Nhưng nếu hiểu rõ hơn về định dạng và những thủ thuật của các chương trình dạng này, người ta sẽ đồng ý rằng đó chỉ là chuyện thường tình thế thôi.
Chương trình truyền hình thực tế X-Factor - Nhân tố bí ẩn đã kịp có xìcăngđan “Huyền Minh - Anh Thúy” ngay sau tập phát sóng đầu tiên tối 30-3 - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng |
Điểm lại trong số các chương trình thực tế đã và đang có mặt tại VN, hầu như trong bất cứ chương trình nào cũng luôn có ít nhất một nhân vật có hoàn cảnh đáng thương - vươn lên từ nghèo khó, nghị lực sống.
Nhân vật ấy, nếu thật sự có khả năng, sẽ tiến rất sâu vào vòng trong, thậm chí giành chiến thắng, như trường hợp của thí sinh chuyển giới Hương Giang, chàng trai chăn heo Ya Suy tại Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc).
Ở Tôi là người chiến thắng (The winner is...) là một Hải Châu đã vượt qua những cản ngại từ phía gia đình để theo đuổi đam mê và khẳng định bản thân.
Bên cạnh các thí sinh “hoàn cảnh” sẽ là những nhân tố gây sốc - các thí sinh tự tin thái quá, phát ngôn bừa bãi, hành vi xốn mắt, phục trang dị hợm... để công chúng “ném đá”. Đương nhiên, không thể thiếu được là những nhân tố có thực lực để kết chương trình.
Thường vòng loại của các chương trình đều không được phát sóng trực tiếp mà là ghi hình phát lại. Một buổi quay hình bao gồm nhiều thí sinh, nhiều trạng thái cảm xúc, thậm chí có lúc phải quay lại sẽ được bộ phận biên tập cắt, ghép, dựng lại để tạo thành các điểm nhấn thu hút khán giả.
Trong một tập phát sóng sẽ luôn có yếu tố gây cười, yếu tố gây sốc, yếu tố tài năng. Để tạo kịch tính, lắm khi người ta sắp xếp cho giám khảo loại một thí sinh, sau đó... cho thêm cơ hội, giữ lại một thí sinh gây tranh cãi, những bất đồng từ phía giám khảo, phản ứng của thí sinh, tố cáo gian lận...
Tối 30-3, nếu không phải là Anh Thúy - Huyền Minh thì sẽ là chàng giữ xe hát rock Lê Tích Kỳ hoặc chàng trai mê nhạc xưa, bán đĩa dạo Trần Quang Đại, chàng rocker Sử Duy Vương, tranh cãi về văn hóa ứng xử của Hồ Quỳnh Hương với thí sinh... để phục vụ chiến lược truyền thông.
Dù số thứ hai chưa phát sóng, người ta vẫn biết rằng X-Factor sẽ tiếp tục có những câu chuyện khác, những tranh cãi khác, thậm chí những xìcăngđan khác cho đến hết mùa bởi đó là những điều đã từng diễn ra ở khắp các quốc gia có X-Factor.
Từ Vietnam Idol 2007 đến nay, khán giả VN đã có bảy năm tiếp xúc với truyền hình thực tế - khoảng thời gian đủ dài để hiểu rằng “thực tế” trong trường hợp này là thực tế được dàn dựng theo kịch bản, là thực tế mà nhà sản xuất muốn khán giả nhìn thấy chứ không nhất thiết là thực tế những điều thật sự diễn ra.
Cho nên nếu một lúc nào đó bỗng dưng có một xìcăngđan bùng phát, bỗng dưng hàng loạt người trong cuộc lên tiếng, đấu tố lẫn nhau rồi sau đó mọi thứ trở lại bình thường cũng nhanh như khi chúng bắt đầu thì hãy hiểu rằng đó là những xìcăngđan được kiểm soát tốt.
Nếu chẳng may xìcăngđan kéo dài như trong nghi án “dàn xếp kết quả” ở Giọng hát Việt 2012 thì đó chỉ đơn giản là vì nhà sản xuất chưa xử lý tốt khủng hoảng truyền thông.
Dù thế nào đi nữa, tất cả đều thường tình thế thôi, bởi điều cuối cùng vẫn nằm ở tỉ suất người xem và khung giá của mỗi spot quảng cáo trước và trong chương trình, khung giá tài trợ và nhiều thứ mà khán giả không được biết đến.
(*) Tên ca khúc của nhạc sĩ Lê Quang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận