Phóng to |
- Một đề văn tốt, xét về tư tưởng, ngoài ý nghĩa giáo dục cần ưu tiên cho các vấn đề gần gũi, thiết thực và giàu ý nghĩa đối với thí sinh.
Trong cuộc sống hiện đại có rất nhiều vấn đề như thế. Chỉ cần chọn được một trong những vấn đề được xem là “nóng”, là gần gũi, đang được giới trẻ quan tâm là được rồi. Câu chuyện về kẻ cơ hội chạy theo thành tích bằng mọi giá, bất chấp sự giả dối để đạt mục đích... là vấn đề đang diễn ra hằng ngày, rất gần với các thí sinh và đáng để các em suy nghĩ, bày tỏ thái độ.
Câu chuyện về thần tượng cũng là vấn đề gần với giới trẻ. Bằng chứng là đã có nhiều sự phản ứng mạnh mẽ, thậm chí thái quá, của các bạn trẻ sau kỳ thi.
* Không ít người trẻ đã bày tỏ sự “phẫn nộ” đối với... đề thi vì cho rằng các em biết thừa đáp án hướng đến phê phán sự mê muội thần tượng, nếu làm bài theo đáp án này để tính điểm tức là phản bội thần tượng. Có em chọn cách bỏ bài thi để bảo vệ tình yêu thần tượng đến cùng. Đề thi như vậy có ổn không?
- Hiệu ứng từ các bạn trẻ với đề thi có thể coi chính là thành công của đề thi. Rõ ràng vấn đề thần tượng gần gũi, quen thuộc và lâu nay dường như chẳng có vấn đề gì. Chỉ khi đề thi xuất hiện, lập tức có những phản ứng khác chiều, được các bạn trẻ quan tâm và muốn bày tỏ thái độ. Có những suy nghĩ lành mạnh, chừng mực, cũng có suy nghĩ thái quá, tiêu cực. Có bạn trẻ phản đối đề thi nhưng có người ủng hộ. Đó là chuyện bình thường, là dấu hiệu tốt để chúng ta cùng nhìn nhận về “vấn đề thần tượng” trong giới trẻ. Từ đó có những tác động khác nhau nhằm giáo dục thị hiếu lành mạnh cho các em.
Nếu không có đề thi như vậy, nhiều người trong chúng ta cũng không thể biết có một bộ phận giới trẻ suy nghĩ cực đoan, lệch lạc trong việc lựa chọn thần tượng.
* Phải chăng thời nay có quá ít những thần tượng về nhân cách sống, nỗ lực trong học tập, nghiên cứu, lao động, về đức hi sinh khiến giới trẻ chỉ chạy theo những thần tượng trong giới showbiz?
- Tôi không nghĩ thế. Thời nào cũng có những tấm gương về lao động, học tập, nghiên cứu khoa học, những tấm gương về sự hi sinh hoặc vượt lên số phận, chiến thắng hoàn cảnh khó khăn. Chỉ có điều trong dòng thác thông tin đang ào ạt xối vào giới trẻ, những tấm gương lặng lẽ lao động, âm thầm cống hiến, hi sinh lại ít được giới truyền thông đề cập.
Trong khi đó, nhất cử nhất động của giới showbiz đều được cập nhật hằng giờ. Một cô diễn viên mang bầu hay một ca sĩ mới sắm ôtô, một cầu thủ mua đồng hồ xịn cho bạn gái đều được thông tin rôm rả trên nhiều trang mạng, hầu như mở ra là thấy ngay những thông tin như thế.
Dường như đã thành quy luật trong cuộc sống hiện nay: cứ ai xuất hiện nhiều trên truyền thông thì người ấy nổi tiếng hơn cả. Trong khi rất nhiều sự nổi tiếng không phải là giá trị đích thực. Việc lệch lạc trong chọn thần tượng của giới trẻ có một phần nguyên nhân từ truyền thông.
Chính truyền thông đã khiến nhiều bạn trẻ chạy theo những người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ. Việc thần tượng một ai đó chính là sự phản chiếu mơ ước, cách nghĩ, cách sống của một người, một thế hệ. Chính vì vậy việc “mê muội thần tượng” khiến chúng ta phải lo ngại về một bộ phận giới trẻ.
Tôi nghĩ cũng có một số bạn trẻ thần tượng GS Ngô Bảo Châu, thần tượng một số nhà khoa học xuất sắc. Nhưng phần đông vẫn là thần tượng các nghệ sĩ và có những biểu hiện cực đoan, thái quá. Có lẽ một phần vì GS Ngô Bảo Châu xuất hiện khá nhiều trên truyền thông, còn nhiều nhà khoa học âm thầm khác không thể xuất hiện trên truyền hình nhiều bằng giới nghệ sĩ...
* Để đề thi thật sự có ý nghĩa, nên chăng trong nhà trường phải có những hoạt động định hướng giới trẻ, những diễn đàn để giới trẻ tranh luận, bày tỏ quan điểm...
- Đúng thế. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, những diễn đàn bổ ích, lồng ghép những vấn đề thực tế cuộc sống vào bài giảng...
Điều này có hai ý nghĩa: Thứ nhất, giúp học sinh hình thành nhân cách, lối sống đúng đắn, có kỹ năng cần thiết ứng xử trong cuộc sống. Thứ hai, chính vốn sống có được qua sinh hoạt sẽ giúp các em làm tốt những đề thi như vừa rồi. Nếu không có sự trải nghiệm, không có cơ hội để bàn luận, suy ngẫm, thí sinh sẽ khó hoàn thành một bài viết sâu sắc, xuất phát từ chính hiểu biết, suy nghĩ của mình. Những vấn đề gần gũi, thiết thực không chỉ nên đưa vào bài giảng, đề thi, đó còn là vấn đề mà đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội, các bậc phụ huynh cần lưu tâm vì mục đích “dạy người”.
* Trong nhà trường, để giúp học sinh tiếp cận và bày tỏ về những điều các em quan tâm, theo ông, thầy cô giáo phải làm gì?
- Đương nhiên giáo viên phải tìm hiểu xem giới trẻ hiện nay quan tâm đến điều gì, mong muốn gì, bế tắc ở đâu... Tôi cho rằng hiện còn có nhiều thầy cô giáo khá chủ quan trong nhận thức về giới trẻ, không hiểu học sinh, không đặt mình vào suy nghĩ, mong muốn của họ mà chỉ áp đặt theo cách của mình. Với kiểu giáo dục đó rất khó thuyết phục được giới trẻ, khó định hướng được các em theo những điều lành mạnh, tốt đẹp.
Ông Trịnh Ngọc Thạch (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): Hồi chuông cảnh báo Việc ra đề thi đã gắn với thực tế, nhưng cũng cần đặt câu hỏi việc dạy học hiện nay đã gắn với thực tế hay chưa? Một đề thi được dư luận đánh giá cao và gửi gắm trong đó mong mỏi “giáo dục hình như đang thay đổi” có thể chỉ là những ý nghĩ viển vông nếu việc dạy học trong nhà trường chưa thật sự gắn với thực tế, chưa có gì thay đổi. Nhà trường hiện đang quá coi trọng việc truyền thụ kiến thức, nội dung học tập khuôn sáo, chưa quan tâm nâng đỡ, trang bị cho các em hành trang vào đời. Không khó để nhận ra môi trường giáo dục phổ biến là lắp ghép các công đoạn: dạy kiến thức, tổ chức thi rồi lấy điểm số để đánh giá học sinh là hết trách nhiệm. Đề thi hay, mới nhưng với cách giáo dục cũ, không chịu chuyển động sẽ chỉ càng làm các em lúng túng, loay hoay lo viết cái mình nghĩ nhưng không đúng với đáp án, còn cố viết giống với đáp án thì lại không nói thật, nói hết được tâm tư của mình. Tôi rất tâm đắc với triết lý giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại: “Muốn dạy trẻ con, phải theo trẻ con”. Nghĩa là phải hòa vào với cảm xúc của trẻ, xem các em đang tha thiết, mong mỏi những gì, lo lắng, bất an vì cái gì. Cũng như một đứa trẻ trong gia đình, bố mẹ cứ khăng khăng dạy nó phải theo mình chắc chắn sẽ thất bại. Phản ứng của giới trẻ trước đề thi, sẵn sàng từ bỏ công lao đèn sách, không làm bài thi để bảo vệ thần tượng, rồi thậm chí đâu đó còn có thông tin thí sinh viết thư đòi Bộ GD-ĐT xin lỗi, đây chính là hồi chuông báo động với nền giáo dục. Phản ứng cực đoan của những người trẻ được gọi bằng cái tên “fan cuồng” thật ra cũng là hệ quả của việc nhà trường chưa trang bị cho các em bản lĩnh ứng xử, sự cân nhắc trong chọn lựa khi đứng trước những vấn đề mà có vẻ như các em buộc phải lựa chọn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận