Phóng to |
Nghi lễ đánh trống trong lễ giỗ tổ sân khấu - Ảnh: H.Duẩn |
Tổ của nghề hát tuồng được thờ là hai vị hoàng tử, không rõ đời nào. Chỉ biết theo truyền thuyết thì hai vị con vua này vì quá mê tuồng mà trốn vua đi xem hát, không ngờ bị nạn mà chết. Những người theo nghề hát vì cảm mến hai vị hoàng tử nên thờ cúng họ thành tổ nghề mình.
NSND Ðinh Bằng Phi lý giải chuyện này ba phần thực bảy phần hư. Bởi lẽ nghề hát rất trọng thầy, không ai chịu tôn thầy người khác lên làm tổ. Cho nên mới có chuyện tôn hai vị hoàng tử nào đó lên làm tổ để trăm người đều phục, không ai so đo ý kiến gì. Trong những gánh hát xưa, hai vị tổ được tạc bằng gỗ vông nên con hát cấm đi guốc bằng gỗ vông. Người ta cũng kỵ tạc tổ bằng gỗ thị, hoặc ai đó đem trái thị đi qua bàn thờ tổ. Người gánh hát tin rằng hai vị tổ còn thiếu niên, nghe trái thị thơm sẽ bỏ gánh mà ra ngoài chơi. Lúc đó gánh hát sẽ bị tai nạn, nội bộ lục đục, đêm diễn không ưng ý...
Từ hát bội cho đến cải lương, kịch nói, rối, xiếc... sau này đều thờ tổ. NSƯT Hữu Châu cho biết có những người theo nghề hát cả đời cũng có thể rước tổ về nhà thờ, nhưng thông thường những người làm bầu mới được thờ tổ ở nhà. Tổ của hát bội là tượng hai vị hoàng tử bằng gỗ, còn tổ của cải lương là chiếc khánh cũng bằng gỗ. Nếu vì lâu ngày mà tượng tổ hay khánh tổ bị hư mục thì người giữ sẽ đưa tổ vào đình hoặc chùa xin gửi ở đó, tuyệt nhiên không xử lý khác.
Tín ngưỡng tổ nghề của những người làm nghề biểu diễn rất mạnh. Những người làm nghề lâu năm thường truyền nhau câu chuyện về những người vì phản tổ, hỗn với tổ... mà bị tổ hành, tổ đày đọa cuộc đời thành kẻ ăn mày. Một sân khấu ở TP.HCM từng xảy ra một chuyện rất ầm ĩ chỉ vì cô đào trẻ mới về cậy thế thân đạo diễn mà quên ý tứ, ăn mặc hở hang đi qua đi lại trước bàn thờ tổ. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ làm những người trong nhà hát xốn mắt, lên án cô đào, hậu quả là cô đào hớ hênh này không còn đất diễn ở sân khấu đó nữa.
Tín ngưỡng tổ của sân khấu còn đi vào văn học với truyện ngắn Bàn thờ tổ của một cô đào của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, sau đó được chuyển thể thành kịch bản cải lương. Chuyện kể về một anh hậu đài giúp cô đào đu bay phi thân hằng đêm, nhưng một khoảnh khắc quên mình vì tiết mục đó mà anh bị tai nạn qua đời. Từ đó bên bàn thờ tổ của cô đào chánh luôn thờ cúng anh hậu đài kia. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể: "Chuyện này là chuyện có thật ở một gánh hát trước đây. Nghệ sĩ Ba Xây là người kể cho tôi nghe câu chuyện này. Lúc đầu nghe kể như một câu chuyện chơi chơi thôi, không có ý định viết lách gì. Nhưng về sau tôi nghiệm nhiều chuyện nữa mới thấy là có người ngã xuống thì mới có người bay lên của ngày hôm nay, thế nên tôi viết ra".
"Nghề này lạ lắm! Một vai diễn thành công trên sân khấu chưa hẳn do người diễn hay hoặc tài năng vượt trội gì. Có khi do tổ cả!", suy nghĩ đó của diễn viên Quang Thảo cũng là niềm tin của nhiều người nghệ sĩ. Niềm tin vào tổ nghề của người làm sân khấu không phải sùng bái dị đoan mà là một tín ngưỡng tâm linh. Nó giúp những nghệ sĩ từ trẻ tới già vẫn giữ gìn và điều chỉnh đạo đức làm nghề của họ.
Hôm nay, ngày 26-9 (nhằm 11-8 âm lịch), sân khấu bắt đầu giỗ tổ!
Giỗ tổ sân khấu trong ba ngày Sân khấu TP.HCM tổ chức giỗ tổ trong ba ngày 26, 27 và 28-9 (nhằm 11, 12 và 13-8 âm lịch). Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM, Ðoàn nghệ thuật Múa rối TP.HCM và Ðoàn Xiếc TP.HCM cúng tổ từ ngày 26-9. Riêng Ðoàn 3 của Nhà hát Trần Hữu Trang (tức nhóm Thắp sáng niềm tin trước đây) tổ chức họp mặt giao lưu mang tên Tri ân khán giả vào tối 26-9 tại rạp Thủ Ðô và cúng tổ vào sáng 27-9. Ðúng ngày 27-9, nhóm Ðồng ấu Bạch Long và Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM cũng lần lượt tổ chức cúng tổ. Trong khi đó, nhóm hát của nghệ sĩ Vũ Luân phối hợp với báo Sân Khấu tổ chức cúng tổ trong ba ngày 26, 27 và 28-9 tại trụ sở của báo. Trong hai ngày 26 và 27-9, lễ cúng giỗ tổ cũng được tổ chức ở các sân khấu: Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Nụ Cười Mới, Nhà hát Kịch thành phố, IDECAF, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ. Trong lễ giỗ tổ năm nay, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ cũng sẽ ra mắt câu lạc bộ diễn viên trẻ mà nhà hát vừa thành lập. L.ÐOAN - Q.THI |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận