TTCT - Một trong những điểm oái oăm dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng, triền miên trong các bệnh viện (BV) lâu nay, chính là do các quy định rất có "vấn đề". Bệnh nhân và người nhà nằm ngồi la liệt tại một góc cầu thang khoa phẫu thuật, Bệnh viện Ung Bướu, TP.HCM. -Ảnh: Hữu Khoa - Đồ họa: L.T. Tại BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), nhiều năm nay bệnh nhân vẫn phải nằm ở các hành lang, cầu thang của BV. Ghi nhận một ngày cuối tuần mới đây tại phòng 308, khoa hô hấp 1, người lớn và trẻ em cùng ngồi kín trên giường bệnh. Sàn phòng bệnh trải chiếu chật kín để các bệnh nhi có thể nằm. Tiếng trẻ em quấy khóc, người lớn trò chuyện... khiến phòng bệnh ngột ngạt, nặng nề. “Một giường bệnh phải nằm ghép 3-4 bé, mỗi bé có một đến vài người nhà đi theo nên phòng bệnh đã quá tải về bệnh nhi, giờ thêm quá tải về thân nhân, lúc nào cũng đầy ắp người thế này” - một bà mẹ trẻ ngụ ở Q.Tân Bình đang chăm sóc con mắc bệnh viêm phổi tại đây nói. Nội trú mới được thanh toán bảo hiểm Ông Dương Đức Hùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết qua nhiều nỗ lực giảm tải, hiện tỉ lệ nằm ghép tại BV đã giảm 30% so với ba năm trước. Dù vậy, BV này có 3.400 giường bệnh nhưng thường xuyên có đến 4.000 bệnh nhân. Tình hình quá tải diễn ra ở những khoa đặc thù: tim mạch, thần kinh, ung bướu chưa biết khi nào mới có thể khắc phục. Nhưng ông Hùng biết rõ những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng quá tải ở các khoa này. Ở khoa tim mạch là vướng mắc trong quy định của bảo hiểm trong việc chỉ chi trả các loại vật tư kỹ thuật cao, đắt tiền với bệnh nhân nội trú. Để được thanh toán những loại vật tư kỹ thuật cao này buộc phải cho bệnh nhân nằm nội trú, trong khi thực sự tình trạng của bệnh nhân không đến mức phải nằm nội trú, từ đó dẫn đến quá tải. “Có những bệnh nhân có chỉ định phải chụp mạch vành, đặt stent nhưng không đến mức phải nằm nội trú, có thể làm hồ sơ bệnh án sau đó hẹn ngày giờ đến thực hiện. Vấn đề là bảo hiểm không cho phép chi trả cho những trường hợp như vậy nên bắt buộc phải đưa bệnh nhân vào nằm nội trú” - ông Hùng ví dụ. Còn ở khoa thần kinh, khó khăn nằm ở tình trạng bí đầu ra, khi tuyến dưới chuyển bệnh nhân nặng lên nhưng không nhận lại bệnh nhân sau khi đã điều trị ổn định. “Có những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, xuất huyết não, tắc mạch máu não... điều trị đã ổn định, sau này chủ yếu là chăm sóc phục hồi chức năng, tuyến nào cũng làm được nhưng hầu như tuyến dưới không nhận lại những bệnh nhân này vì sợ điều trị lâu dài, tốn kém... Chúng tôi buộc phải để những bệnh nhân như vậy ở lại điều trị nội trú, gây ra tình trạng quá tải nhưng không thể giải quyết vì không có đầu ra, không biết chuyển bệnh nhân đi đâu” - ông Hùng nói. Theo ông Hùng, giải pháp cho vấn đề này là công tác chỉ đạo tuyến phải có sàng lọc bệnh nhân và cam kết của tuyến dưới sẽ đón nhận bệnh nhân sau khi đã được điều trị ổn định. BV Bạch Mai có hệ thống thiết bị y khoa tiên tiến, nên bệnh nhân càng đổ về nhiều. “Ngay Trung tâm y học hạt nhân và điều trị ung bướu (BV Bạch Mai) do có nhiều thiết bị như dao Gamma, máy chụp PET... nên bệnh nhân càng đổ về đông” - một lãnh đạo BV Bạch Mai cho biết. Ông Hùng cũng cho biết BV đã nỗ lực giảm tải bằng cách liên lạc với các BV tuyến dưới, chuyển bớt bệnh nhân đã qua giai đoạn cấp cứu về tuyến dưới theo dõi. “Gần đây chúng tôi liên lạc với BV Thanh Nhàn (Hà Nội). Bàn mãi, BV Thanh Nhàn mới nhận ba bệnh nhân vì dưới đó cũng đông bệnh nhân rồi, nhưng con của một trong số ba bệnh nhân dọa nếu chuyển bố anh ta thì anh ta sẽ... chém bác sĩ” - ông Hùng kể. Tương tự, tại BV Ung bướu TP.HCM có thể chuyển bệnh nhân đã điều trị ổn định về các BV tuyến dưới có khả năng điều trị tiếp cho bệnh nhân. Tuy nhiên, số bệnh nhân được chuyển về tuyến tỉnh điều trị khá ít do bệnh nhân không đồng ý. Theo lãnh đạo một BV, một nguyên nhân khác của sự quá tải là từ chính sách của bảo hiểm khi quy định phân loại thuốc theo tuyến BV. Cùng một loại bệnh nhưng điều trị tại BV ở tuyến khác nhau, cấp thuốc khác nhau với chất lượng khác nhau. Điều này khiến cho nhiều người bệnh tự ý chuyển tuyến lên BV tuyến trên, mong nhận được thuốc có chất lượng tốt hơn, đội ngũ y bác sĩ có trình độ tay nghề cao, thay vì thuốc ít tiền, hiệu quả điều trị không cao và phải bỏ tiền mua thuốc đắt nếu muốn điều trị hiệu quả ở tuyến dưới. Vấn đề tương tự cũng xảy ra tại Trung tâm y học hạt nhân và điều trị ung bướu, khi quy định “cứng” của bảo hiểm chỉ chi trả nhiều loại thuốc tốt, giá thành cao với bệnh nhân điều trị nội trú. “Với những trường hợp nặng, vừa mổ xong thì dĩ nhiên phải đưa bệnh nhân vào nội trú, nhưng có những bệnh nhân ổn định, có thể điều trị theo hình thức chỉ ở BV ban ngày, không nhất thiết phải nội trú nhưng lại không được bảo hiểm chi trả nên buộc phải đưa tất cả các bệnh nhân như vậy vào nội trú gây nên tình trạng quá tải” - vị lãnh đạo trên cho biết. “Hiện thời chúng tôi vẫn đang làm trái luật nhưng không thể làm gì khác, khi phải cho nhiều bệnh nhân nội trú ổn định đi trọ bên ngoài, đến giờ tiêm truyền trở lại phòng để nhường giường cho những bệnh nhân nặng. Chúng tôi vô cùng lo lắng khi để bệnh nhân này ra ngoài trọ như vậy. Nếu xảy ra bất kỳ vấn đề gì, chúng tôi phải chịu trách nhiệm vì họ vẫn là bệnh nhân nội trú, nhưng nếu buộc tất cả bệnh nhân phải ở tại phòng thì không thể hình dung khi số bệnh nhân gấp 10 lần số giường. Vì vậy giải pháp ở đây là chính sách bảo hiểm phải thay đổi, mở rộng đối tượng chi trả cho cả bệnh nhân điều trị ban ngày. Họ nằm hết bao nhiêu giờ thì trả bấy nhiêu tiền, thuốc men phải phát hết cho họ thì sẽ giảm tải” - ông Hùng nói. Đã có rất nhiều giải pháp để giảm quá tải được thực thi, như BV K bắt đầu khám từ 6h sáng. Mà muốn khám từ 6h thì cán bộ y tế phải chuẩn bị từ 5h. BV Bạch Mai thì cho biết sẽ bắt buộc phải chuyển bệnh nhân đã qua giai đoạn cấp cứu về tỉnh, nhưng trước khi chuyển sẽ liên lạc với BV tuyến tỉnh trước để đảm bảo thông suốt khâu tiếp nhận... Vấn đề là, mọi loay hoay giải thoát thế bế tắc quá tải này của các bệnh viên vẫn mới chỉ là cưa phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề vẫn là nhu cầu khám chữa bệnh đã vượt xa khả năng cung cấp dịch vụ, vẫn là sự chênh lệch trình độ giữa BV tuyến trên và tuyến dưới. Muốn giải quyết triệt để, vẫn là một kế hoạch tổng thể rõ ràng: Bộ Y tế phải đầu tư hơn nữa, các BV tuyến dưới phải năng động hơn nữa. Đặc biệt là cần thêm các thầy thuốc giỏi hơn nữa, bởi tiền đầu tư có thể xoay xở, nhưng nhân lực thì rõ ràng không thể có trong một sớm một chiều. “Gỡ” cách nào? Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) nếu điều trị ngoại trú trái tuyến, BHYT sẽ không chi trả. Nhưng nếu điều trị nội trú trái tuyến thì bệnh nhân ở TP.HCM sẽ được BHYT chi trả 60%, bệnh nhân ở tỉnh lên điều trị được chi trả 40%. Hiện nay chủ trương của Sở Y tế TP và BV Ung bướu TP là giảm điều trị nội trú bằng cách: nếu bệnh nhân có khả năng tài chính và tình trạng bệnh không nặng, BV sẽ cho điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nếu chuyển những bệnh nhân đúng ra được điều trị nội trú sang điều trị ngoại trú, theo Luật BHYT, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Chính vì vậy, BV đã làm việc với Bảo hiểm xã hội TP và được cơ quan này đồng ý: những bệnh nhân điều trị ngoại trú được hưởng quyền lợi như bệnh nhân điều trị nội trú. Hiện mỗi ngày BV Ung bướu TP có khoảng 1.200 bệnh nhân điều trị nội trú và có khoảng 1.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú tại các khoa. Điều này góp phần giảm tải rất lớn cho BV. Theo bác sĩ Bảo Tuấn, sắp tới khi áp dụng thông tư 01-2017 của Bộ Y tế về quy định thực hiện hóa trị, xạ trị, hóa trị kết hợp với xạ trị ban ngày tại cơ sở khám chữa bệnh, thì điều trị ban ngày được xem là một hình thức để điều trị nội trú. Khi đó quyền lợi của bệnh nhân điều trị ngoại trú vẫn được đảm bảo trong khi quyền lợi của BV không được đảm bảo. Ví dụ, BV không được tính tiền tiêm truyền hóa chất tĩnh mạch cho bệnh nhân điều trị ngoại trú cho BV vì Bảo hiểm xã hội cho rằng tiền đó đã nằm trong tiền giường (tiền giường chỉ được tính 30%). Nếu áp dụng quy định này, BV sẽ bị thiệt thòi rất lớn vì số bệnh nhân điều trị ngoại trú khá nhiều. Bác sĩ Tuấn kiến nghị: đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú, cơ quan thẩm quyền nên xem xét thanh toán BHYT đầy đủ cho BV như bệnh nhân điều trị nội trú, vì đây là giải pháp tạm thời nhằm giảm quá tải cho các BV. Các biện pháp giảm tải Theo Sở Y tế TP.HCM, cơ quan này đã và đang thực hiện nhiều biện pháp giảm tải: đẩy nhanh tiến độ của BV Ung bướu cơ sở 2, các BV quận huyện, dự án BV chấn thương và chỉnh hình và phát triển khoa vệ tinh các BV: Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 với nhiều hình thức (kết hợp BV công - BV công, BV công - BV tư), đưa vào sử dụng BV Nhi Đồng TP để giảm tải cho các BV đang quá tải. Nhân rộng mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận huyện đặt tại trạm y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chuẩn hóa hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế theo phác đồ điều trị. Ngoài ra rút ngắn quy trình khám chữa bệnh tại các BV, tăng thêm bàn khám, tăng giờ khám, tổ chức đăng ký khám chữa bệnh qua mạng, qua tổng đài...T.Dương TP.HCM: Quá tải gần 20 năm Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn cho biết nhiều người bệnh đến BV từ lúc 3h sáng chờ đến lượt khám bệnh nên từ tháng 6-2016 đến nay, BV đã triển khai khám bệnh từ 5h sáng, thay vì bắt đầu từ 7h sáng trước đây. BV cũng khám thông tầm từ 12h-13h, khám ngoài giờ hành chính từ 16h30-19h, thứ bảy và chủ nhật khám từ 7h30-12h để giảm lượng bệnh nhân phải chờ đợi. Ngoài ra, là một loạt nỗ lực cải tiến hoạt động của phòng khám: cải cách các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ (người bệnh có thể đăng ký lấy số thứ tự tại nhà, đăng ký khám bệnh qua tổng đài 1080). BV cũng hỗ trợ tăng cường năng lực cho các tuyến trước... Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng do hằng năm số bệnh nhân đến khám vẫn tăng đều từ 7-10% nên hiện BV Ung bướu vẫn kẹt trong tình trạng quá tải. Hiện số giường thực kê tại BV là 800 giường nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú hằng ngày dao động từ 1.100-1.200 người, tỉ lệ quá tải là 150%. Dù tính trung bình là 1,5 bệnh nhân/giường bệnh nhưng vì có những bệnh nhân nặng, bệnh nhân sau mổ, bệnh nhân chăm sóc đặc biệt được nằm một người/giường bệnh nên những khu vực còn lại phải nằm từ 2-3 bệnh nhân. Bệnh nhân ngày càng đông, lại tăng đều hằng năm nhưng diện tích khuôn viên của BV này vẫn giữ nguyên trong tình trạng khá hẹp. Cả hai khu của BV chỉ có 15.000m2 trong khi mỗi ngày BV phải khám ngoại trú cho 2.500 bệnh nhân. Nếu ít nhất mỗi người đi khám bệnh có một thân nhân đi cùng thì riêng khu khám bệnh đã tiếp nhận 5.000 bệnh nhân và thân nhân, ngoài ra còn 1.200 bệnh nhân nội trú và 1.600 nhân viên của BV. Và đây là con số đáng lo: trong khuôn viên diện tích của BV luôn có đến 7.800 người mỗi ngày. Trong số bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV Ung bướu, bệnh nhân ở TP.HCM chỉ chiếm 25%, 75% còn lại là bệnh nhân từ các tỉnh. Và như vậy, giải quyết tình trạng quá tải này một cách triệt để, rõ ràng cần có thêm giường bệnh và bệnh nhân cần được điều trị nhiều hơn ở các BV tỉnh. Sắp tới, khi cơ sở 2 BV Ung bướu (đặt tại Q.9, TP.HCM) đi vào hoạt động thì BV này mới có thể giải quyết được tình trạng quá tải. Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn vẫn lo lắng vì với số lượng bệnh nhân ung thư tăng đều như hiện nay, BV Ung bướu cơ sở 2 cũng chỉ giải quyết được tình trạng quá tải trong thời gian ngắn, sau đó có thể tiếp tục quá tải nếu không có các giải pháp tổng thể và triệt để khác ngay từ bây giờ. Và cũng trong gần 20 năm nay, dù BV Nhi Đồng 1 thực hiện nhiều biện pháp giảm tải như tăng cường lọc bệnh ngoại trú, phòng lưu bệnh ban ngày, cải tạo cơ sở vật chất, kê thêm giường cho bệnh nhi... nhưng cũng chưa khi nào hết quá tải. Bác sĩ Lê Bích Liên, phó giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết chỉ tiêu của BV có 1.400 giường nhưng do bệnh nhi nằm điều trị luôn trong tình trạng quá tải nên BV phải kê thêm giường tại hành lang, nới rộng phòng bệnh để kê thêm giường cho bệnh nhi nằm. Mới đây, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo BV Nhi Đồng TP đưa khu nội trú vào hoạt động để giảm tải bớt số bệnh nhi đang điều trị nội trú tại BV Nhi Đồng 1. Đang mùa dịch sốt xuất huyết, không lạ khi công suất sử dụng giường bệnh ở khoa truyền nhiễm BV Bạch Mai là 152%, các BV cùng điều trị sốt xuất huyết như BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, BV Đống Đa (Hà Nội) đều đã phải kê giường sang hội trường, phòng làm việc của bác sĩ. Nhưng ở những khu vực khác, trong những những ngày bình thường, tình trạng quá tải vẫn rất khủng khiếp: Trung tâm y học hạt nhân và điều trị ung bướu công suất giường bệnh trên 240%, hay các khoa chấn thương thương chỉnh hình của BV Việt Đức lúc nào cũng đầy người bệnh nằm trên cáng ngoài hành lang, y hệt tình cảnh ở các BV dã chiến.■ Nhiều bệnh nhân Long An lên TP.HCM điều trị Bà Võ Thị Dễ, phó giám đốc Sở Y tế Long An, báo cáo như trên tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giữa tháng 8-2017. Theo bà Dễ, Long An tiếp giáp TP.HCM nên bệnh nhân có BHYT vượt tuyến lên TP.HCM điều trị dù chỉ được thanh toán 50% chi phí khi điều trị nội trú. Cụ thể, chi phí điều trị cho số bệnh nhân khám chữa bệnh nội tỉnh năm 2016 chỉ 473 tỉ đồng, trong khi chi phí điều trị của số bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại tỉnh lên đến 519 tỉ đồng (chiếm 52%). Ông Võ Công Luận, giám đốc BV Đa khoa Long An, thừa nhận các cơ sở y tế tại Long An còn khoảng cách so với cơ sở y tế tại TP.HCM về các kỹ thuật cao. Bà Dễ cho rằng với tỉ lệ bệnh nhân vượt tuyến nhiều, ảnh hưởng đến quỹ BHYT của tỉnh như hiện nay, sắp tới nếu các cơ sở y tế trong tỉnh tự chủ tài chính sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện tỉnh cũng gặp khó trong việc tuyển bác sĩ hệ chính quy do bác sĩ chuyển dịch về TP.HCM nhiều (tỉnh có 923 bác sĩ thì trong đó hơn 50% bác sĩ đào tạo liên thông).T.Dương Tags: Quá tảiVòng luẩn quẩnQuá tải bệnh việnBệnh viện quá tảiBệnh nhân quá tải
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Đã cảnh báo, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, bị sóng dữ cuốn chết TRẦN HOÀI 23/12/2024 Dù đã có cảnh báo cấm xuống biển lúc sóng to, gió lớn, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, tắm lúc biển động, dẫn đến một người bị sóng cuốn chết.
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
'Nữ quái' ở Thái Bình lừa đảo bạn trai hơn 2,3 tỉ đồng nhờ 'bịa chuyện' TIẾN NGUYỄN 23/12/2024 Phạm Thị Liên nhiều lần 'bịa chuyện' bị bán ra nước ngoài làm gái bán dâm cần tiền chuộc và làm giấy tờ để về nước, qua đó lừa đảo số tiền hơn 2,3 tỉ.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.