Ảnh minh họa. |
Nhiều trang tin phải vội vã xóa ngay bản tin đã đăng vì hiểu ra sự thật được thổi phồng như thế nào.
Và không chỉ phim này, thậm chí một phim khác chưa ra cũng “hé lộ” thông tin rằng "Tui cũng được mời đến Cannes". Nhưng có lẽ phim này diễn viên không nổi tiếng bằng phim kia nên mật độ tin bài không được dầy đặc đến khó tin như vậy.
Đọc "thông cáo báo chí" từ đoàn phim gửi mới cảm thấy mức độ nổ "điếc không sợ súng" của họ: "Vượt qua hơn 1.000 bộ phim được gửi về tham sự Cannes phim "..." đã lọt vào vòng tuyển chọn của Liên hoan phim Cannes - một trong những liên hoan phim lớn nhất thế giới.
Bộ phim sẽ được Ban giám khảo xem, đánh giá và cho điểm. Danh sách các phim được chọn tranh giải chính thức sẽ được công bố vào giữa tháng 4".
Liên hoan phim Cannes là một trong số 3 liên hoan phim uy tín và lâu đời nhất thế giới. Được có mặt ở liên hoan phim này là ước mơ của nhiều nhà làm phim không chỉ ở Việt Nam. Cho đến nay, mới chỉ có đạo diễn Trần Anh Hùng với Mùi đu đủ xanh là cái tên Việt (dù là Việt kiều) đoạt giải Camera vàng ở đây.
Kế đến, phim Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di cũng từng đến Cannes trong hạng mục Tuần lễ các nhà phê bình Cannes và đoạt hai giải.
Mỗi năm, liên hoan phim Cannes luôn là nơi hội ngộ của các tác phẩm điện ảnh mang đậm ngôn ngữ điện ảnh tinh tế, cá tính và độc đáo. Liên hoan phim Cannes cũng có rất nhiều người tuyển phim phụ trách các vùng khác nhau trên thế giới, họ sẽ tìm kiếm theo dõi nhưng tài năng điện ảnh mới và cũ, những dự án có khi từ là ý tưởng, đến kịch bản rồi được quay.
Họ sẽ gần như biết hết những ai, những phim nào nên mời, xứng đáng mời đến Cannes. Tất nhiên đó cũng chỉ là bước đầu tiên, còn vào hạng mục nào ra sao lại là một bước khắt khe hơn của một ban tuyển chọn gồm toàn những cái đầu "có sạn" để cuối cùng, con số ít ỏi các phim (khoảng từ 20 hoặc 22) được công bố rằng đã chính thức được lọt vào vòng tranh giải và mời đến liên hoan phim "hot" nhất thế giới này.
Mặc dù người ta quá quen với các chiêu trò của những nhà làm phim (như tung tin nhảm, đẩy doanh số ảo, tạo scandal tình ái giữa các diễn viên chính...) nhưng đến trường hợp bi hài kịch của làng báo và làng phim Việt hôm qua, có lẽ một số thứ đã đi quá giới hạn.
So với những vụ hài hước xảy ra trước đây như LNK và VTP xuất hiện chỉ trong tích tắc trong phim “Thượng Hải” nhưng vẫn được đưa tin quá lố, gây sốc cho khán giả, thì vụ mới nhất này có sức lan tỏa còn lớn hơn, lên cả đài truyền hình, các tờ báo mạng lớn và thậm chí vẫn còn được đưa tin khắp nơi.
Trong khi chỉ cần đọc email mà đoàn phim công bố là thư trả lời từ Cannes thì có thể thấy ngay nội dung bức email bằng tiếng Pháp này chỉ có vỏn vẹn thông điệp "Chúng tôi cảm ơn ông bà đã gửi phim. Đến giữa tháng 4 chúng tôi sẽ họp báo công bố các phim được chọn. Nếu phim ông bà được chọn chúng tôi sẽ gửi thư thông báo trước".
Có nghĩa là thực ra bộ phim hài ấy mới chỉ nhận được email xác nhận rằng người ta "đã nhận được bản phim họ gửi đến" mà thôi.
Làm sao không bi hài cho được khi một bức thư cảm ơn từ LHP Cannes với nội dung bình thường rằng "đã nhận phim của anh gửi đến" bị biến thành tin nóng hổi phim đã được vào vòng tuyển chọn của liên hoan phim Cannes.
Và thực ra những gì báo đăng lên hoàn toàn là tin một chiều từ bộ máy truyền thông của phim mà không có sự kiểm chứng xác đáng.
Trong trường hợp bộ phim hài nói trên, cũng chưa rõ kiểu truyền thông liều mạng và háo danh này sẽ giúp họ có thêm khán giả hay không, vì dẫu sao thì cũng có quá nhiều báo đưa tin, thậm chí cả truyền hình, và vì vậy thì họ được thêm một lượng người biết đến.
Cannes luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt với không chỉ riêng làng phim VN mà còn với rất nhiều người Việt, thậm chí các hãng bia rượu năm nào cũng tìm cách đưa những người nổi tiếng ở VN - đạo diễn kỳ cựu, diễn viên xinh đẹp, hoa hậu quý phái, đại biểu quốc hội - đi đến liên hoan phim này để tạo sự kiện liên quan thương hiệu.
Chính vì thế, sự vội vã đưa tin dưới ánh hào quang của Cannes mà không thèm kiểm chứng của các phương tiện truyền thông cũng không có gì khó hiểu.
Ngoài ra, có thể chính áp lực chạy tin nhanh hơn báo khác cũng là một nguyên nhân nữa làm cho báo chí lại trở thành nạn nhân của bộ máy truyền thông nhãn hàng.
Không biết sau vụ "phim hài Việt đến Cannes" quá hài này, các phóng viên có rút được kinh nghiệm nào với các dạng “thông cáo báo chí” viết để in luôn được từ những người làm quảng cáo cho các nhãn hàng hay không.
Tuy nhiên, thường thì mọi chuyện rồi sẽ từ từ trôi vào quên lãng, mọi người sẽ quên ngay nó khi có một trò vui nào đó mới.
Chỉ mong rằng những người làm phim cố gắng để giữ được mình chút danh nghệ sĩ, là cái mà người đời vẫn có chút gì đó trân trọng.
*Đón đọc kỳ 2: Thời lên ngôi thượng vàng hạ cám của thông cáo báo chí
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận