Người dân ăn uống, mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Số ca nhiễm COVID-19, theo báo cáo của Bộ Y tế, liên tục giảm trong nhiều ngày gần đây. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia dịch tễ, con số này chỉ là số liệu thống kê được, còn nhiều người dân hiện không khai báo. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang có kế hoạch chuyển sang thực hiện V2K thay vì 5K để phòng dịch.
V2K là gì và nếu thực hiện V2K thì có cần phải bắt buộc khẩu trang như trước đây?
V2K sao cho phù hợp với "bình thường mới"?
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện bộ đang lấy ý kiến dự thảo về việc thay đổi khuyến cáo 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) bằng khuyến cáo V2K (vắc xin, khử khuẩn, khẩu trang).
Theo ông Nguyễn Huy Nga - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc áp dụng khuyến cáo V2K sẽ phù hợp với bối cảnh của dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Ông Nga cho rằng việc khử khuẩn và đeo khẩu trang không chỉ giúp phòng chống COVID-19 mà còn phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác, bởi vậy việc duy trì 2K là phù hợp. Bên cạnh đó, tỉ lệ người dân đã tiêm vắc xin rất cao.
Tuy nhiên, ông Nga cho rằng việc đeo khẩu trang có thể giảm thiểu, chỉ nên quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng và phòng kín có tập trung đông người, không rõ yếu tố dịch tễ.
"Không cần thiết phải đeo khẩu trang khi tập thể dục, đi bộ, khi không tiếp xúc với người khác. Bên cạnh đó, chúng ta nên giảm thiểu khẩu trang y tế sử dụng hằng ngày với người dân. Thay vào đó có thể sử dụng khẩu trang vải để bảo vệ môi trường" - ông Nga nói.
Một chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm cũng bày tỏ quan điểm về khuyến cáo V2K. Vị này cho hay: "Bộ Y tế cần xem xét, đánh giá rõ việc sử dụng vắc xin có hiệu quả trong bao lâu, khuyến cáo cần tiêm bao nhiêu mũi vắc xin.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng nên có những điều chỉnh trong các văn bản quy định phòng chống dịch đã không còn phù hợp. Ví dụ như việc xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng hay xử phạt F0 không khai báo làm lây nhiễm cộng đồng".
Người nhiễm COVID-19 không khai báo, phải làm gì?
Tại Hà Nội, những ngày qua số ca mắc COVID-19 mới liên tục giảm. Theo báo cáo của CDC Hà Nội, ngày 8-6 ghi nhận 187 ca mắc mới và là ngày thứ 2 có số mắc giảm dưới 200 ca trong tuần, con số này chỉ bằng 1/90 hồi cao điểm dịch (tháng 3-2022).
Mặc dù số ca nhiễm thống kê đã giảm, nhưng con số này liệu đã phản ảnh đúng tình hình dịch bệnh khi nhiều người dân "quên" khai báo? Anh H. (trú quận Hà Đông, Hà Nội) có biểu hiện mắc COVID-19, qua xét nghiệm test nhanh xác định dương tính COVID-19 từ ngày 1-6. Tuy nhiên, thay vì báo với cơ sở y tế, anh H. về quê tự cách ly cho đến khi khỏi bệnh.
Anh H. cho biết anh làm việc tự do nên việc khai báo mắc COVID-19 "không để làm gì". "Tôi vẫn đảm bảo tự cách ly để không lây cho mọi người. Còn việc khai báo thì thấy không cần thiết", anh H. nói.
Trạm trưởng một trạm y tế tại Hà Nội cho biết hiện một số người dân không khai báo khi mắc COVID-19, chỉ có trường hợp người mắc là cán bộ, công nhân viên cần xin các giấy tờ để nghỉ ốm đau mới khai báo. Số ca mắc trong cộng đồng vì vậy khó kiểm soát và thống kê chính xác.
"Tình trạng này xảy ra khi dịch tại Hà Nội căng thẳng chứ không phải bây giờ mới có. Hiện người dân có tâm lý chủ quan do đã tiêm vắc xin và mắc COVID-19 với những triệu chứng nhẹ", vị này thông tin thêm.
Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cao, người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Người dân cũng chủ quan hơn nên việc khai báo không còn chặt chẽ như trước.
"Chúng ta vẫn vận động người dân khai báo để theo dõi, thống kê dịch tễ để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Điều quan trọng là người mắc COVID-19 phải cách ly, đảm bảo các biện pháp phòng chống để tránh lây lan cho người khác, đặc biệt là không lây nhiễm cho những người già, có bệnh nền và người chưa tiêm vắc xin", ông Phu nhận định.
Liệu dịch COVID-19 có bùng phát trở lại?
ThS Bùi Vũ Bình - trưởng khoa nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đánh giá dịch COVID-19 khó có thể bùng phát trở lại như thời điểm trước đó.
Ông Bình cho rằng: "Tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 tại nước ta rất cao, việc lây lan trong cộng đồng đã xuống thấp. Những người mắc COVID-19 gần như bị "cô lập", khó có thể lây chéo với tốc độ như trước đây. Những người mắc COVID-19 hiện nay bị "mắc kẹt" giữa những người đã từng nhiễm COVID-19 (vẫn còn kháng thể phòng bệnh) và những người đã tiêm chủng vắc xin (bổ sung kháng thể phòng bệnh). Bởi vậy, việc lây lan dịch bệnh đã được hạn chế, những số liệu ca nhiễm giảm cho thấy điều này".
Đồng quan điểm với ông Bình, ông Trần Đắc Phu cũng cho rằng trong bối cảnh hiện tại dịch COVID-19 khó có thể bùng phát, gây tử vong nhiều như thời điểm trước đó. Tuy nhiên, cần theo dõi sát diễn biến của dịch COVID-19 trên thế giới để có những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận