24/05/2018 12:50 GMT+7

Chuyển trạm 'thu giá': Tỉnh vui, nhà đầu tư mừng, dân bức xúc

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Buổi tham vấn về chuyển trạm thu giá BOT đã "thành công tốt đẹp" cho nhà đầu tư và cơ quan chức năng, riêng quyền lợi của người dân vẫn đang bị bỏ ngỏ, chờ nghiên cứu…

Chuyển trạm thu giá: Tỉnh vui, nhà đầu tư mừng, dân bức xúc - Ảnh 1.

Người dân đăng ký danh sách tham gia buổi tham vấn - Ảnh: TRUNG TÂN

Đó là buổi tham vấn cộng đồng về việc di chuyển "trạm " BOT Quang Đức trên quốc lộ 14 đến vị trí mới tại xã Cuôr Đăng (Cư M’Gar), diễn ra vào sáng 24-5, UBND tỉnh Đắk Lắk và đại diện Bộ Giao thông - vận tải tổ chức.

Đi đường tránh do nhà nước đầu tư vẫn mất tiền cho BOT

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết song song với dự án BOT, Nhà nước đang đầu tư dự án tuyến tránh Tây thị xã Buôn Hồ, dài 26km, tổng vốn đầu tư 757 tỉ đồng bằng vốn trái phiếu Chính phủ.

Điều đáng nói là sau khi dự án hoàn thành, các phương tiện có đi tuyến này vẫn phải trả phí BOT tại trạm mới…

Đại diện Bộ Giao thông - vận tải đánh giá tác động của việc di chuyển trạm BOT từ vị trí hiện tại đến vị trí mới là "hết sức cần thiết", vì trạm BOT hiện tại "chia cắt đô thị thị xã Buôn Hồ, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường"…

Chuyển trạm thu giá: Tỉnh vui, nhà đầu tư mừng, dân bức xúc - Ảnh 2.

Dù đã có kế hoạch, vị trí dự kiến đặt trạm thu giá mới, đảm bảo việc thu phí cả phương tiện đi trên đường tránh sau này nhưng phương án miễn giảm phí cho người dân lân cận thì phải chờ trạm làm xong - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo đó, nếu chưa có tuyến tránh, tất cả phương tiện đều đi qua trạm BOT và về hướng trung tâm thị xã Buôn Hồ, vì vậy việc di dời trạm thu phí là "đảm bảo phương án tài chính của dự án BOT đã làm trước đó".

Ngoài ra, vị trí "trạm thu giá" mới, theo đánh giá của Bộ Giao thông - vận tải là không ảnh hưởng dân cư, rất thuận lợi…

Trước lập luận được cho là "nói hộ" nhà đầu tư đó, một trong số 200 người dân có mặt trong buổi tham vấn là ông Lê Văn Nghĩa, trú Tân Phú, xã Ea Đrơng, Cư M’Gar, đặt câu hỏi: "Nếu Nhà nước không có đường tránh thì sẽ không di dời trạm?".

"Dự án BOT bắt đầu từ Pơng Đrang (Krông Búk), nơi có nhiều đoạn không có dân cư tại sao lại không đặt tại đó? Nếu đặt ở Pơng Đrang, quý vị sợ sẽ thất thoát một lượng xe lớn (tại thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng…) nên phải đặt ở chỗ chúng tôi", ông Nghĩa phản biện.

Chuyển trạm thu giá: Tỉnh vui, nhà đầu tư mừng, dân bức xúc - Ảnh 3.

Người dân tham gia ý kiến, phản biện - TRUNG TÂN

Ông Lê Văn Thọ, trú buôn Kô Né, xã Cuôr Đăng, Cư M’Gar, nói rằng người dân đồng ý cho di dời trạm nhưng cần biết trách nhiệm của Bộ Giao thông - vận tải, UBND tỉnh và nhà đầu tư.

"Tôi cũng cho rằng, sau này tuyến tránh hoàn thành các phương tiện sẽ đi vào đây nhưng vẫn phải mất tiền cho BOT là bất hợp lý, sẽ gây bức xúc. Nhà nước, chủ đầu tư phải tính toán lại cho hợp lý" - ông Thọ đề nghị.

Chưa tính toán miễn, giảm phí cho dân

Một trong những vấn đề gây bức xúc khác cho những người tham dự chính là câu chuyện miễn giảm cho người dân lân cận trạm thu phí mới.

Ông Mai Đình Thực, trú thôn An Phú, xã Ea Đrơng, cho biết UBND tỉnh và nhà đầu tư không nói rõ mức phí, miễn giảm như thế nào đối với người dân lân cận.

"Trạm thu phí trước đây ở nơi khác, chúng tôi không ảnh hưởng, nhưng hiện nay tác động hàng ngày. Nếu cứ bóp cổ thu hết, chúng tôi không chấp nhận. Muốn dân đồng ý hay không thì phải có phương án giảm hoặc không thu rõ ràng, minh bạch…", ông Thực đề nghị.

Chuyển trạm thu giá: Tỉnh vui, nhà đầu tư mừng, dân bức xúc - Ảnh 4.

Tuyến tránh Tây thị xã Buôn Hồ đang bị tắc tại xã Ea Đrơng, Cư M'Gar do 45 hộ đã bị thu hồi đất chưa được bồi thường vì phải chờ vị trí đặt trạm BOT này - Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nói thêm đến nay chưa thể khẳng định được sẽ miễn giảm như thế nào và chỉ sau khi tính toán phương tiện đi lại qua trạm BOT mới, khả năng thu hồi vốn mới tính đến việc miễn giảm được.

"Trước khi có dự kiến di dời trạm mấy anh phải tính toán, phải có phương án miễn giảm phí. Các anh đã thu phí hơn 2 năm (ở trạm cũ) rồi, đã biết cân đối rồi. Bây giờ nói phải tính toán lại rồi mới thông báo cho dân. Các anh chỉ có biết lợi cho mình", một người dân bức xúc.

Chuyển trạm thu giá: Tỉnh vui, nhà đầu tư mừng, dân bức xúc - Ảnh 5.

Gần 16ha cây trồng người dân xã Ea Đrơng, Cư M'Gar bỏ hoang, héo chết hơn 2 năm nay vì phải chờ vị trí đặt trạm, đảm bảo thu hồi vốn cho BOT - Ảnh: TRUNG TÂN

Thu giá cũng có thu kín, thu hở?

Có mặt tại buổi tham vấn, ông Phạm Minh Hiếu, Vụ Tài chính Bộ Giao thông - vận tải, cho rằng "trạm thu giá" BOT thực chất là thu hoàn vốn trên tổng mức đầu tư, tiền lãi ngân hàng, lợi nhuận… của chủ đầu tư trên chiều dài dự án.

"nếu thu trên đường cao tốc thì là thu kín, phương tiện đi bao nhiêu Nkilomet sẽ được định luôn giá tiền.

Còn thu phí trên các tuyến đường khác, như trên quốc lộ 14 lại khó xác định quãng đường mà các phương tiện đã đi gọi là "thu hở", ông Hiếu nói.

Với kiểu "thu hở" không tạo được sự công bằng tuyệt đối, vì thế, ông Hiếu cho biết Bộ đã báo cáo Ủy baan thường vụ Quốc hội về vấn đề này và đây là "thời quá độ" khi nguồn ngân sách còn eo hẹp...

"Trên Quốc lộ 14, nhiều năm nay đường hư, chúng ta phải dùng nhiều phương án để xây dựng đường, trong đó huy động vốn của doanh nghiệp. Phần lớn người dân hưởng lợi sau khi quốc lộ 14 đầu tư nâng cấp nên cũng phải hoàn vốn cho nhà đầu tư đã bỏ ra.

Các bất cập của "thu hở", từng dự án để xem xét mức giảm, cho từng trường hợp cụ thể. Dù tính toán thế nào, phải đảm bảo đảm hài hòa việc hoàn vốn cho chủ đầu tư, người dân khu vực…", ông Hiếu nhấn mạnh.

Tranh cãi về đường BOT một nơi trạm thu phí một nẻo ở Thái Bình

TTO - Chủ đầu tư Tasco 6 đã không thể giải thích được vì sao lại thu phí cao bất thường so với giá trị đầu tư trên dự án BOT đường tránh một đằng đặt trạm thu phí một nẻo ở Thái Bình

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên