Phóng to |
Với con số gần 40 triệu đơn vị, cá nhân có tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng, việc thanh toán qua ngân hàng giờ đã thành phổ biến, từ việc thanh toán hàng hóa dịch vụ hàng tỉ đồng đến chuyện chuyển vài trăm ngàn đồng về quê giúp gia đình.
Con người không phải là cái máy, huống chi máy móc có khi còn sai sót, vì vậy chuyện nhầm lẫn hoàn toàn có thể xảy ra, điều quan trọng là tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm của ngân hàng trong xử lý sai sót.
Đủ kiểu chuyển nhầm
Vụ chuyển tiền nhầm có một không hai Ngày 30-10-2006, ông N.T.H. ở TP Vinh (Nghệ An) đến chi nhánh ngân hàng V nộp 4 triệu đồng vào tài khoản tiền gửi để con ông đang học ở Hà Nội có thể đến máy ATM rút tiền, nhưng sau đó con ông H. rút được 7 triệu đồng và số dư còn lại trên hóa đơn ATM là... hơn 48,5 tỉ đồng. Lý do: khi thao tác trên máy nhập 4 triệu đồng vào tài khoản ông H., thay vì chọn đơn vị tiền tệ là VND (đồng VN), thanh toán viên của ngân hàng V đã gõ nhầm trên bàn phím thành AUD (đôla Úc) khiến số tiền ghi có sau khi quy đổi trên tài khoản ông H. lên đến hơn 48 tỉ đồng (chính xác là 48.510.360.000 đồng). Ngay khi phát hiện, ngân hàng đã làm đúng quy trình là khóa thẻ, phong tỏa số dư tài khoản và hủy bút toán sai, hạch toán lại cho đúng và ông H. đã hoàn trả ngay cho ngân hàng số tiền 3 triệu đồng mà con ông đã rút quá số tiền ông H. nộp vào tài khoản. |
Công ty TNHH VS có vốn đầu tư 100% nước ngoài tại Thủ Đức, TP.HCM có yêu cầu ngân hàng chuyển đi hơn 300 triệu đồng trả tiền hàng vào tài khoản tại chi nhánh 3 của Agribank cho một doanh nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa.
Vài hôm sau, Công ty VS cấp tốc ra ngân hàng nhờ thu hồi giùm số tiền này do chuyển... nhầm vì số tiền lẽ ra trả cho một doanh nghiệp khác ở Bình Định.
Chỉ chuyển nhầm 200.000 đồng nhưng một nữ công nhân của Công ty Freetrend đã đội mưa tới chi nhánh Ngân hàng Vietcombank để hỏi có đòi lại được tiền không.
Cô đã chuyển tiền mừng cưới cho bạn qua máy ATM nhưng khi gõ số tài khoản của bạn, gõ nhầm số 3 thành 8 nên số tiền vào tài khoản người khác.
Hai trường hợp sắp kể dưới đây là do lỗi của ngân hàng. Cách đây không lâu, Công ty U có giao một ngân hàng trong Khu chế xuất Linh Trung ủy nhiệm chi trích tiền gửi trả hơn 800.000 đồng tiền điện thoại cho bưu điện, giao dịch viên gõ thừa ba số 0 làm cho số tiền chuyển đi trở thành hơn 800 triệu đồng.
Mấy ngày sau khi chi lương cho công nhân, tài khoản công ty không đủ tiền nên công ty mới phát hiện và khiếu nại ngân hàng.
Gần đây nhất là một khách hàng nộp 500.000 đồng vào tài khoản của ông ở Agribank tại Bình Dương để chuyển vào tài khoản ông N. tại Vietinbank ở TP.HCM nhưng giao dịch viên hạch toán nhầm thành 5 triệu đồng.
Nhiều cách xử lý
Công ty TNHH VS đã “gặp may” khi chỉ ngay hôm sau, số tiền chuyển nhầm đã được hoàn trả về lại cho công ty. Đó là nhờ lãnh đạo của ngân hàng nơi công ty mở tài khoản đã giải quyết nhanh bằng cách gửi cho Agribank Thanh Hóa điện thông báo và đề nghị hoàn trả tiền chuyển nhầm, song song với điện thoại cho trưởng phòng kế toán ngân hàng này để phối hợp xử lý.
Trường hợp của cô công nhân, cô được kiểm tra giấy chứng minh nhân dân, thẻ ATM, hóa đơn chuyển khoản in từ máy ATM ra, số tài khoản và chữ ký, số tài khoản chuyển nhầm, số tài khoản đúng mà cô muốn chuyển đến, tất cả đều khớp với thông tin cô cung cấp. Lãnh đạo ngân hàng đã cho giao dịch viên hạch toán để hoàn lại số tiền chuyển nhầm, thời gian giải quyết không đến 15 phút.
Được biết, có nhiều trường hợp khác không được may mắn như cô công nhân nói trên, chuyển tiền nhầm mà gặp phải ngân hàng bên người nhận nhầm thiếu thiện chí thì xem như mất tiền.
Về chuyện chuyển thừa tiền ở Bình Dương, dù cuối buổi, thiếu quỹ, Agribank tại Bình Dương đã phát hiện chuyển thừa tiền, gọi báo cho Vietinbank và được biết tiền vẫn còn trên tài khoản ông N. nhưng lại bị Vietinbank từ chối trả tiền vì sợ... ông N. kiện. Cuối cùng ông N. rút sạch tiền, và giao dịch viên của Agribank ở Bình Dương phải bỏ tiền túi ra bù khoản tiền 4,5 triệu đồng.
Công ty U thì phải đợi mấy ngày mới được ngân hàng chuyển tiền nhầm ứng hơn 800 triệu đồng trả cho công ty, và phải đợi mấy ngày nữa ngân hàng bên bưu điện mở tài khoản mới yêu cầu được bên bưu điện hoàn trả lại tiền.
Trong khi đó, theo điều 36 thông tư 23/2010 do Ngân hàng Nhà nước VN ban hành ngày 9-11-2010 (quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng) đã hướng dẫn, ngân hàng bưu điện mở tài khoản hoàn toàn có thể hủy bỏ nhanh bút toán chuyển thừa để hoàn trả cho ngân hàng bên Công ty U.
Để người dân và doanh nghiệp yên tâm khi thanh toán qua ngân hàng, rất mong khi triển khai thông tư hướng dẫn thi hành nghị định 101 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (ban hành ngày 22-11-2012 và đã có hiệu lực từ ngày 26-3-2013), Ngân hàng Nhà nước cần tập huấn đến từng ngân hàng có tham gia thanh toán liên ngân hàng tại từng địa phương nhằm đảm bảo đúng quy trình và tính thống nhất trong xử lý nghiệp vụ, đồng thời xử lý nghiêm khắc các ngân hàng không tuân thủ các nguyên tắc, quy định - lập lại kỷ cương trong thanh toán để tạo lòng tin cho khách hàng.
---------------------------
Chủ tài khoản không có quyền sở hữu đối với tiền chuyển nhầm
Tại Bộ luật dân sự có quy định về các trường hợp làm phát sinh quyền sở hữu của cá nhân đối với tài sản/tiền. Theo đó, việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản không phải là căn cứ để người chủ tài khoản được quyền sở hữu/sử dụng số tiền đó. Hay nói khác đi, khi nhận tiền “sai”, “không có căn cứ pháp lý” thì người nhận/chủ tài khoản có trách nhiệm phải trả lại cho người chủ thật sự của số tiền đó.
Nghị định 101/2012 đã quy định khá rõ về việc giải quyết hậu quả khi có những sai sót vô ý trong chuyển/trả tiền qua ngân hàng. Cụ thể là khi phát hiện có dấu hiệu nhầm lẫn hay sai sót thì tài khoản sẽ bị phong tỏa, tạm khóa cho đến khi làm rõ, khắc phục xong những sai sót đó.
Theo quy định, việc phong tỏa, tạm khóa tài khoản sẽ do ngân hàng cung ứng dịch vụ chuyển tiền (tức ngân hàng của bên chuyển tiền) hoặc ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán (tức ngân hàng của bên nhận tiền) thực hiện.
Trên thực tế, những sai sót mang tính kỹ thuật như: viết sai số tài khoản, tên người nhận, số tiền... thì dễ kiểm tra và xử lý hơn. Nhưng nếu là những sai sót mang tính nội dung của giao dịch, chẳng hạn như thanh toán tiền “mua hàng” lại viết thành “tiền đặt cọc” thì khi có khiếu nại hay thông báo của các bên, ngân hàng cũng khó mà xác định là đúng hay sai, bản chất thật của giao dịch là gì.
Trong nhiều trường hợp sự sai sót của một bên còn có thể làm liên lụy, phiền toái đến một bên khác hoàn toàn không liên quan. Mà nhiều khi đòi hỏi phải có sự thiện chí, hợp tác của bên nhận tiền (dù là chuyển sai) mới có thể giải quyết được.
Chính vì vậy, mặc dù nghị định 101/2012 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sai sót của ngân hàng và bên sử dụng dịch vụ, theo tôi, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần có văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Chẳng hạn là phải thanh toán chi phí đi lại, tiền ngày công... cho chủ tài khoản “được” nhận tiền sai. Hay thậm chí có thể đưa ra một mức phạt nào đó, để các bên có trách nhiệm và cẩn trọng hơn khi thực hiện các giao dịch thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Luật sư TRẦN HỒNG PHONG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận