xưa - không còn nữa. Vị trí 32 dân công hi sinh giờ đã là khu di tích lịch sử dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968.
Trong nhà tưởng niệm là 2 tấm bia khắc tên 32 liệt sĩ là 32 dân công đã ngã xuống, trong đó có 25 nữ và 7 nam. Đa số đều ở tuổi 16. Một số người tuổi 17, 19. Người lớn nhất mới 33 tuổi.
Chỉ có 5 người trong 32 liệt sĩ đã lập gia đình. Những người còn lại chưa có người yêu, có người chưa kịp biết đến cái nắm tay hay nụ hôn đầu đời thì đã ra đi mãi mãi trong cái đêm định mệnh.
Đêm đó, khoảng 22h30, đoàn dân công 55 người được lệnh đưa thương binh từ ngã tư Tân Hòa 1 (Vĩnh Lộc, Bình Chánh) vượt cánh đồng dứa, bưng Láng Sấu (xã Vĩnh Lộc) xuống Bình Thủy (Long An) và tải súng, đạn về Sài Gòn - Gia Định.
Đoàn dân công vừa tới mé bờ kinh bưng Láng Sấu thì trực thăng địch thả pháo sáng.
Bà Phạm Thị Bèo - một trong những nữ dân công còn sống sau trận oanh kích đêm 15-6-1968, lúc đó 16 tuổi, nay đã 65 - nhớ lại: “Ở đó là cánh đồng, rất trống. Ngó quanh chỉ thấy có 2 đìa dứa cao lút đầu người. Mấy chị nhanh tay đưa thương binh lên ghe, phủ rơm lên. Tất cả 55 người chui vô đìa dứa nằm im không cục cựa, nhưng mấy chục con người chui vô nước nó chao chao. Hai trực thăng của nó bay tới kè hai bên đìa dứa quần đảo, rọi đèn sáng rực, sáng đến con kiến còn thấy huống gì người. Tụi nó bắn xối xả vô đìa dứa. Đại liên với rocket của nó cứ thế nã vào. Nó bắn lần thứ nhất tất cả vẫn nằm im, không ai chạy. Đến lần thứ hai thì không ai nằm im được nữa...”.
Ai cũng khóc gọi ba má, nói con không về gặp ba má được rồi. Mấy chị có con vừa khóc vừa nhắn nhủ: tụi bây đứa nào về được nói má nuôi con giùm tao. Mấy chị em ôm nhau chặt cứng, lát sau thì rời nhau ra. Lúc đó là đã chết rồi... |
Cựu nữ dân công hỏa tuyến Phạm Thị Bèo |
Xương thịt con người không thể đọ nổi với súng đạn. Những dân công tuổi đời mới 16, 17... ngã xuống dưới làn đạn điên cuồng, thân thể tan nát. Máu, bùn, xương thịt, cây cỏ... quấn vào nhau.
Bà Bèo chặm nước mắt: “Ai cũng khóc gọi ba má, nói con không về gặp ba má được rồi. Mấy chị có con vừa khóc vừa nhắn nhủ: tụi bây đứa nào về được nói má nuôi con giùm tao. Mấy chị em ôm nhau chặt cứng, lát sau thì rời nhau ra. Lúc đó là đã chết rồi. Nhiều người chết không toàn thây. Máu trộn với bùn nước... không thở nổi”. Bà Bèo trúng đạn từ bả vai xuyên xuống ngực.
Sau trận xạ kích ác liệt, 35 người hi sinh, trong đó có 32 dân công và 3 bộ đội chủ lực. 25 người sống sót ai cũng bị thương.
Bà Nguyễn Thị Khỏi - nữ dân công hỏa tuyến sống sót trong trận này, cũng là người lớn tuổi nhất khi đó, nay 72 tuổi - nhớ lại: “Lúc chạy, tôi ngoái lại thấy con Để chạy sau. Trực thăng nó rượt theo bắn con Để...”.
Hi sinh cho đất nước thì đâu tiếc gì
Cựu nữ dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Khỏi kể về nhiệm vụ của mình ngày đó: “Nhiệm vụ của dân công là chuyển thương từ ngã tư Tân Hòa 1 về Bình Thủy và chuyển súng, đạn từ đó về Tân Hòa 1. Khi chuyển thương binh, lúc xuống bưng có chỗ nước tới đầu gối, có chỗ ngập ngang bụng, mấy chị em phải giơ cần gánh lên đầu để mấy ảnh không bị ướt. Có lần về đến đồng bưng của Vĩnh Lộc thì bị lộ, tụi lính dí chạy gần chết. Dân công vác súng đạn bên mình đó nhưng không có quyền sử dụng”.
Các bạn đoàn viên thanh niên viếng khu di tích tưởng niệm 32 dân công hi sinh - Ảnh: HUỲNH KIM ÂN |
“Hồi đó chiến tranh đâu biết ngày mai sống chết ra sao, nên tụi tui không biết sợ là gì dù biết nguy hiểm. Ba mẹ, các chú của tôi đều đi theo cách mạng. Chú tư là bộ đội đặc công đã hi sinh. Chú út bị đày ra Côn Đảo. Ba mẹ bị tù vì nuôi giấu cán bộ. Tôi là chị cả, đưa thư cho bộ đội, vừa trốn chui trốn nhủi vừa phải lo cho 4 đứa em. Lúc đó tôi 16 tuổi” - bà Phạm Thị Bèo cho hay.
Nhắc nhớ về những ngày tuổi trẻ sôi nổi hừng hực khí thế đó, bà Phạm Thị Bèo cười bảo: “Hồi đó đi dân công hỏa tuyến cực khổ nhưng rất vui. Tinh thần đứa nào cũng ngùn ngụt. Đi không sợ gì cả”.
Toàn đi bộ, đi đêm hôm, tối thui chuyển thương, vác súng đạn về thành phố, về Bình Thới, Tham Lương, Cầu Tre, Tân Sơn Nhất... Những đôi chân thiếu nữ cứ vậy dọc ngang ngoại thành. Tối tới thì tập hợp đi, thuận lợi thì 1-2h sáng về, không thuận lợi thì tới sáng. “Đứa nào cũng phải mặc hai áo để lỡ về không kịp thì lột áo ngoài chọi đi vì dính sình, người ta nghi. Mặc áo trong màu sáng làm như đi chơi về để địch không nghi ngờ” - bà cười hồn nhiên.
Giờ đây, vết đạn trên người của bà Bèo trở trời là đau nhức. “Nhưng tôi không bao giờ hối hận. Hồi đó mình còn trẻ, ông bà, cha mẹ, cô chú của mình đều theo cách mạng hết. Mình cũng đi, cũng muốn đóng góp cho cách mạng. Đi để hi sinh cho đất nước thì đâu có tiếc gì” - bà khẳng định.
Con đường máu lửa Con đường mang tên Nữ Dân Công hay Dân Công Hỏa Tuyến là con đường 49 năm trước - trong kháng chiến chống Mỹ - các đoàn dân công hỏa tuyến đã đi qua để vận chuyển súng đạn từ căn cứ Bình Thủy (Đức Hòa, Đức Huệ, Long An) ra chiến trường Sài Gòn - Gia Định và đưa thương binh về tuyến sau. |
“Tụi nó chết trẻ lắm...” Ngay đêm đó, bất chấp nguy hiểm và bị địch khủng bố tinh thần, người dân Vĩnh Lộc vẫn liều mình ra bưng Láng Sấu cứu chữa những người bị thương và nhặt từng mảnh thi thể con em mình về nhà chôn cất. Bà Khỏi đôi mắt đỏ hoe, nhớ lại: “Tụi nó chết trẻ lắm. Con Bưởi, con Tài, con Lan, con Vân, con Nàng ở gần nhà tôi. Đứa nào cũng còn nhỏ xíu, chưa có người yêu. Con Bưởi đi dân công thay chị ba nó mấy bữa thì hi sinh... Con Để thì bị trực thăng nó rượt theo bắn chết, nằm trong lùm cỏ, mãi trưa hôm sau mới tìm được”. Chuyện đã gần 50 năm, xa lắc mà cứ như hôm qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận