Nếu bạn không rửa sạch tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đi tàu xe, vô bệnh viện hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, mà lại cầm đồ ăn đưa vô miệng, thì bạn đã “giúp” vi khuẩn lọt qua bộ khẩu dễ dàng. Các cụ bảo “bệnh từ miệng mà vào”...
Tay ta đưa bệnh vào người
Các nhà vi trùng học tìm thấy khoảng 700 loại vi khuẩn cư ngụ trong miệng. Khi bạn uống nước không sạch hoặc ăn những thức ăn nhiễm khuẩn vào, thì một loại có sẵn trong miệng tên là fusobacterium nucleatum như một kẻ “gác cửa mạch máu”, bèn mở cửa ra cho vi khuẩn Escherichia coli chui vô dễ dàng mà gây tiêu chảy cấp.
Những loại khác như cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay-chân-miệng, trực khuẩn gây bệnh phong, rồi Helicobacter pylori gây viêm dạ dày đều được “thông quan” nhờ đôi bàn tay chúng ta… Có người kêu taxi, để tay trên nệm xe, về quên rửa tay lại cầm bánh, kẹo bỏ vô miệng. Vài tuần sau thấy bị cảm lại “không hiểu sao mình bị bệnh”.
Điều tra dịch tễ cho thấy: Có tới 84-88% dân số không rửa tay với xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh. 74% bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi không rửa tay xà phòng trước khi cho con ăn uống. Trong 100 người trưởng thành (tuổi 15-60), chỉ 1,5 người rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh. Học sinh được hướng dẫn rửa tay từ lớp mẫu giáo nhưng chỉ có gần 53% rửa tay với xà phòng sau đại tiện. Đặc biệt, tỉ lệ người rửa tay sau khi chơi với vật nuôi, dọn dẹp chuồng trại gia cầm, gia súc, dọn dẹp nhà cửa, đổ rác... vẫn còn rất khiêm tốn. Bàn tay đã “giúp” các vi khuẩn lọt vào cơ thể chúng ta dễ dàng như vậy.
Rửa tay đúng cách, hơn đúng loại xà bông
Rửa tay với xà phòng thông thường đã có thể giết chết một số vi khuẩn, nhờ phá hủy các màng tế bào của chúng khiến chúng không còn khả năng gây và lây bệnh, nhưng với điều kiện phải rửa đúng cách. Bạn dùng xà phòng bánh chà lên mu và lòng bàn tay hoặc 3-5ml nước xà phòng, thoa kỹ, đều từ đầu, kẽ ngón và cả móng tay, rửa hết xà phòng dưới dòng nước chảy, sau đó lau khô bằng khăn sạch hoặc giấy thấm. Thời gian rửa tay chỉ mất chừng 30 giây. Tổ chức Y tế thế giới công bố rằng: Rửa tay đúng như vậy giảm 35% lượng bệnh nhân tiêu chảy. Ai đã từng tiêu chảy đều “thấm đòn”, vậy thì hãy tạo ra thói quen rửa tay, một việc hoàn toàn có thể thực hiện được.
Mẩu quảng cáo “xà bông diệt khuẩn” với hình ảnh “trẻ chơi ở chỗ lầy lội chỉ cần xà bông diệt khuẩn tắm, rửa tay là khỏi lo”, khiến nhiều bà mẹ chủ quan. Họ để cục xà bông trong nhà tắm rồi bảo trẻ rửa tay, chúng rửa qua quýt cho xong chuyện. Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng nếu không được chỉ dẫn cẩn thận lại lạm dụng xà bông diệt khuẩn như thế, kết quả là vi khuẩn không “diệt” được lại sinh ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Nước rửa tay khô: vẫn là dùng đúng cách!
Nhiều nhà sản xuất quảng cáo nước rửa tay khô, dạng gel, với tác dụng diệt tới 99,9% vi khuẩn mà không cần xà bông. Thực chất, nước rửa tay khô bao gồm cồn, tinh dầu và có thể chứa triclosan (bên Mỹ gọi là thuốc rửa tay - hand sanitizers). Người Mỹ tiêu tốn hàng đống tiền cho thứ “thuốc rửa tay” này. Đến nay họ bắt đầu đánh giá lại và cho rằng: không phải “thuốc rửa tay” tiêu diệt được 99,9% vi khuẩn như kỳ vọng, và nhiều người quay trở lại với xà bông rửa tay.
Gọi là nước rửa tay khô đạt yêu cầu khi nó chứa từ 60% lượng cồn 70 độ trở lên. Trước khi sử dụng phải làm sạch tay, lấy hết bụi bẩn rồi mới trải đều nước rửa tay khô lên mu và lòng bàn tay, các ngón, cồn là chất dễ bay hơi nên tự làm khô. Loại này sẽ tiện dùng khi không có các chất bẩn hữu cơ trên tay mà thôi. Vì thế nước sạch, xà bông và rửa tay thường xuyên vẫn là cách bảo vệ cơ thể hữu hiệu nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận