Phóng to |
Vợ chồng ông Rết chung tay trong cuộc mưu sinh để nâng bước chân con vào đại học - Ảnh: Minh Tâm |
1
Nhắc đến vợ chồng ông Lưu Sì Rết và bà Trương Thị Nhàn, bà con lối xóm ai cũng tấm tắc ngợi khen bởi họ đã chịu thương chịu khó nuôi hai con nên người. Cô con gái đầu lòng của họ 22 tuổi đang làm việc ở Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ. Còn cô con gái út 20 tuổi theo học ngành sư phạm vật lý Trường đại học Cần Thơ. Hai chị em ở chung phòng trọ, tranh thủ lúc rảnh rỗi về thăm cha mẹ. Nói đến con, gương mặt ông bà ngập tràn hạnh phúc. Nhờ có con mà họ vượt qua khó khăn thử thách của cuộc sống...
Ông quê ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, sinh ra trong gia đình đông anh em, nghèo khó. Tuổi thơ ông là những ngày cùng anh chị mưu sinh lam lũ trên cánh đồng hái rau, bắt ốc... Bất hạnh ập đến năm ông 6 tuổi. Năm đó ông bị sốt nặng, không chạy chữa kịp thời nên đôi mắt mờ dần rồi mù hẳn. Không đầu hàng số phận, ông mò mẫm tập luyện bàn tay, đôi chân... để có thể tự sinh hoạt, nuôi sống bản thân.
Bà quê ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Sinh ra trong gia đình nghèo, mẹ mất khi bà còn nhỏ. Năm 14 tuổi, căn bệnh sốt phát ban lấy đi ánh sáng cặp mắt của bà. Tuy mù nhưng bà rất giỏi giang, biết đỡ đần mưu sinh với cha bằng các nghề đan võng, bó chổi, chăn nuôi...
Số phận run rủi hai cuộc đời gặp nhau thông qua sự mai mối của người cháu. Ông Rết trầm ngâm nhớ lại: “Lúc đó tôi đã 47 tuổi, còn bả đã 34. Đứa cháu hằng ngày đi bỏ mối bán hàng xa, tình cờ gặp bả. Nó mai mối, giới thiệu với tôi”. Nghe cháu kể bà có hoàn cảnh giống mình, tính tình đằm thắm, giỏi giang, chịu thương chịu khó, ông ưng bụng lắm. Nhưng lòng ông phân vân, chần chừ, lo sợ đủ thứ: không biết “người ta” có đồng ý lấy mình? Không biết mình có đảm đương nổi vai trò trụ cột, lo chu toàn hạnh phúc trong gia đình, bởi điều này đối với người lành lặn còn khó, huống chi mình mù lòa... Nhưng rồi nỗi ám ảnh tuổi già hiu quạnh thiếu người bầu bạn, cộng thêm nỗi khát khao về một mái ấm gia đình như bao người khác khiến ông quyết định đến với bà...
2
Ngày ra riêng, vợ chồng ông Rết được người thân chia 2,5 công ruộng làm kế sinh nhai. Gieo mạ, sạ, phơi lúa vợ chồng ông tự làm, còn gặt lúa, bón phân, những công việc không thể làm được thì ông bà thuê người làm. Những ngày không làm đồng, ông xoay sang đánh giậm, nơm cá, còn bà thì bó chổi, đan võng, làm men rượu, nuôi heo, gà... Họ như con ong làm lụng cần mẫn, chắt chiu, tiện tặn từng đồng để lên kế hoạch lo cho những đứa con sẽ chào đời... Hai năm sau ngày cưới, bà mang bầu. Khỏi phải nói họ hân hoan biết bao. Niềm vui càng nhân đôi khi con ra đời lành lặn, khỏe mạnh. Ông chịu khó thức khuya dậy sớm để nơm cá, mỗi ngày kiếm được 3-4kg, ông chừa những con cá bự để vợ con tẩm bổ, số còn lại đem ra chợ bán. Ông kể cực nhọc cách mấy nhưng khi nghe tiếng cười của con là vợ chồng ông quên hết mệt mỏi. Cứ vậy mà lần hồi bước qua từng giai đoạn khó khăn nhất...
Mấy năm sau, con gái út chào đời. Nhà thêm rộn tiếng cười đùa nhưng cuộc mưu sinh thêm phần vất vả. Cuộc sống ngày càng đòi hỏi hơn khi con mỗi ngày mỗi lớn. Bà Nhàn lúc này xoay sang làm giá, mỗi sáng sớm cùng con gái lớn đội ra chợ bán. Còn ông lặn hụp dưới sông đắp đất sình thuê cho những chủ vườn. Sự nghèo khó không làm vợ chồng ông quạu quọ, cự cãi nhau mà ngược lại bởi họ suy nghĩ rất giản đơn, cứ dìu nhau đi từng bước, từng bước qua những khó khăn như họ đã bước đi trong cuộc sống đời thường...
Động lực để vợ chồng ông Rết làm việc không mệt mỏi chính là hai con gái đều ngoan hiền, hiếu thảo, rất ham học. Ông Rết bộc bạch: “Hai con đều rất mê học. Cha mẹ mù chữ đâu thể chỉ dạy con được chuyện học hành. Thấy con thiệt thòi nên định mua tivi cho con xem giải trí nhưng cả hai không chịu bởi vừa tốn thời gian xem vừa tốn tiền điện... Thương nhất là tụi nhỏ muốn mua chiếc xe đạp đi học, nhưng biết nhà mình nghèo nên âm thầm dùng tiền ăn sáng mỗi ngày để tiết kiệm tới 5-6 năm sau mới đủ tiền mua xe đạp”...
Giờ ông tuổi đã 69, còn bà 56, vẫn sống với nghề làm men, nuôi heo, gà vịt... Cuộc sống chưa dư dả nhưng hạnh phúc vẫn ngập tràn trong ngôi nhà bởi hai con gái đang mạnh chân bước trên con đường tương lai.
Phóng to |
Ông Hùng bán vé số ở bến đò An Phú Đông, P.5, Q.Gò Vấp (nối quận Gò Vấp và quận 12, TP.HCM) - Ảnh: H.KHOA |
Những tờ vé số Hình ảnh người vợ dẫn chồng đi bán vé số rồi đi phụ rửa chén cho các quán cơm đã không còn xa lạ với bà con trong xóm. Nghèo nhưng lạc quan và yêu thương nhau. Đó là câu chuyện của vợ chồng ông Võ Văn Hùng (51 tuổi) và bà Lê Tường Vân (44 tuổi), trú tại đường Nguyễn Thái Sơn, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Bảy tuổi, anh Hùng bị sốt phát ban. Gia đình khó khăn, không có tiền chữa trị nên hai mắt anh không còn nhìn thấy gì. Thời gian sống với ngoại, anh học nghề thủ công ở trung tâm người khuyết tật (H.Hóc Môn, TP.HCM). Sau đó, anh được nhận vào trung tâm hội người mù (Q.1) dạy cho các bạn cùng cảnh ngộ với mình làm chổi, dệt chiếu... Còn chị Vân là một cô gái hiền hậu, nết na. Năm 1992, cảm mến chàng trai mù chịu thương chịu khó, chị đồng ý cùng anh nên nghĩa vợ chồng trong sự vui mừng khôn xiết của bà con. Đến với nhau bằng tình yêu thương, cuộc sống của họ tuy nghèo nhưng rất hạnh phúc. Mù lòa, không chữ nghĩa, không một mảnh đất cắm dùi nên quanh năm hai vợ chồng đi làm thuê, bán vé số kiếm từng đồng, từ sáng sớm đến tận đêm khuya mới về. Hoàn cảnh khó khăn, cơm bữa đói bữa no nên đứa con trai lớn Võ Quốc Cường (19 tuổi) phải nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền phụ cha mẹ. Cô con gái út Võ Thị Ngọc Phúc (16 tuổi) về nương tựa nhà người thân ở Củ Chi. Thấy ông Hùng vất vả, bà con trong xóm thường giúp đỡ gạo, tiền cho gia đình ông. Bà Trần Thị Nhan (62 tuổi, ở gần nhà ông Hùng) chia sẻ: “Tội nó lắm, đi bán bị người ta giật vé số hoài vì thấy nó mù...”. Hữu Khoa |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận