01/11/2024 14:19 GMT+7

Chuyển quốc lộ sang đường đô thị: Cơ hội và thách thức nào?

Chuyển từ quốc lộ sang đường đô thị là một tất yếu mang tính quy luật do quá trình đô thị hóa và sự thay đổi mạnh mẽ của ngành giao thông. Tất nhiên cơ hội và thách thức luôn song song.

Chuyển quốc lộ sang đường đô thị: Cơ hội và thách thức nào? - Ảnh 1.

Kẹt xe - ngập nước trên quốc lộ 13, đoạn qua TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, điều chỉnh phân loại đường từ quốc lộ thành đường đô thị đối với tuyến quốc lộ 13 (đoạn từ đường Nguyễn Xí đến ngã tư Bình Phước) và quốc lộ 50 (đoạn từ cầu Nhị Thiên Đường đến đường Nguyễn Văn Linh).

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc xem xét điều chỉnh phân loại đường từ quốc lộ thành đường đô thị và đặt tên đường đô thị đối với các đoạn tuyến này là cần thiết.

TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - đã gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết góp thêm góc nhìn về vấn đề này.

Những cơ hội nào?

Theo quy định, đường bộ theo cấp quản lý bao gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn, đường đô thị, đường chuyên dùng.

Đường địa phương bao gồm: đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý đường tỉnh, quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt, quy định việc quản lý đường đô thị.

Quốc lộ là đường nối liền thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền các trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội... của vùng, khu vực.

Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị, bao gồm: đường cao tốc đô thị, đường phố, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị.

Về bản chất, đường đô thị được thiết kế để di chuyển tại các khu vực đô thị địa phương và tốc độ thấp.

Trong khi đó, quốc lộ được thiết kế để di chuyển hiệu quả trên đường dài qua nhiều tỉnh với tốc độ cao hơn và hạn chế tiếp cận.

Chuyển từ quốc lộ sang đường đô thị là một tất yếu mang tính quy luật do quá trình đô thị hóa và sự thay đổi mạnh mẽ của ngành giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bền vững môi trường.

Từ đây nhiều cơ hội được mở ra.

Đó là cơ hội cho đầu tư, quản lý khai thác sử dụng, tu bổ bảo trì. Bố trí phân bổ ngân sách địa phương dễ chủ động và kịp thời hơn, huy động các nguồn lực xã hội hóa như đối tác công - tư, đất đai, nguồn vốn...

Tổ chức thực hiện nhanh hơn. Khai thác hiệu quả và bảo trì đúng lúc đúng mức.

Cơ hội cho đi lại, việc làm, tiếp cận các hoạt động dịch vụ nhanh chóng. Quốc lộ di chuyển nhanh nhưng đường đô thị thì tiếp cận dễ dàng.

Chuyển quốc lộ sang đường phố thúc đẩy việc mua bán hàng quán nhộn nhịp, các khu nhà ở đô thị và trung tâm thương mại mọc lên hai bên. Giá và hoạt động bất động sản tăng cao.

Dễ mở rộng đô thị, phát triển các thành phố vệ tinh hay vực dậy đời sống các vùng ven đô. Phát huy chức năng các đường vành đai.

Mở rộng hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng và giao thông thân thiện môi trường. Đồng thời giảm các tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Mong sớm có hai trục đường đô thị xứng tầm

Tất nhiên cơ hội và thách thức luôn song song.

Thách thức đầu tiên là đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông từ đường trục, đường gom, hẻm phố, đến giao lộ, đèn tín hiệu.

Ngoài hạ tầng giao thông còn phải hoàn chỉnh các hạ tầng kỹ thuật khác như cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, rác thải. Kinh phí, thời gian và cả vấn đề nhân lực.

Phải có quy hoạch phân khu, thiết kế đô thị và quản lý xây dựng thật tốt. Nếu không lại trở thành các khu đô thị tự phát phát triển lộn xộn, khập khiễng.

Lên đô thị hiện đại phải lường các tác động xấu kéo theo như kẹt xe, ngập nước...

Tuy nhiên việc chuyển từ quốc lộ sang đường đô thị bao giờ cũng có nhiều cái lợi và tích cực hơn cho đô thị và đời sống người dân, nhìn từ bài học các quốc lộ đã chuyển trước đây.

Ở các nước, hệ thống mạng lưới đường bộ bao giờ cũng phân chia sắp xếp theo tầng bậc để quản lý khai thác khoa học hiệu quả. Có đường quốc gia, đường địa phương. Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện. Đường đô thị, đường nông thôn. Đường cao tốc, đường chuyên dụng.

Trong đô thị lại còn cao tốc, đường trục, đường gom, đường phố. Tất cả như một mạch máu lưu thông tuần hoàn, có chức năng mục tiêu riêng nhưng hỗ trợ lẫn nhau.

Theo lịch sử và nhu cầu phát triển, quốc lộ trở thành đường địa phương, quốc lộ đi qua đô thị gặp vành đai trở thành đường đô thị chạy tránh ra ngoài là chuyện hết sức bình thường.

Không chỉ đường bộ, cả sân bay, bến cảng ban đầu nằm ở ngoại ô sau lọt thỏm vào trung tâm lúc nào không biết.

Hình thái đô thị định hình mạng lưới giao thông, đến lượt giao thông đô thị khi phát triển lại định hình tương lai thành phố.

Mong TP.HCM sớm có hai trục đường đô thị xứng tầm.

Cải tạo đường cao tốc thành đường đô thị thân thiện

Tại Mỹ, hệ thống đường cao tốc phủ khắp liên bang và từng tiểu bang từ những năm 1950 và theo đuổi mô hình phát triển về ngoại ô.

Đến nay hệ thống cao tốc xuống cấp. Các địa phương có xu hướng cải tạo thành các đường đô thị thân thiện với môi trường, quảng trường công viên, đi bộ, đi xe đạp.

Chuyển từ đường quốc lộ sang đường đô thị: cơ hội và thách thức - Ảnh 2.Để kẹt xe, ngập nước không còn là 'đặc sản' của thành phố

Mùa mưa đến, tình trạng ngập nước, kẹt xe được người dân ví là "đặc sản" của hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Cách nào để giải quyết thực trạng này trong trước mắt và lâu dài?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên