LTS: Sau khi TTCT số 45 đăng bài “Ung thư định nghĩa lại mục đích sống của tôi”, nhiều bạn đọc đề nghị báo nên tiếp tục kể những câu chuyện vượt qua khó khăn trong điều trị, trên tinh thần “sống cùng ung thư”, giúp cuộc sống ý nghĩa hơn. Ông Trần Công Tín TTCT xin mở đầu bằng câu chuyện của một thầy giáo vừa thoát bệnh ung thư... Cách đây ba năm, ông Trần Công Tín, một giáo viên nghỉ hưu ở Huế, được chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn 4. Mọi người, kể cả bác sĩ, đều bi quan, tiên lượng xấu. Vậy mà đến nay, lần kiểm tra mới nhất cho kết quả không có dấu vết ung thư... Gian nan điều trị “Đầu năm 2013 tôi bắt đầu có những biểu hiện rối loạn tiêu hóa, ở nhà tự chữa mãi không bớt nên đi khám bác sĩ nội khoa. Sau gần một tháng điều trị theo hướng chẩn đoán ruột kích thích, viêm đại tràng... nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, tôi được đề nghị nội soi ruột. Đến giờ tôi vẫn thuộc lòng kết quả: đưa máy vào 15cm thấy khối u loét sùi chiếm hết chu vi lòng trực tràng. Kết luận: ung thư trực tràng. Đề nghị nhập viện, khoa ngoại...”. Bác sĩ cho biết sẽ cắt bỏ khối u, nối lại ruột. Thời gian nằm viện khoảng 20 ngày, sau đó hóa trị... Phí tổn đợt đầu chừng 30 triệu đồng (vì được bảo hiểm chi trả 80%). Bình tĩnh thông báo cho người thân, ông Tín sắp xếp công việc, chuẩn bị tiền bạc, sắp đặt áo quần vật dụng cá nhân để “lên đường”... Kết quả chụp CT-Scan ban đầu cho thấy khối u khả năng lành tính, bác sĩ bảo chỉ cần cắt bỏ khối u, nối lại ruột là xong, không cần hóa trị. Mọi người đều hân hoan, vui mừng. Nhưng số phận trớ trêu, sấm rền trời đất, khi mổ ra bác sĩ thấy khối u quá lớn, lại còn di căn qua gan hai ba chỗ nữa nên đành đóng lại, không dám cắt bỏ, chỉ làm hậu môn nhân tạo. “Tôi nằm ở phòng hậu phẫu 4, được đưa đi sinh thiết lại (kỹ càng hơn), chụp cắt lớp vi tính đa dãy và có kết quả: Ung thư trực tràng cao, thâm nhiễm tổ chức mỡ xung quanh. Di căn gan ở hạ phân thùy 2, 3, 4. Hạch lớn vùng ngách tiểu khung trái...”. Bệnh nhân được chuyển qua khoa ung bướu. “Bác sĩ phụ trách mời cả hai vợ chồng vào để giải thích là bệnh tôi quá nặng, không hi vọng nhiều. Lần này tôi hoang mang thật sự, muốn buông xuôi tất cả nhưng nhờ vợ an ủi động viên nên gượng được và quyết định tiếp tục điều trị” - ông Tín kể. Tình trạng lúc đó thật thê thảm như rơi xuống chín tầng địa ngục: hậu môn nhân tạo với bao phiền phức, khối u chưa được xử lý, lại còn di căn gan và hạch trong bụng (chưa biết sẽ lan đến đâu, có người lan rất nhanh chỉ vài tháng là qua đời). Đúng là “uống đau khổ đến tận cặn” (lời vua Louis 16 khi lên đoạn đầu đài). “Thế nhưng nhờ trời Phật phù hộ và nhờ nghị lực mà tôi vượt qua được. Nhiều người thán phục sự kiên cường của tôi lắm!” - người thầy giáo già tự hào. Ánh sáng Nhưng rồi “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, sau khi xét nghiệm, bệnh nhân được truyền hóa chất ngay (bốn ngày ba đêm liên tục). Những nỗi khổ ải khủng khiếp khi truyền hóa chất: rụng tóc, ói mửa liên tục, tiêm thuốc mỗi ngày 4-5 ống... đến nỗi nát tĩnh mạch, có lần phải lấy tĩnh mạch ở cổ, lần khác lấy ở chân, thật bất tiện và đau đớn hết sức... Việc lấy tĩnh mạch mỗi lúc mỗi gay go (vì lớn tuổi tĩnh mạch rất mỏng, hay bị bể, phần khác vì lấy quá nhiều nên khó tìm chỗ mới...), đôi lúc tìm hoài không có, phải cầu cứu các y tá kinh nghiệm lâu năm... Một áp lực khác không nhỏ chút nào: nhiều người cho rằng ung thư chỉ có chết mà thôi, rằng thứ đó mà đụng dao kéo vào chỉ nặng thêm... Ông Tín kể: “Rồi có người khuyên mua sừng tê giác mài ra (100 triệu đồng một mẫu nhỏ), rồi uống lá này lá nọ... nhưng tôi chẳng theo gì cả, chỉ một lòng với bệnh viện mà thôi. Đến những đợt truyền thuốc tiếp theo, thật may mắn bác sĩ nhận định bệnh đáp ứng rất tốt nên bảo: Tôi chữa cho bác dứt điểm khối u rồi đưa qua phẫu thuật”... Sau ba lần hóa trị, kết quả rất khả quan: phim cắt lớp vi tính cho thấy bệnh đáp ứng thuốc rất tốt, khối u nhỏ lại, di căn giảm nhiều. Do đó bác sĩ mới đưa qua khoa ngoại để phẫu thuật cắt bỏ khối u và đưa hậu môn vào trong. Phải phẫu thuật hai lần mới thành công. “Lúc nghe bác sĩ bảo gan của tôi trơn láng như người không có bệnh, chỉ còn hai ổ nhỏ xíu ở hai đầu nên không muốn đụng vào mà để hóa chất tiếp tục tiêu diệt, tôi như người chết sống lại” - ông Tín kể. Sau những ngày hậu phẫu, bệnh nhân được hóa trị ba đợt tiếp theo, kế đó là năm đợt uống thuốc Xeloda (với nhiều phản ứng phụ rất vất vả). Đến ngày 9-1-2014 bệnh nhân chính thức được xuất viện và ấn định lịch tái khám định kỳ (ba tháng/lần). Mặc dù vẫn bị nhiều rắc rối về tiêu hóa nhưng sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, nội soi đại tràng, siêu âm, chụp phim, thử máu đều không thấy dấu vết ung thư...■ “Thành công trong điều trị ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với bệnh nhân Trần Công Tín, đó là sự phối hợp đa chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị, bệnh nhân đủ sức khỏe để theo hết phác đồ; đặc biệt là tinh thần lạc quan, tin tưởng thầy thuốc, những tiến bộ của y học và những điều tốt đẹp nhất luôn có trong cuộc đời”. BS Nguyễn Thị Kỳ Giang (phó trưởng khoa hóa trị Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế) Nhật ký tái khám 10-5-2016... Mọi sự đều bình thường, nội soi đại tràng không thấy có chút gì hư tổn cả dù là nhỏ nhất, xét nghiệm máu cũng bình thường. Thật là hi hữu, ngoài sức tưởng tượng. Các bạn tôi là bác sĩ khi thấy bệnh án và kết quả đều ngạc nhiên, chúc mừng sự may mắn của tôi... 1-11-2016... Gần sáu tháng nay thấy tình hình sức khỏe rất ổn nên mình dường như quên đi căn bệnh nan y gần bốn năm trước... Hôm qua sực nhớ đã đến kỳ tái khám nên suy nghĩ vẩn vơ, suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Lo nhất là đọc báo thấy quá nhiều người chết vì ung thư. Nghệ sĩ Phạm Bằng nổi tiếng cũng vừa qua đời vì ung thư, dẫu điều trị tốn kém vô cùng... Tôi thấy mình thật may mắn vì gặp được những bác sĩ giỏi, y tá tận tâm..., công việc vô cùng căng thẳng nhưng tất cả vẫn hết lòng với bệnh nhân, thật đáng khâm phục. Tôi cũng có hậu phương vững chắc, gia đình hết sức quan tâm, lo lắng. Những bạn bè, học trò các thế hệ không ngừng động viên, ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất... giúp tôi qua cơn nguy khốn. Giờ đây sức khỏe tôi đã tạm ổn, mỗi buổi sớm mai đi bộ 5km dọc bờ sông Hương, đứng trên cầu Trường Tiền nhìn ngắm dòng sông thơ mộng và tận hưởng những thú vui của một thân thể khỏe mạnh, nhớ lại những ngày nằm viện với những dây nhợ nhì nhằng, thể xác đau đớn, tinh thần bấn loạn, hoang mang... không thể nào dám mơ tới. Tags: Ung thưSống cùng ung thưVượt qua nỗi sợ hãiNỗi sợ ung thư
Ra thế giới với Việt Nam trong tim TUỔI TRẺ ONLINE 28/01/2025 20 năm trước, 'công dân toàn cầu' còn là một khái niệm mới được giới trẻ Việt Nam tìm hiểu và lấy làm ước mơ, khát vọng phấn đấu để đi xa tiến xa. Nhưng hiện nay, với thế hệ gen Z, công dân toàn cầu đã là một điều tất yếu của cuộc đời.
Làng Nủ hồi sinh sau lũ quét, nụ cười đã tìm về, dịu lại những gương mặt khổ đau 28/01/2025 Sau hơn một tháng dọn vào khu tái định cư, cuộc sống của những hộ dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang dần ổn định. Họ đang chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên trong ngôi làng mới.
Tin tức thế giới 28-1: Nvidia mất gần 600 tỉ USD; Colombia điều máy bay nhận người bị Mỹ trục xuất DUY LINH 28/01/2025 Loạt dự án nhân đạo tại Ukraine điêu đứng khi Mỹ dừng viện trợ; Ấn Độ và Trung Quốc nối lại đường bay sau 5 năm cắt đứt.
Ông Trump hạ gục nhanh Colombia bằng bài trừng phạt: Thông điệp mạnh cho thế giới DUY LINH 27/01/2025 Ông Trump dường như muốn thông qua Colombia để gởi lời cảnh báo tới các quốc gia khác về cách chính quyền ông sẽ làm để đạt được mục tiêu và lợi ích cho nước Mỹ.