TTCT - Chuyện của một tổ chức được quản lý bởi người trẻ và chuyện ở một quốc gia Nam Á sau đây cho thấy hiệu quả cần nhân rộng của mô hình trồng và khai thác rừng. Mầm xanh nhú ra từ thân cây bị cháy đen sau hỏa hoạn thảm khốc ở New South Wales, Úc. Ảnh: NPR 1.000 tỉ cây xanh Felix Finkbeiner (người Đức), sinh năm 1997, có nhiều điều khiến người lớn phải suy nghĩ. Khi học lớp 4, cậu bé Finkbeiner 9 tuổi được giao làm một bài tập về chủ đề biến đổi khí hậu như các bạn. Tìm hiểu trên Internet, Finkbeiner nhận ra biến đổi khí hậu là vấn đề liên quan đến mạng sống con người. Năm 2011, em đứng trước Liên Hiệp Quốc nhân sự kiện Năm quốc tế về rừng nói với những người lớn xung quanh: “Chúng tôi, trẻ em biết người lớn biết rõ các thách thức và giải pháp (cho vấn đề môi trường). Điều chúng tôi không hiểu là tại sao người lớn rất ít hành động”. Hiện Felix đã có bốn năm lãnh đạo một hoạt động môi trường đáng chú ý với sự tham gia của nhiều trẻ em ở Đức với thông điệp trồng cây giúp làm chậm lại sự ấm lên của Trái đất. Đến nay, sáng kiến Plant-for-the-Planet (Cây xanh cho Trái đất) của Finkbeiner đã trở thành phong trào toàn cầu với tham vọng: chống lại khủng hoảng khí hậu bằng trồng rừng trên khắp thế giới. Từ cây táo đầu tiên mà cậu bé trồng trước cổng trường, phong trào đã trồng 13,6 tỉ cây ở 130 quốc gia và đang hướng đến mục tiêu trồng 1.000 tỉ cây trên toàn cầu. Tương ứng với mục tiêu này, mỗi người trên thế giới có thể trồng 150 cây xanh. Tổ chức này cũng có một đội quân với 88.000 đại sứ là các trẻ em và người trẻ, đa số trong độ tuổi từ 9-12, ở 74 quốc gia. Hành động của người trẻ đã khiến người lớn phải bội phục. Nhiều người đã thắc mắc liệu 13,6 tỉ cây đã trồng có mang lại sự khác biệt nào cho thế giới? Một nghiên cứu dài 2 năm đăng trên tạp chí Nature năm 2015 trả lời rằng không. Trái đất có khoảng 3.000 tỉ cây. Số lượng cây trên hành tinh từ thuở bình minh của ngành nông nghiệp, khoảng 12.000 năm về trước đã giảm gần một nửa và có khoảng 10 tỉ cây bị chặt mỗi năm. Trồng thêm hàng tỉ cây xanh là một nỗ lực đẹp đẽ, nhưng như muối bỏ bể. Câu trả lời không làm các cô bé cậu bé thất vọng, họ thấy rằng mình cần tham vọng hơn, phải trồng 1.000 tỉ cây xanh để tạo ra sự khác biệt. Muốn biết những khác biệt trực tiếp hơn, ta có thể hỏi những người dân Nội Mông, Trung Quốc. Feng Hao, một nhà nghiên cứu viết trên trang China Dialogue: “Trong một ngày tháng 7-2019 nóng nực ở hạt Horinger ở Nội Mông, những con chim không âu lo ríu rít hót trong một rừng thông mới được trồng lại. Ông Yang Shuantao, một người dân làng hồi tưởng: mới cách đây một chục năm, vùng đất này cằn cỗi khác xa hiện nay”. Theo lời ông Yang, bầu trời chuyển sang màu cam vì bụi mỗi khi gió thổi, tối đến nỗi phải bật đèn vào ban ngày. Dự án trồng 3,3 triệu cây, trong đó có thông Mông Cổ, thông đỏ Mãn Châu, mơ, hắc mai biển (seaberry), một loại cây có giá trị dược liệu; phủ xanh diện tích 2.500ha đất bạc màu làm giảm bão cát và cải thiện môi trường. Trước đây, mỗi năm họ có hơn chục ngày có bão cát thì nay giảm xuống chỉ còn 3-4 ngày. Theo số liệu chính thức của Trung Quốc và hình ảnh vệ tinh của NASA cho thấy diện tích che phủ xanh của Trung Quốc đã tăng lên trong 20 năm qua. Trong diện tích phủ xanh này có cả phần đóng góp của cây trồng. Các công ty tư nhân như Alibaba cũng tham gia các dự án trồng cây. Người dùng sử dụng nền tảng Alipay Ant Forest sẽ được điểm thưởng mỗi khi có hành động thân thiện với môi trường như đạp xe, mua các sản phẩm xanh. Họ sẽ trồng một cây ảo trên điện thoại, khi đủ điểm thưởng, cây ảo sẽ đổi thành cây thật. Từ tháng 8-2016, khi chương trình này xuất hiện, 100 triệu cây thật đã được trồng, bao phủ một diện tích 933 triệu km2 ở Trung Quốc. Bằng cách cho phép mọi người sống ở Trung Quốc có thể đóng góp vào cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, ứng dụng Alipay Ant Forest đã trở thành một sáng kiến trồng cây tư nhân lớn nhất đại lục. Suy thoái rừng và mất rừng vẫn đang diễn ra với tốc độ đáng báo động, góp phần đáng kể vào sự suy giảm đa dạng sinh học. Ảnh: FAO Quản lý rừng cộng đồng ở Nepal Đánh giá của các nhà nghiên cứu về sự thay đổi của rừng cộng đồng tại huyện Dolakha, tỉnh Bagmati Pradesh, Nepal cho thấy cộng đồng đã có trách nhiệm trong việc bảo vệ và quản lý rừng. Các nhà nghiên cứu sử dụng ảnh chụp, hình ảnh vệ tinh của 111 rừng cộng đồng trên diện tích 11.000ha để so sánh. Nghiên cứu cho thấy mặc dù tỉ lệ tăng dân số tăng 2,3%/năm, trong vòng 20 năm, rừng được phục hồi với tỉ lệ khoảng 2%/năm. Tỉ lệ chuyển từ rừng thưa thành rừng rậm trong rừng cộng đồng từ 1,1-3,4% mỗi năm. Tỉ lệ chuyển từ các khu vực không có rừng thành rừng từ 1,1-2% mỗi năm. Diện tích bao phủ của rừng cũng tăng ở những nơi xung yếu, dễ sạt lở ven sông. Nhà nghiên cứu Rabin Niraula của Đại học Kathmandu, Nepal kết luận: rừng cộng đồng đã làm hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng tăng lên, góp phần làm giảm tình trạng phát nương làm rẫy, giảm cháy rừng, khuyến khích trồng rừng, bảo tồn và bảo vệ rừng trên đất công lẫn đất tư. Các nhà nghiên cứu khác cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về tình trạng của rừng ở các huyện khác ở Nepal như đất cây bụi và đồng cỏ được chuyển đổi thành rừng sản xuất, làm tăng diện tích rừng từ 7.677ha lên 9.678ha trong 10-15 năm. Một nghiên cứu sâu tại một nguồn nước trên núi tại các năm 1976, 1989 và 2000 cho thấy trong 25 năm, các khoảnh rừng nhỏ đã mở rộng và sáp nhập với nhau, số lượng các khoảnh rừng từ 395 giảm xuống còn 175 nhưng diện tích rừng thực tế tăng lên 794ha. Thành công của Nepal (được đưa vào báo cáo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp thế giới (FAO) năm 2016 với tên gọi 40 năm rừng cộng đồng -nhìn lại về tăng trưởng và hiệu quả) cho thấy tại các khu rừng cộng đồng, người dân được quyền khai thác nguồn lợi ngoài gỗ theo quy định mà cộng đồng thống nhất và có thu phí thành viên. Những hộ gia đình nghèo được miễn hoặc giảm mức phí này, quá trình ra quyết định hoàn toàn công bằng, bao gồm ý kiến của những người nghèo, phụ nữ, người yếu thế trong cộng đồng. Một số rừng cộng đồng có khu vực sản xuất lâm sản ngoài gỗ để buôn bán, những hộ có mô hình kinh doanh tạo ra thu nhập được vay vốn với lãi suất thấp và giúp giảm nghèo bền vững. Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cũng thống nhất với FAO sau khi đánh giá về rừng cộng đồng ở 11 quốc gia, ghi nhận nhiều lợi ích cũng như thách thức. Rừng cộng đồng có lợi về môi trường, kinh tế, chính trị tại những nơi mà có xây dựng và giao quyền cho người thuê/quản lý rừng và họ tích cực thực hiện việc giám sát, quản lý của mình. Thách thức là ở một số nơi, những lợi ích xã hội, kinh tế này đã được phân chia không đồng đều.■ Cần sự đa dạng về sinh học Thụy Điển là nước được xem là điển hình về việc phủ xanh bằng rừng sản xuất với 70% diện tích đất nước được rừng bao phủ. Nhờ trồng rừng, đất nước này có nguồn tài nguyên để xuất khẩu 6% bột giấy, 8% giấy và 11% gỗ xẻ ra thị trường toàn cầu. Cuối những năm 1800, từ chỗ là một đất nước khai thác rừng quá mức, tái sinh tự nhiên không kịp với được những tác động của chăn thả gia súc và khai thác gỗ thì đến đầu thế kỷ 20, cụ thể là năm 1903, Thụy Điển đã có chính sách buộc trồng lại cây thay thế cho những cây bị chặt, khuyến khích khai thác các khoảnh rừng tương đối lớn để tối ưu hóa chi phí. Trong khi những nước bị mất, suy thoái rừng mơ ước được như Thụy Điển thì đất nước này vẫn còn một nấc thang cao hơn liên quan đến đa dạng sinh học cần chinh phục. Các chuyên gia môi trường chỉ ra: do trồng rừng sản xuất lớn và khai thác sau nhiều năm, các khu rừng ở nước này không có sự đa dạng sinh học, không giàu có về các loài động thực vật. Theo báo cáo Tình trạng rừng thế giới năm 2020 của FAO, rừng bao phủ 31% diện tích đất toàn cầu, khoảng một nửa diện tích này còn tương đối nguyên vẹn và hơn 1/3 là rừng nguyên sinh. Rừng trên thế giới không phân bố đồng đều. Hơn một nửa rừng trên thế giới tập trung ở 5 quốc gia: Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Trung Quốc. Suy thoái rừng và mất rừng vẫn đang diễn ra với tốc độ đáng báo động, góp phần đáng kể và sự suy giảm đa dạng sinh học. Từ năm 1990, ước khoảng 420 triệu ha rừng đã bị mất do chuyển đổi sang mục đích sử dụng mặc dù tỉ lệ phá rừng giảm trong ba thập kỷ qua. Từ 2015-2020, tỉ lệ mất rừng vào khoảng 10 triệu ha/năm, giảm so với con số 16 triệu ha/năm trong những năm 1990. Nông nghiệp vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến mất và suy thoái rừng. Canh tác thương mại quy mô lớn, chủ yếu là chăn thả gia súc, trồng đậu nành, dầu cọ làm mất đến 40% rừng nhiệt đới trong giai đoạn 2000-2010. Tags: NepalNguyễn Mỹ LinhJamesJanet BakerGiải pháp chống ngập
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.