Nhận lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp nhà nước Việt Nam trong hai ngày 19 và 20-6. Đây là lần thứ năm ông đến Việt Nam trên cương vị nguyên thủ quốc gia.
Những thông điệp qua chuyến thăm của Tổng thống Putin
Trả lời báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng thống Putin "có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm lên trong tình hình mới".
Đây không chỉ là "một sự kiện ngoại giao quan trọng" mà còn thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga đối với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
"Đồng thời chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới", đại sứ Việt Nam tại Nga khẳng định.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030.
Hai bên sẽ xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân.
Sẽ có một số thỏa thuận hợp tác mới được ký kết, mang lại lợi ích kinh tế cũng như củng cố sự gắn kết về mặt chính trị và chiến lược giữa hai nước.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nga "càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".
"Việc Tổng thống Putin thăm Việt Nam còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Đây là một biểu hiện rõ ràng của tình hữu nghị và sự đoàn kết, qua đó góp phần nâng cao vị thế của cả hai nước trên trường quốc tế, vì lợi ích chung của cả hai dân tộc và vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới", ông Đặng Minh Khôi nhận xét.
Nhìn lại quá khứ và hướng đến 75 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ, ông Đặng Minh Khôi nhận xét mặc dù có những thay đổi về thể chế chính trị, hai nước luôn coi nhau là đối tác, bạn bè quan trọng và hàng đầu.
Hai nước đã từng bước đưa quan hệ song phương lên các cấp từ Đối tác chiến lược năm 2001 đến Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.
Trong thời gian đó, quan hệ chính trị hai nước đã đạt độ tin cậy cao, với việc trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt cấp cao thường xuyên. Hợp tác kinh tế - thương mại phát triển tích cực, có những giai đoạn kim ngạch song phương mỗi năm tăng từ 10 - 15% năm.
Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí.
Hai bên đã hợp tác tốt và hiệu quả trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam mà cả ở lãnh thổ Nga với các dự án lớn. Ngoài liên doanh Vietsovpetro trong hợp tác dầu khí, đã có thêm những liên doanh khác đang hoạt động tích cực ở cả hai nước.
Cùng tháo gỡ khó khăn trong thương mại
Sau khi Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu gồm Nga ký hiệp định thương mại tự do năm 2015, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước có được nhiều thuận lợi.
Giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, Việt Nam và Nga cũng từng bước nối lại hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác bị gián đoạn.
Tuy nhiên từ sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, theo Đại sứ Đặng Minh Khôi.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt và cấm vận của phương Tây, Nga tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao và trở thành nền kinh tế đứng thứ tư thế giới theo sức mua.
Cùng với sự nỗ lực chung của các cơ quan chức năng và của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, các khó khăn về vận tải, thanh toán… từng bước được tháo gỡ, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đã có sự hồi phục rõ rệt.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt hơn 3,6 tỉ USD, tăng 3,6% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt xấp xỉ 2 tỉ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ đầu năm 2024, hai bên đã mở lại tuyến bay thẳng giữa Matxcơva và thành phố Hồ Chí Minh với tần suất ba chuyến/tuần. Hai nước cũng nới lỏng chính sách visa, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên hồi phục và thúc đẩy hợp tác du lịch - thương mại.
"Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành tại Nga và Việt Nam tìm hiểu thị trường, tìm khách hàng, thiết lập quan hệ kinh doanh - đầu tư", Đại sứ Đặng Minh Khôi kêu gọi.
Giao lưu nhân dân, văn hóa làm bền chặt tình hữu nghị Việt Nam - Nga
Ngoài kinh tế và thương mại, hợp tác song phương trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, địa phương ngày càng được mở rộng. Trong đó hợp tác khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo giữa hai nước được đẩy mạnh và nâng lên tầm chiến lược.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhận định yếu tố văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố, làm bền chặt hơn tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nga.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhận định để "giữ lửa" tình hữu nghị Việt Nam - Nga, việc thúc đẩy giao lưu nhân dân là vô cùng cần thiết.
Ông đề xuất cần đẩy mạnh các chương trình trao đổi và giao lưu văn hóa, các hoạt động giao lưu giữa các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước.
Với nền tảng quan hệ hết sức tốt đẹp giữa hai nước, ông Đặng Minh Khôi tin tưởng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Putin "sẽ mang đến một động lực mới để hai nước ngày càng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn, cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận