Chuyện trái ớt Việt

TTCT - Số phận trái ớt Việt Nam cũng long đong trồi sụt như nhiều nông sản khác.

Đồng bằng sông Cửu Long - vùng được mệnh danh là "thủ đô" trồng ớt của Việt Nam - có ít nhất 7.000ha trồng ớt, đặc biệt là ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh, mang về khoảng 100.000 tấn ớt/năm. Như nhiều nông sản khác, số phận trái ớt Việt cũng long đong trồi sụt.

Nông dân Quảng Ngãi hái ớt.  Ảnh: TRẦN MAI

Nông dân Quảng Ngãi hái ớt. Ảnh: TRẦN MAI

Trong ký ức của ông Tư Hơn, một nông dân 76 tuổi ở xã Nghĩa Dũng, những vựa ớt đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ tại các xã phía bờ nam sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi). Những vựa ớt chỉ thiên cay nồng đầu tiên có ở các xã Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng và Nghĩa Hà.

Ban đầu, xe của các thương lái trong tỉnh đến "ăn" hàng, sau đó thương lái từ Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, rồi TP.HCM cũng tìm về các xã cánh đông này của TP Quảng Ngãi thu mua ớt. Ớt Quảng Ngãi trở nên có tiếng và bắt đầu có giá.

Trái ớt cho cuộc sống sung túc

Những nông dân trồng ớt lâu năm ở xã Nghĩa Dõng kể sau đó có doanh nghiệp lấy mẫu ớt gửi đi Trung Quốc kiểm định, kết quả cho thấy ớt Quảng Ngãi luôn đạt độ cay ổn định. Từ đó, thương lái đổ về mua ớt chỉ thiên trồng ở các vùng trên đất Quảng Ngãi để xuất khẩu số lượng lớn, giá mua cao. Rồi nhà này nhìn nhà kia, xã này học xã nọ, nông dân học hỏi nhau cách trồng ớt, tự chia nhau giống tốt, trồng và chăm sóc cây ớt.

Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu tại Quảng Ngãi phù hợp, cây ớt luôn cho năng suất cao, ít bệnh tật, độ cay ổn định, người trồng ớt cũng không gặp mấy khó khăn. Mùa trước ớt trúng giá là diện tích trồng ớt mùa sau tăng lên.

Từ các xã phía nam sông Trà Khúc, vùng trồng ớt rộng dần ra cả thành phố Quảng Ngãi đến huyện Mộ Đức rồi Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh. Theo ước tính của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, diện tích trồng ớt năm 2024 trên toàn tỉnh khoảng 1.430ha.

Phơi ớt trên vỉa hè con đường ven sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Ảnh: TRẦN MAI

Phơi ớt trên vỉa hè con đường ven sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Ảnh: TRẦN MAI

Ông Tư Hơn và những nông dân lớn tuổi hơn không rõ những sào ớt đầu tiên trên đất Quảng Ngãi của ai trồng, họ làm phân, giống ra sao, không nhớ rõ tên giống ớt là gì ngoài tên gọi ớt chỉ thiên. Bao năm nay, người dân Quảng Ngãi rủ nhau trồng ớt chỉ thiên, loại ớt có trái chỉ to hơn chiếc đũa ăn cơm một chút, trái trổ ra hướng thẳng lên trời (chỉ thiên).

Cây ớt vốn ưa đất khô nên họ bắt đầu trồng vào tháng 12 âm lịch, thời điểm miền Trung đã hết mưa bão. Đất được vun từng luống, trên trồng ớt, giữa các luống đất có rãnh để dẫn nước tưới và là lối đi để chăm sóc và hái ớt.

Tháng 2 âm lịch, cây ớt Quảng Ngãi bắt đầu cho trái chín. Nếu chăm sóc tốt, cây sẽ ra trái liên tục cho đến tháng 5 - 6 âm lịch. Trong những tháng mưa lụt ở miền Trung (tháng 6 - 11 âm lịch), họ trồng lúa hoặc các loại cây ưa nước khác, tháng 12 khô ráo lại làm đất trồng ớt cho vụ tiếp theo.

Giống ớt chỉ thiên ở miền Tây Nam Bộ hiện có rất nhiều tên như Chánh Phong, Thiên Ngọc, Sen Hồng, Hai Mũi Tên, Sừng Trâu, Chỉ Thiên, ớt Búng, Tên Lửa 106… Nông dân tỉnh Đồng Tháp nói rằng những giống ớt này phù hợp với thổ nhưỡng cù lao, quả đỏ và cay hơn những vùng khác.

Theo người dân trồng ớt ở Cù Lao Tây, bà con xứ cù lao nói riêng và huyện Thanh Bình nói chung bắt đầu trồng ớt từ 20 năm trước. Vùng đất này có diện tích bãi bồi lớn, nhiều cù lao, đất phù sa màu mỡ.

Mỗi năm, người dân trồng ớt liên tiếp ba vụ: vụ sớm, gieo hạt vào tháng 8 - 9, thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 1; vụ chính (đông xuân) gieo hạt tháng 10 - 11, thu hoạch vào tháng 2 - 3; vụ hè thu gieo hạt tháng 4 - 5, thu hoạch vào tháng 8 - 9.

Lão nông Nguyễn Minh Lý (đã trồng ớt gần 20 năm ở xã Tân Long, huyện Thanh Bình) kể hồi 2012 - 2013, cây ớt rất được mùa, mỗi công ớt thu hoạch từ 3 - 3,5 tấn, trừ hết chi phí vẫn còn lời gần 30 triệu đồng. Lúc này, bà con trồng những giống xưa như ớt sừng vàng Chánh Nông, ớt chỉ thiên Én Vàng, Nông Hội...

Nay thị trường không chuộng các giống ớt cũ nữa nên ít người trồng. "Vụ rồi tôi trồng ớt hiểm Vạn Phát do thương lái cấp giống và bao mua. Ưu điểm của loại ớt này là cây cứng cáp, phát triển tốt, thích nghi với nhiều loại đất, trái ớt có màu đỏ tươi, vị rất cay", ông Lý nói.

Vụ vừa rồi, ông Lý trồng 5 công ớt (5.000m2) nhưng hái không được 10 tấn trái, bán được 80 triệu đồng. Trừ chi phí, còn khoảng 50 triệu, mỗi công ớt chỉ lãi được 10 triệu. Số tiền thu được quá thấp cho công cán chăm sóc, thu hoạch suốt vụ ớt kéo dài 5 tháng.

Nhưng ông Lý vẫn thừa nhận nghề trồng ớt đem lại cuộc sống "đủ ăn đủ xài" bởi dân xứ cù lao này không trồng hoa màu thì biết làm gì. Mặc dù than lãi thấp, nhưng ông Lý nói năm tới vẫn trồng ớt, chỉ giảm diện tích từ 5 công xuống còn 3 công, phần đất còn lại trồng cây khác để giảm nhẹ vốn đầu vào.

Phập phồng nghề trồng ớt

Mặc dù diện tích trồng ớt ở tỉnh Quảng Ngãi khá lớn nhưng lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết tỉnh này không khuyến khích người dân trồng ớt nhiều bởi đầu ra bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Cái vòng luẩn quẩn vụ trước trúng lớn - dân đổ xô trồng rồi rớt giá lặp đi lặp lại liên tục. Chính quyền và các tổ chức đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng "giải cứu" giúp nông dân.

Vụ ớt năm 2016, giá ớt lên đến 45.000 đồng/kg. Nông dân trồng ớt thu lãi đến 40 triệu đồng/sào (500m2). Vụ ớt năm 2017, Trung Quốc ngừng nhập khẩu ớt, vậy là ớt chín đỏ đồng đỏ bãi, chính quyền phải kêu gọi cộng đồng "giải cứu".

Nhưng mùa ớt năm 2018 người dân vẫn trồng ớt nhiều vì "chẳng có cây trồng nào lợi nhuận cao như cây ớt. Nếu không trồng ớt thì trồng cây gì để có đầu ra ổn định?" - bà Cao Thị Hòa, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, nói.

Tương tự, vụ ớt năm 2023 giá lên đến 80.000 đồng/kg thì vụ ớt năm 2024 không có người mua. Những ngày cuối tháng 6 này, con đường dài 8km dọc bờ nam sông Trà Khúc đỏ một màu ớt. Người dân đem ớt phơi khô vì giá chỉ có 5.000 đồng/kg mà không biết bán cho ai.

Ở miền Tây, nhiều nông dân bắt đầu bỏ cây ớt. Ông Lê Chí Tâm, một nông dân ở xã An Phong, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), trồng ớt hơn 20 năm, cho biết nay ông đã bỏ cây ớt vì liên tục hai năm ớt bị sâu bệnh, năng suất thấp, lỗ vốn. Vùng ớt rộng hơn 2.700ha của tỉnh Đồng Tháp vào năm 2013 giảm dần còn khoảng 2.000ha năm 2019.

Các doanh nghiệp xuất khẩu ớt tươi cho biết việc xuất khẩu ớt đang gặp khó khăn từ khâu thu mua đầu vào đến thủ tục xuất khẩu. Năm 2022, Trung Quốc siết lại chất lượng ớt nhập khẩu nên doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nhiều thủ tục mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Một doanh nghiệp xuất khẩu ớt tươi ở huyện Thanh Bình cho biết họ đang gặp khó khi truy xuất nguồn gốc về vùng trồng, diện tích, sản lượng hàng hóa bởi doanh nghiệp mua ớt tươi trực tiếp từ nông dân trồng truyền thống.■

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều vùng trồng ớt lớn, diện tích lên đến hàng ngàn ha, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân.

Năm 2013 tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng ớt đến 2.766ha, sản lượng 30.400 tấn/năm. Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Ớt Thanh Bình" cho vùng trồng ớt huyện Thanh Bình vì ớt sản xuất nơi đây có chất lượng tốt hơn các vùng khác về mùi vị và độ cay. Ớt xuất khẩu chiếm 97,4% sản lượng, trong đó đi thị trường Trung Quốc chiếm hơn 80% sản lượng ớt khô, tạo nguồn thu 2.128 tỉ đồng. Năm 2019 diện tích trồng ớt ở đây còn chưa đến 2.000ha và giảm dần qua các năm. Huyện này có 16 mã số vùng trồng ớt, có 3 công ty được cấp mã số đóng gói ớt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và một số thị trường khác như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore.

An Giang hiện có gần 3.000ha ớt, nhiều nhất là các huyện Chợ Mới, An Phú, Phú Tân, Tân Châu và TP Long Xuyên. Bà Lê Xuân Mai, nông dân xã Phú Hữu, huyện An Phú, cho biết bà trồng hơn 1 công (1.000m2) ớt Chánh Phong 131, mỗi ngày thu được 30kg ớt chín. Mỗi vụ ớt bà Mai lời được từ vài chục đến 100 triệu đồng.

Tại tỉnh Vĩnh Long, ớt được trồng nhiều nhất ở huyện Bình Tân, Tam Bình và Trà Ôn. Theo UBND huyện Bình Tân, năm nay huyện có khoảng 100ha ớt, vụ đông xuân khoảng 56ha và vụ hè thu chuẩn bị thu hoạch.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận